• Zalo

Ông Thủy Nguyên: Hãng phim là cái chợ trời trước khi tôi đến, nghệ sĩ tới chỉ xả rác

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 10/10/2017 10:24:00 +07:00Google News

"Hãng phim là cái chợ trời trước khi tôi đến, nghệ sĩ tới chỉ xả ra một đống rác " - Ông Nguyễn Thủy Nguyên chia sẻ sau 3 tháng trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập vào năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2016, hãng tiến hành cổ phần hóa. Hiện tại, công ty vận tải thủy Vivaso của ông Nguyễn Thủy Nguyên là nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim. 

Tuy nhiên, sau gần 3 tháng cổ phần hóa, các nghệ sĩ của Hãng phim liên tục chia sẻ những bức xúc vì cho rằng, phía Vivaso không có ý định làm phim, họ không tôn trọng các nghệ sĩ và chỉ muốn chiếm khu đất vàng mà Hãng đang sở hữu.

Trước những ồn ào này, phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vivaso.

- Với tư cách là cổ đông chiến lược, ông nghĩ nào về những ồn ào xung quanh Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay?

Tôi rất đau lòng, rất mệt. Mới đây nhất, sáng 9/10, các nghệ sĩ tới giằng cái máy chấm công, không cho lắp đặt. Tôi phải gọi công an tới làm việc, họ mới trả lại.

Trước đó, chúng tôi đã nói rõ, việc chấm vân tay là đối với những người thuộc diện ngày phải đi làm đủ 8 tiếng như phòng hành chính, phòng tài vụ...Còn tất cả NSND, NSƯT, các lãnh đạo là không phải chấm vân tay nhưng sẽ có quy chế báo cáo sau và phải đăng ký, phải có sản phẩm.

Mặc dù gặp nhiều sức ép nhưng tôi khẳng định sẽ thực hiện đúng quy trình đã đề ra. Cổ phần hóa là việc tất yếu. Còn tất nhiên, nó sẽ ảnh hưởng tới một số người sống bao cấp, khi chuyển sang cơ chế thị trường mất quyền lợi.

Tôi sẽ tiếp tục cải tổ Hãng phim truyện Việt Nam, không thể để nợ mấy chục tỷ đồng tiền thuế và phải công bằng, làm thật, ăn thật, chứ không thể đi làm chỗ khác nhưng hãng vẫn trả lương. Hiện tại, mỗi tháng tôi mất hơn 700 triệu đồng vào lo trả lương cán bộ, nhân viên của Hãng, đóng bảo hiểm, tiền thuê đất, tiền điện nước. Cả năm mất gần 9 tỷ đồng mà sản phẩm thì chưa thấy gì.

Tôi sẽ không để tình hình tiếp diễn tiếp diễn như vậy, phải có quy chế lao động, quy chế phát ngôn, nếu sai phạm sẽ phải xử phạt theo luật. Không thể để ai cũng có thể làm sếp, ai cũng đi muộn về sớm như cái chợ giời thế này.

Video: Ông Nguyễn Thủy Nguyên chia sẻ việc các nghệ sĩ tới giằng máy chấm công (Phạm Chiểu)

- Các nghệ sĩ cho rằng với tư cách là cổ đông chiến lược, ông thường xuyên có những hành động, lời lẽ xúc phạm họ. Ông nói sao về điều này?

Trong thời gian qua, có rất nhiều điều xuyên tạc, không đúng sự thật được đưa ra cho báo chí. Có người nói được trả lương 540 nghìn đồng nhưng đó chỉ là lương ký nhận để đóng bảo hiểm, chứ trả lương cơ bản như thế là vi phạm luật lao động.

Họ nói ở cảng Hà Nội, nơi tôi quản lý chỉ con có 4, 5 người làm việc nhưng thực chất, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Hàng trăm công nhân vẫn đang làm việc, riêng đội ngũ bảo vệ đã lên tới hàng chục người.

Họ cứ rêu rao tôi xúc phạm họ nhưng chính họ xúc phạm tôi trước. Mặc dù các ông luôn nói mình dân văn hóa lại chê người ta không đủ tư cách.

