Video: Nhìn lại sự nghiệp của ông Phan Văn Vĩnh
Trả lời PV VTC News về việc bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, vi phạm của ông Phan Văn Vĩnh là nghiêm trọng và đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành công an.
Tổng cục Cảnh sát là cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, cơ quan tham mưu cho Bộ Công an và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, lại đứng ra tiếp tay cho tội phạm, che giấu tội phạm, thậm chí là tham gia vào phạm tội là điều quá nguy hiểm.
“Chúng ta cầm thanh gươm trong tay được ví như thanh gươm gãy, lá chắn của chúng ta là lá chắn thủng lỗ chỗ, đạn nào cũng có thể xuyên qua được thì nguy hiểm quá”, ông Trường nhấn mạnh.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội của ông Vĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, trong cuộc sống, bên cạnh những điều tốt đẹp, con người ta cũng phải đối mặt với rất nhiều những cám dỗ.
Đôi khi, những cám dỗ đó xâm nhập vào một cách rất mềm mại và nhẹ nhàng lúc nào không biết.
“Nếu anh không đủ bản lĩnh thì có thể sẽ bị gục ngã bất cứ lúc nào. Không phải cứ có thành tích, có từng trải, có công lao đóng góp là "miễn dịch" được", ông Trường nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng ở lĩnh vực công nghệ cao, cũng có thể chính những người trong môi trường đấu tranh phòng chống tội phạm ở những môi trường đặc thù như thế, đôi khi trước một sự cám dỗ, anh bị sa ngã và anh cũng tưởng rằng là không ai biết.
"Cái này là môi trường ảo, tất cả có thể là ảo nhưng hậu quả thì rất thật”, ông Trường nói.
Theo ông Lê Việt Trường, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, bên cạnh những dạng tội phạm truyền thống, đã xuất hiện rất nhiều dạng thức mới phi truyền thống như tội phạm ở trên môi trường ảo, các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Việc này đòi hỏi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát con người, đặc biệt là những lực lượng được trao những trọng trách lớn phải chú trọng hơn nữa, không để những lỗ hổng xuất hiện.
Ông Trường cho rằng phải có phương thức đổi mới kiểm tra giám sát lẫn nhau trong chính lực lượng công an. Vì vậy, nếu để đến lúc cán bộ của chúng ta phạm tội lớn, nghiêm trọng mới đưa ra xét xử dù bản án rất nghiêm minh thì vẫn bị ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước, uy tín của lực lượng vũ trang.
Cho rằng việc ông Phan Văn Vĩnh bị bắt có tác động lớn đến dư luận, vị chuyên gia này chia sẻ: “Người dân rõ ràng rất tin tưởng lực lượng vũ trang. Đây chính là lực lượng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, duy trì trật tự pháp luật, bảo về cuộc sống bình yên của nhân dân. Thế mà bây giờ họ lại đứng chung về phía bọn tội phạm, vậy thì người dân còn biết tin vào đâu”.
“Cũng may đây chỉ là con số ít, nếu xảy ra nhiều vụ tương tự như thế nữa, tôi cho rằng người dân sẽ không còn biết tin vào đâu nữa, và điều này là cực kỳ nguy hiểm”, ông Trường bày tỏ.
Nhắc đến công điện của Bộ trưởng Bộ Công an gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong Công an nhân dân, ông Trường cho rằng đây là điều cần thiết nhưng mới là giải pháp tình thế.
Theo ông Trường, bên cạnh công điện của Bộ trưởng, ngành công an cần phải thực hiện một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong lực lượng để chấn chỉnh lại, chống suy thoái trong nội bộ.
“Nếu ở đâu đó, có một vài người nào đó trong đầu óc đã bắt đầu manh nha cái chuyện định làm trái việc nọ, định làm trái việc kia thì tự chúng tự ta phát hiện ra, chúng ta xử lý sớm để chấn chỉnh, răn đe và gây dựng lại niềm tin của nhân dân đối với lực lượng”, ông Trường nói.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cũng cho rằng, trong chiến lược phòng chống tội phạm lâu dài, cần phải siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương trong công tác nghiệp vụ chuyên môn, phải có cơ chế kiểm tra giám sát trong nội bộ, tăng cường vai trò tổ chức kiểm tra Đảng của tất cả các cấp trong lực lượng vũ trang.
Có thể sớm phát hiện ra tất cả những vấn đề, dấu hiệu có thể làm suy thoái bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, nhất là những bộ phận được trao những trọng trách lớn.
Ngày 6/4, Bộ Công an thông tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Phan Văn Vĩnh (SN 1955, trú tại số 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo đó, căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án hình sự sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố và kết quả điều tra vụ án có đủ căn cứ xác định nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can số 356 và ra lệnh bắt bị can số 358 để tạm giam 4 tháng đối với bị can Vĩnh.
Thông báo khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh. Các quyết định và lệnh trên được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch nước ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Phan Văn Vĩnh.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Video: Nguyên nhân cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị khởi tố
Bình luận