• Zalo

Ông Trần Đăng Tuấn bị loại: Sao 36 người 'cơ cấu' lại nhiều quan chức đến thế?

Thời sựThứ Bảy, 16/04/2016 07:40:00 +07:00Google News

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội là điều rất đáng tiếc.

(VTC News) - Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội là điều rất đáng tiếc.

Như VTC News đã đưa tin, sáng 15/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để chốt lại danh sách 38 ứng viên đủ tiêu chuẩn của Hà Nội ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong danh sách những người được chọn không có tên của Nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

Ông Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh)
Ông Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Bình luận về điều này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng việc ông Trần Đăng Tuấn không lọt vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội lần này là điều hết sức đáng tiếc.

Ông Dương Trung Quốc cũng cho biết đã từng phát biểu với nhiều cơ quan truyền thông khi nghe tin ông Trần Đăng Tuấn ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Khi đó, ông Quốc rất vui mừng trước thông tin này và trân trọng hành động ra ứng cử đại biểu Quốc hội của ông Tuấn.

“Anh Tuấn là người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực báo chí nên có kỹ năng truyền thông. Thứ hai, anh Tuấn là người hoạt động xã hội rất tốt. Anh Tuấn cũng trẻ hơn tôi rất nhiều. Những người như thế tôi cho là hoàn toàn xứng đáng”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng: “Nhìn kết quả buổi hiệp thương lần 3 do Mặt trận Tổ quốc Hà Nội tổ chức thì quan điểm của tôi không phải là so sánh ông Trần Đăng Tuấn với những người khác trúng cử, vì so sánh cũng rất khó. Nhưng tôi tiếc vì anh Trần Đăng Tuấn rất xứng đáng”.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn không lọt vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV
Nhà báo Trần Đăng Tuấn không lọt vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV 
Bên cạnh đó, ông Quốc cũng cho hay đã biết nhiều thông tin về hai người tự ứng cử có mặt trong danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của Hà Nội.

Trong đó, GS Nguyễn Hữu Ninh là người hoạt động môi trường rất giỏi, rất nổi tiếng và GS Nguyễn Anh Trí, ở Viện huyết học và truyền máu Trung ương cũng được biết đến qua nhiều hoạt động.

“Cái băn khoăn của tôi là tại sao trong 36 người “cơ cấu” (người được giới thiệu) lại có nhiều quan chức đến thế? Trong khi các vị quan chức có cơ hội, có những diễn đàn riêng để đóng góp cho việc công", ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.

Nhà sử học này cũng cho rằng nếu có thêm những người tự ứng cử thì chắc chắn sẽ có lợi hơn cho việc công.

“Nếu làm được việc đó thì Quốc hội của Việt Nam ngày càng hướng đến bản chất là cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát cơ quan hành pháp. Khi đó, tính chuyên nghiệp sẽ lớn hơn, sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Quốc nói.

Bên cạnh đó, ông Quốc cũng băn khoăn về vấn đề cơ cấu, theo ông cơ cấu nếu chưa hợp lý thì phải tính toán. Cơ cấu phải ngày càng bớt đi những quan chức  ở cơ quan hành pháp.

"Mọi người đều thầy rằng cần bớt những người trong cơ quan hành pháp ở Quốc hội bởi vì những người ấy có rất nhiều cơ hội để đóng góp cho việc chung. Tôi không đánh giá thấp họ. Tôi không so sánh năng lực của họ với nhau, vì mình không có quyền làm chuyện ấy.

Nhưng những người đấy có cơ hội, điều kiện để đóng góp cho việc chung ở những diễn đàn khác, ở những tổ chức khác, ở trên cương vị khác. Nên dành nhiều hơn cho những người tự ứng cử để họ được tham gia đông đảo hơn", vị đại biểu Đồng Nai nhấn mạnh.

                 Video: Khi nghệ sĩ tự ứng cử đại biểu Quốc hội


Trong khi đó, nói về cảm giác khi biết tin mình bị loại, ông Trần Đăng Tuấn cho biết cảm thấy đây là việc bình thường.