Tôi thấy mình bị xúc phạm rất nhiều. Công ty bỏ vào đây tiền, bỏ công sức sức vào Hãng phim truyên. Tôi chưa có chỗ ngồi ở đấy, chưa húp một bát cháo, cầm một đồng xu nào ở đấy, vậy mà vu cho tôi có âm mưu gì đó ghê gớm lắm. Động một tý là ghi âm, quay camera rồi tung ra cho báo chí.

Trong khi lẽ ra, ở một cơ quan, khi có gì bức xúc, cán bộ nhân viên phải phản ánh, trao đổi trực tiếp với cấp trên, với lãnh đạo, không thể có chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường.

Rồi các hội này nọ họp với nhau. Nếu như các hội tôn trọng tôi, có thể gặp tôi để có tiếng nói đa chiều. Bây giờ cứ hội nọ gặp hội kia mà cũng từ ông Thanh Vân mà ra. Chi hội Điện ảnh hay Hội điện ảnh Hà Nội chưa bao giờ có ý định gặp gỡ tôi, chư bao giờ có ý định chia sẻ. Họ chỉ tổ chức họp báo rồi đưa ra những lời lẽ xúc phạm tôi.

 
Các anh nói tôi biến Hãng phim thành chợ giời nhưng quên rằng, nó đang là cái chợ giời từ trước khi tôi đến.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên

Các anh nói tôi biến Hãng phim thành chợ trời nhưng quên rằng, nó đang là cái chợ trời từ trước khi tôi đến. Ai muốn đi sớm về muộn cũng được, không coi ai là lãnh đạo, không coi ai là sếp, đến đấy chỉ xả ra một đống rác.

Hãng thì ngập rác nhưng không ai dọn. Lúc tôi cho người dọn thì lại vu cho tôi làm để lấy đất cho thuê.  Hãng phim đó chết từ lâu rồi. Theo báo cáo tài chính gửi chính phủ trong quá trình cổ phần hóa, 14 năm qua, Hãng làm ăn thua lỗ triền miên, nợ hàng tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất. Cán bộ nhân viên, không đi làm, lương vẫn hưởng. Lẽ ra các anh phải cảm thấy xấu hổ vì điều ấy chứ?

Mà lịch sử ở cái Hãng phim này cho thấy, năm nào chả có kiện tụng, năm nào cũng có đơn từ khiếu nại.

- Theo như ông nói, ở Hãng phim truyện Việt Nam, năm nào cũng có kiện tụng. Vậy sao chỉ tới khi, công ty của ông thành cổ đông chiến lực của Hãng, những ồn ào mới trở nên gay gắt như hiện nay?

Họ phản ứng vì nó không còn hoạt động theo kiểu bao cấp, khi mà họ chỉ cần chơi vẫn có tiền. Số tiền ấy, dù ít ỏi thì đây cũng là một nguồn nuôi. Mẹ có già thì vẫn bám váy mẹ. Bây giờ đu vào cơ chế thị trường thấy mất nguồn nuôi, phản ứng là chuyện bình thường.

22359139_1474138452655669_1360145860_n-0724259 3

 Ông Nguyễn Thủy Nguyên - cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Phạm Chiểu).

- Các nghệ sĩ cho rằng nguyên giá trị đất đai mà Hãng đang sở hữu đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong khi ông chỉ phải bỏ ra một số tiền nhỏ hơn rất nhiều để trở thành cổ đông chiến lực của Hãng. Ông phản hồi thế nào trước thông tin này?

Đó cũng là một dạng vu khống. Đây là đất thuê, đất giải trí, đất cây xanh chứ có phải đất sở hữu đâu mà hơn nghìn tỷ đồng.

Tôi khẳng định lại, tất cả số đất mà Hãng đang có là đất cho thuê, phải đóng thuế hàng năm, chỉ cần một quyết định thu hồi là tay trắng. Muốn chuyển sang đất nhà ở thì phải đóng bao nhiêu tiền. Không phải muốn làm gì là làm được đâu.

Ví dụ như cái nhà thủy phi cơ, tôi phải đóng hàng tháng mười mấy triệu tiền thuê đất nhưng chỉ để làm nhà truyền thống.

