Ông Putin: Chính sách năng lượng của EU là sự 'tự sát về kinh tế'

Thời sự quốc tếThứ Tư, 18/05/2022 06:48:20 +07:00
(VTC News) -

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga đã gây ra lạm phát năng lượng ở phương Tây.

Hôm 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lạm phát và giá năng lượng cao hơn ở các nước phương Tây nên coi là sai lầm của chính họ, không phải do Nga. Ông nói rằng EU đang "tự sát về kinh tế" bằng cách cố gắng cắt đứt các nguồn năng lượng của Nga.

“Tự sát kinh tế như vậy đương nhiên là công việc nội bộ của các nước châu Âu. Chúng ta phải hành động một cách thực dụng, xuất phát từ lợi ích kinh tế của chúng ta”, Tổng thống Vladimir Putin nói nói tại một hội nghị về lĩnh vực dầu mỏ ở Nga.

Ông Putin: Chính sách năng lượng của EU là sự 'tự sát về kinh tế' - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)

Theo ông Putin, châu Âu thừa nhận rằng họ chưa thể từ bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, họ đã đặt ra một nhiệm vụ như vậy, "mà không cần quan tâm đến những thiệt hại đối với nền kinh tế của chính họ".

"Các biện pháp trừng phạt và tuyên bố về mong muốn từ bỏ năng lượng của Nga đã góp phần vào sự tăng của giá dầu trên toàn thế giới”, ông Putin nhấn mạnh.

“Ngày nay, chúng ta thấy rằng vì những lý do chính trị, vì tham vọng của riêng họ và dưới áp lực từ Mỹ, các nước châu Âu đang áp đặt ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt mới đối với thị trường dầu khí. Tất cả những điều này dẫn đến lạm phát”, ông Putin nói thêm.

Tổng thống Nga cũng chỉ trích EU, cho rằng “họ đang cố gắng đổ lỗi cho lạm phát và tăng giá năng lượng cho chúng ta. Họ đổ lỗi mọi thứ cho Nga, cố gắng che đậy những sai lầm mang tính hệ thống trong lĩnh vực này".

Theo ông Putin, Chính phủ Nga sẽ giúp các công ty thay đổi mô hình kinh doanh. Ông nói thêm rằng Moskva sẽ giúp cải thiện hậu cần, quá trình sản xuất cũng như đảm bảo các hợp đồng mua dầu khí được thanh toán bằng đồng rúp.

Cấm nhập khẩu dầu Nga là vấn đề gây chia rẽ trong EU. Hiện EU chưa đạt thống nhất về điều này do một số quốc gia thành viên, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn dầu từ Nga, không muốn tham gia lệnh cấm vận này.

Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. EU nhập khẩu 3 - 3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.

Kông Anh(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp