CEO Asanzo - ông Phạm Văn Tam xác nhận đã chính thức công bố thông báo doanh nghiệp này tạm dừng hoạt động do không còn khả năng về tài chính.
Thông tin cũng được phía Asanzo cập nhật trên trang web và fanpage của doanh nghiệp này.
Theo ông Phạm Văn Tam, đây là giải pháp buộc phải làm đối với Asanzo trong hoàn cảnh này. "Hiện nay, chúng tôi không còn đủ tài chính để trả lương cho nhân viên. Công nhân nhiều tháng nay đến ngồi chơi rồi về vì không có việc để làm, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho họ", ông Tam nói.
Cũng theo CEO Asanzo, việc dừng hoạt động đang là thông báo tam thời. Quyết định dừng hẳn hay công bố phá sản sẽ được doanh nghiệp này đưa ra trong vòng khoảng 1 tháng nữa.
Ông Phạm Văn Tam chia sẻ, khó khăn của Asanzo trước những "cáo buộc" giạn lận xuất xứ hàng hóa là việc các cơ quan chức năng chậm đưa ra các công bố kết luận.
Trong thời gian tới, theo ông Phạm Văn Tam, doanh nghiệp này chờ đợi các công bố chính thức của các cơ quan chức năng. Theo kế hoạch, thời hạn đưa ra các kết luận về "sai phạm" của Asanzo là ngày 30/8/2019. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có một công bố chính thức nào từ phía cơ quan chức năng. "Nếu cứ kéo dài thời gian này, doanh nghiệp sẽ tự chết", đại diện Asanzo khẳng định.
Ông Tam nhấn mạnh thêm, ngoài kết luận của VCCI, doanh nghiệp này cũng đã nhận được kết luận của Tổng cục Hải quan.
“Tổng cục Hải quan cũng đã có kết luận về sự việc liên quan đến Asanzo. Bản kết luận đã được phía Hải quan gửi cho doanh nghiệp. Chúng tôi đang chờ họ công bố với cơ quan báo chí", ông Tam nói.
Nói về tương lai của Asanzo, ông Tam cho biết, thương hiệu của công ty đã bị ảnh hưởng, người tiêu dùng hoang mang và không tự tin về sản phẩm. Bởi vậy, việc tiếp tục phát triển Asanzo là rất khó.
Ngày hôm qua, 30/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo chính thức thông báo tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân được Asanzo lý giải là do không còn khả năng tài chính.
Cụ thể, trong thông cáo gửi các đại lý, khách hàng và các cơ quan báo chí do ông Phạm Văn Tam ký, Asanzo cho biết, ngày 30/8 là thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có kết luận thanh tra Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo). Đây cũng là dấu mốc 70 ngày kể từ ngày xuất bản bài báo đầu tiên của Tuổi Trẻ cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ.
"Trong 70 ngày ấy, cứ mỗi ngày chúng tôi phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể còn vô số chi phí hoạt động khác.
Cũng trong thời gian ấy, tiếng nói công tâm duy nhất mà chúng tôi nhận được là từ Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong thương mại quốc tế", thông cáo của Asanzo nêu.
Theo Asanzo, trong biên bản làm việc giữa Tổ công tác và Công ty Asanzo ký ngày 30/7/2019, các chuyên gia thẩm định xuất xứ của VCCI có kết luận rằng “đối với trường hợp sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hay “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
"Tuy nhiên, tiếng nói của VCCI không thể thay thế cho kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng, và không thể giúp chúng tôi chấm dứt chuỗi ngày khủng hoảng chỉ có chi mà không có thu đang đẩy công ty vào tình trạng kiệt quệ về tài chính lẫn tinh thần.
Trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra, chúng tôi bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng.
Trong thời gian tạm ngừng hoạt đông, Công ty Asanzo chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo được quyền lợi của người lao động trong khả năng của Công ty và theo quy định của pháp luật", Asanzo cho biết.
Bên cạnh đó, Công ty này bày tỏ hy vọng và mong muốn sớm có một kết luận thanh tra, kiểm tra chính thức để trở lại hoạt động bình thường.
Bình luận