Theo nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, ông làm những gì mà ông cảm thấy đúng còn các thành viên trong Hội nghị Hiệp thương có trách nhiệm chuyện chấp nhận ai và không chấp nhận ai vào danh sách ứng cử để cử tri bỏ phiếu.

"Tôi cảm thấy bình thường. Nếu được tham dự thì có thể có điều kiện để làm các việc mà tôi đang thực hiện tốt hơn còn không thì không có được như thế,” ông Tuấn nói.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội  
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội cho rằng những người đưa vào danh sách hiệp thương 3 thì cơ bản đều đủ tín nhiệm, điều kiện.

"Nhưng ở đây với số lượng, cơ cấu, thành phần được phân bổ chỉ có hạn nên chúng ta nói với nhau nôm na là "so bó đũa, chọn cột cờ" chứ không phải những người đó không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, đạo đức, uy tín, trách nhiệm.

Có những người tín nhiệm rất cao nhưng còn phải xem xét họ có đại diện, sức lan tỏa cho số đông trong xã hội hay không, giúp cho phát triển thủ đô, đất nước hay không khi đứng ở vị trí, cương vị, lĩnh vực, ngành nghề người ta tham gia hoạt động", bà Oanh nói.

Bên cạnh đó, bà Oanh cũng không cung cấp các số liệu cụ thể về người ủng hộ, không ủng hộ đối với trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn trong Hội nghị hiệp thương lần 3.

Trong số 48 người tự ứng cử chỉ có 2 người lọt vào danh sách chính thức còn lại 46 người bị loại.

Hội nghị lần thứ 3 đã chốt lại danh sách còn lại 38 người được lựa chọn lập danh sách chính thức ứng cử ĐBQH khóa 14. Ngoài ra, T.Ư phân bổ 13 người về bầu cử tại đơn vị bầu cử Hà Nội. Trong khóa 14 này, Hà Nội được phân bổ bầu 30 đại biểu Quốc hội.


Danh sách 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV được lựa chọn tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3:

Người được giới thiệu:

1. Hoàng Trung Hải - Bí thư Hà Nội

2. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND HN

3. Ngọ Duy Hiểu - Bí thư huyện Phúc Thọ

4. Bùi Huyền Mai -  Phó Trưởng ban pháp chế HĐND HN

5. Trần Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ HN

6. Bạch Tố Uyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ba Trại, huyện Ba Vì

7. Nguyễn Doãn Anh - Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô

8. Ngô Quốc Chính - Chủ tịch công đoàn Công an Hà Nội

9. Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an Hà Nội

10. Nguyễn Hữu Chính - Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội

11. Đào Tú Hoa - cán bộ Tòa án nhân dân Hà Nội

12. Phan Thanh Chung - Chủ tịch Công đoàn, Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội

13. Phạm Quang Thanh - Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Hà Nội

14. Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam

15. Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương

16. Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội

17. Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng

18. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân

19. Nguyễn Thị Lan - Học viện nông nghiệp Việt Nam

20. Lê Quân - Phó Giám đốc Đại học quốc gia

22. Phạm Thị Thu Thủy - Đại họcThương Mại

23. Bùi Thị An - Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội

24. Trần Danh Lợi - Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội

25. Nguyễn Thị Bích - giáo viên Trung học phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì

26. Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

27. Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội

28. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng tổ chức biểu diễn, Nhà hát múa rối Thăng Long

29. Lê Phương Linh - Bệnh viện đa khoa Đống Đa

30. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc viện tim Hà Nội

31. Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm số 2 Hà Nội

31. Nguyễn Thị Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội

32. Nguyễn Quốc Bình - Phó Chủ tịch thường trực hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội

33. Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội

34. Trần Thị Thanh Nhàn - Hội luật gia thành phố Hà Nội

35. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Hà Nội

36. Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP quốc tế Sơn Hà

Người tự ứng cử:

37. Nguyễn Hữu Ninh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển thuộc liên hiệp các hội KHKTVN.

38. Nguyễn Anh Trí – Bí thư đảng ủy, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn