Liên quan đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung các các luật liên quan đến điều kiện kinh doanh (sửa 12 luật), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng thời gian chuẩn bị luật này quá gấp gáp, các cơ quan của Quốc hội khó có đủ thời gian để xem xét, thẩm tra.
Bà Ngân khẳng định: “Việc trình các dự án luật phải tuân thủ quy trình, điều kiện được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vừa rồi báo chí bình luận rằng Thủ tướng gọi điện tha thiết đề nghị còn Chủ tịch Quốc hội lắc đầu, viết như vậy là làm méo mó sự việc”.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng chất lượng các dự án luật phải được đặt lên hàng đầu. Các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới ban hành. Các luật này cũng do Chính phủ trình, sau một thời gian nghiên cứu, thảo luận rất kỹ, bây giờ bảo rằng sửa đổi là nhu cầu bức xúc thì rất khó nói” - bà Kim Ngân nhấn mạnh.
Quốc hội phải thảo luận hết ý kiến mới nghỉ
Trước đó, khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 3/10, Chủ tịch Quốc hội cho hay: “Tối qua, Thủ tướng điện thoại trực tiếp cho tôi nói làm sao khẩn trương thẩm tra dự án luật này để kịp trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tháng 10 này để đáp ứng kịp thời đời sống kinh tế của đất nước.
Song vì luật liên quan rất nhiều luật nên chưa có đủ điều kiện bổ sung luật vào phiên họp thứ 4 này của UBTVQH. Dự luật đưa ra QH phải nghiêm túc, có chất lượng, không thể thẩm tra quấy quá trong một buổi tối, một vài ngày được”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội nên đổi mới cách thức làm việc, thảo luận hết ý kiến mới nghỉ.
"Thậm chí nếu 18h chiều mà vẫn còn nhiều việc, đề nghị Tổng Thư ký bố trí cho đại biểu ăn nhanh rồi thảo luận tiếp. Tôi thấy nhiều Quốc hội người ta cũng làm như vậy, thậm chí người ta thảo luận đến 23-24 giờ đêm” - ông Hiển đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đổi mới cách làm việc này.
"Tôi đi các nước cũng thấy người ta làm việc 19-20h vẫn sáng đèn. Tuy nhiên, cách làm của họ là người nói cứ nói, người nghe không muốn nghe thì có thể ra về làm việc khác. Chúng ta thì lâu nay vẫn yêu cầu đại biểu phải có mặt đầy đủ, thậm chí còn điểm danh nữa” - bà Ngân nói.
Báo cáo Quốc hội “sự cố Formosa”
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường (kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội); Báo cáo về tình hình Biển Đông…
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo đề nghị của Chính phủ, sẽ báo cáo Quốc hội cho rút khỏi chương trình hai dự án luật: Dự án Luật công an xã để tiếp tục hoàn thiện; Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để sau khi tổng kết nghị quyết của đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” sẽ có cơ sở đầy đủ, toàn diện cho việc sửa đổi Luật.
Theo đó, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (khai mạc ngày 20/10) dự kiến thông qua bốn dự án luật, một nghị quyết, bao gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Video: Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chât vấn Quốc hội
Bình luận