Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, hơn bao giờ hết Trung Quốc cần các giải pháp khoa học cho các vấn đề của mình. “Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt, với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, chúng ta phải tìm ra cách riêng để nâng cấp, trở nên đổi mới và tạo ra nhiều đột phá hơn”, ông Tập Cận Bình cho hay.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc phải đối mặt với những thay đổi “sâu sắc và phức tạp” trong môi trường trong nước và quốc tế, vốn đòi hỏi những tiến bộ nhanh hơn trong khoa học.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, một số lĩnh vực nghiên cứu chính nên khắc phục sự phụ thuộc của ngành nông nghiệp vào giống nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu các thành phần quan trọng trong công nghệ sản xuất cốt lõi, cũng như giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào nguồn cung cấp dầu ở nước ngoài.
Ông Tập cũng cho biết, Trung Quốc sẽ cố gắng thu hút các chuyên gia hàng đầu và tạo ra “môi trường và điều kiện cạnh tranh hấp dẫn” cho các nhà khoa học từ nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ dần cho phép các tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế thành lập tại Trung Quốc, cho phép các nhà khoa học nước ngoài làm việc trong các tổ chức khoa học và công nghệ của Trung Quốc, và biến Trung Quốc trở thành nơi tự do cho hợp tác toàn cầu rộng mở về khoa học và công nghệ”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh
Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi các nhà khoa học nước này “yêu nước và đổi mới”, nêu gương các nhà nghiên cứu đã phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa và vệ tinh của đất nước từ những năm 1950 - 1970.
Ông Tập đặt ra chiến lược “tập trung nguồn lực” trong hệ thống nhà nước để “thúc đẩy những đột phá quan trọng về công nghệ”. Chẳng hạn như thành lập một nhóm các phòng thí nghiệm quốc gia và tái cấu trúc các phòng thí nghiệm hiện có để tạo thành một lực lượng chiến lược trong khoa học.
Ông Tập cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khoa học cơ bản và hỗ trợ nhiều hơn từ các cộng đồng kinh doanh và tài chính. Ông cũng cam kết cung cấp các khoản tài trợ của ngân hàng và giảm thuế cho các tổ chức và công ty nghiên cứu khoa học cơ bản.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Washington áp đặt các hạn chế sử dụng công nghệ Mỹ của các công ty Trung Quốc và mở rộng lệnh cấm đối với sinh viên khoa học Trung Quốc đang học tập tại Mỹ.
Hôm 10/9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo thu hồi thị thực của hơn 1.000 công dân Trung Quốc đang học tập hoặc nghiên cứu tại Mỹ, cáo buộc họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Động thái này của Mỹ được Trung Quốc mô tả là “khủng bố chính trị và phân biệt chủng tộc”.
Bình luận