Ngày 6/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 04 tháng đối với Phan Văn Vĩnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
"Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố; căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 356 và ra Lệnh bắt bị can số 358 để tạm giam 04 tháng đối với Phan Văn Vĩnh, sinh năm 1955 tại Nam Định; nơi cư trú: 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999", thông báo của Bộ Công an nêu.
Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Ông Phan Văn Vĩnh, sinh ngày 19/5/1955 tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp ĐH An Ninh nhân dân và có bằng cử nhân Luật, ông công tác tại Công an tỉnh Nam Định và đảm trách phá nhiều vụ án lớn tại địa phương.
Năm 1991, trong quá trình truy bắt 5 tên cướp chuyên sử dụng súng ngắn, lựu đạn khi gây án, ông Vĩnh bị thương nặng, hỏng một bên mắt.
Năm 2000, ông Vĩnh được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân khi đang giữ cương vị phó Giám đốc Công an Nam Định.
Đến năm 2007, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Công an Nam Định và phong hàm Thiếu tướng.
Tháng 9/2010, ông Vĩnh nhận chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát điều tra tội phạm, sau đó được phong hàm Trung tướng và được bổ nhiệm vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát năm 2014.
Từ sau khi nghỉ hưu vào tháng 4/2017, ông về quê sinh sống tại ngôi nhà nằm ở 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Trước khi ra lệnh khởi tố ông Phan Văn Vĩnh, cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Văn Vĩnh. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu ông Vĩnh có bị tước nốt danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân?
Thông tư 34-TTg hướng dẫn thi hành các danh hiệu vinh dự nhà nước: Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có quy định về các trường hợp bị tước danh hiệu như sau:
“Đơn vị anh hùng và người anh hùng phải là những đầu tầu xuất sắc của phong trào thi đua. Do đó, họ có trách nhiệm thường xuyên chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng, phát triển tài năng, cần cù và khiêm tốn, ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và tiến bộ không ngừng. Để khuyến khích anh hùng vươn lên mãi, pháp lệnh quy định chế độ tuyên dương anh hùng nhiều lần (lần thứ hai, lần thứ ba…) cho những tập thể và cá nhân đã được tuyên dương anh hùng rồi mà nay lại lập được thành tích mới đặc biệt xuất sắc.
Mỗi lần được tuyên dương anh hùng đều được thưởng một huy chương anh hùng mới. Nếu là đơn vị anh hùng thì ngoài việc được thưởng huy chương anh hùng mới còn được Chính phủ tặng một lá cờ mới. Ngược lại những tập thể và cá nhân đã tuyên dương anh hùng rồi mà sau đó phạm khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng, không xứng đáng với danh hiệu vinh dự đó nữa thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xét và quyết định tước anh hùng, Chính phủ sẽ thu hồi huy chương anh hùng, và cả cờ nếu là đơn vị anh hùng.
Mức sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng nói ở đây chỉ mức độ cố tình vi phạm đạo đức cách mạng một cách nặng nề, liên tục, có hệ thống, gây nhiều tác hại trong sản xuất và công tác, làm hại đến thanh danh anh hùng, bị đông đảo quần chúng đề nghị tước danh hiệu anh hùng của họ. Những trường hợp này cần phải xét thận trọng.
Những anh hùng phát huy được tác dụng tốt trong sản xuất, công tác, nhưng lại phạm khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng về đạo đức cách mạng thì cần hết sức giáo dục, thuyết phục để họ sửa chữa khuyết điểm, lập công mới, tạo điều kiện cho họ tiếp tục vươn lên.
Video: Nhìn lại sự nghiệp của ông Phan Văn Vĩnh
Việc đề nghị tước danh hiệu anh hùng là quyền hạn của chính quyền các cấp, cao nhất là Hội đồng Chính phủ; cũng có thể do Tòa án nhân dân đề nghị, nếu anh hùng là người phạm pháp bị bắt quả tang hoặc đã bị kết án. Ngoài ra, bất kỳ người công dân nào khác cũng có quyền đề nghị nếu xét thấy anh hùng đó không xứng đáng. Cơ quan nào nhận được ý kiến đề nghị này thì phải tổ chức kiểm tra ngay”.
Trước đó, ông Phan Văn Vĩnh đã bị cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ triệu tập để làm rõ sự liên quan của ông trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”.
Vụ án này liên quan đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với quy mô hàng ngàn tỷ đồng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Sau nhiều ngày làm việc, cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đã báo cáo và đề xuất lên Đảng ủy Công an Trung ương về việc bắt, khởi tố tướng Phan Văn Vĩnh.
Cũng theo nguồn tin trên Báo Tiền Phong, ông Phan Văn Vĩnh khi còn đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thành lập một công ty hoạt động về lĩnh vực công nghệ cao, và chính Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã điều hành công ty này, lợi dụng hoạt động để nhập khẩu thiết bị phục vụ đánh bạc trá hình với quy mô lớn qua mạng, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Được biết, cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ ông Vĩnh được hưởng lợi như thế nào từ đường dây đánh bạc này.
Bình luận