Hơn nữa, quá trình cổ phần hóa đã chỉ rõ, giá trị doanh nghiệp của Hãng phim là 91 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 70 tỷ đồng, cộng thêm vốn điều lệ là hơn 19 tỷ đồng. Họ không hiểu. Họ có đọc được báo cáo tài chính đâu. Họ cứ bịa đặt, nhân nó lên rồi vu cho tôi có âm mưu này, âm mưu kia. Mệt mỏi lắm.

- Vậy thưa ông, có hay không chuyện sau khi cổ phần hóa, ông đã xén đất của Hãng phim cho thuê mặt bằng kinh doanh?

Người cho thuê toàn quá khứ hết. Tôi chưa làm bất cứ điều gì.

- Vậy nhưng có nghệ sĩ khẳng định, khi lên văn phòng gặp ông thì thấy ông đang tiếp hai chủ cửa hàng thuê đất của Hãng để mở cửa hàng chân gà nướng?

Từ khi cổ phần hóa tới giờ, tôi chỉ tới Hãng phim một vài lần. Hãng phim thuộc quyền sở hữu của một công ty con trong tập đoàn của tôi. Tôi hỏi bạn, tôi tầm cỡ thế này, có đi làm cái việc mà anh nghệ sĩ kia nói không?

- Rất nhiều người thắc mắc rằng một công ty vận tải sao lại đầu tư vào Hãng phim đang làm ăn thua lỗ?

Lĩnh vực điện ảnh, nếu làm kém, có thể chết không nhắm mắt nhưng đó cũng là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận lớn. Tôi là người làm ăn, tôi phải nhin từ nhiều góc độ, phải cân nhắc hợp lý thì mới làm.

Tôi thích sự mạo hiểm. Tôi thích sống ở vùng "mép biên".

- Tuy vậy, các nghệ sĩ khẳng định, sau khi mua Hãng phim, ông hoàn toàn không có ý định làm phim. Ông nghĩ sao về điều này?

Chính ông Thanh Vân có nói muốn có phim phải viết kịch bản sáu tháng rồi một năm. Cổ phần hóa chưa đầy ba tháng mà mấy ông đòi có việc ngay, có phải đi bốc đất đâu mà làm được điều ấy.

- Đạo diễn Quốc Tuấn có nói rằng khi các nghệ sĩ có đưa ra các kế hoạch phát triển Hãng phim truyện, ông đều gạt ra trong vòng năm giây?

Trong cái kế hoạch đó, họ tự phong nhau làm Giám đốc. Họ đưa cho tôi cái kế hoạch đã có gì đâu.

Các ông lật như thế này, cứ đẻ ra các chuyện như vậy, cứ diễn mệt lắm. Tôi còn bận bao nhiêu công việc, không có thời gian chạy đi chỗ này chỗ kia, tiền hô hậu ủng.

Cái kết quả mà chúng ta nhìn thấy bây giờ là vô văn hóa. Chúng ta phải bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường và phải đập đi cái cũ, xây dựng một cái gì mới. Cái này mang lại lợi ích cho xã hội, nhà nước không phải trả hộ họ hàng năm mấy chục tỷ tiền thuế, không phải trả lương cho những người không đi làm, tức là lấy lại công bằng.

- Trước khi mua cổ phần thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện, ông có lường trước được những ồn ào có thể gặp phải?

Tôi không lường trước được vì nghĩ nghệ sĩ vui vẻ, suốt ngày ca hát, ăn uống nhẹ nhàng, nhưng không ngờ...Đây là bài học khiến tôi rút ra nhiều kinh nghiệm trong tiếp xúc.

- Giả sử quay lại thời gian, nếu biết trước tình hình có thể diễn ra như hiện này, ông có đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam?

Tôi làm gì cũng không thay đổi. Tính tôi rất quyết đoán.

- Vừa rồi Phó thủ tướng chính phủ có yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim. Ông đón nhận thông tin này như thế nào?

Tôi ủng hộ thanh tra để chứng minh sự minh bạch.

Xin cảm ơn ông!

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn