• Zalo

Ông Phạm Trung Cang về Việt Nam ngày nào?

Kinh tếThứ Sáu, 24/01/2014 03:53:00 +07:00Google News

Luật sư của ông Phạm Trung Cang (nguyên Phó chủ tịch ngân hàng ACB) cho biết ông Cang sẽ có mặt tại Việt Nam vào ngày 25/1 phục vụ việc điều tra vụ án bầu Kiên.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Cang) cho hay, ngày 19 và 20/1 Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) và VKSND Tối cao đã yêu cầu ông Cang tới làm việc để làm rõ nghi vấn cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ông làm phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB.

Trong hai ngày 20 và 21/1, ông Cang đã thông qua luật sư gửi đến hai cơ quan tố tụng trên bản giải trình về việc vắng mặt tại Việt Nam. Ông cho biết đang ở Mỹ thăm người thân, cam kết sẽ về Việt Nam làm việc theo yêu cầu.

Luật sư Tâm cho biết, ông Cang giải thích việc xuất cảnh sang Mỹ là hợp pháp. Do không mua được máy bay về Việt Nam nên không thể có mặt theo lệnh triệu tập.

Chiều nay, luật sư được ông Cang thông báo đã có vé và sẽ có mặt tại Việt Nam vào 25/1.

Trong vụ bê bối ngân hàng liên quan bầu Kiên và nhiều lãnh đạo của ACB, ngày 3/1, sau hơn nửa tháng được VKSND Tối cao chuyển cáo trạng, TAND Hà Nội đã trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ sự liên quan của ông Cang.

Ngày 20/1, VKSND Tối cao đã phục hồi điều tra với ông Cang về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ông Cang được cơ quan điều tra đình chỉ khởi tố bị can vì cho rằng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả chủ trương ủy thác gửi hơn 718 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Lệnh cấm xuất cảnh với ông Cang sau đó được gỡ bỏ.

Ngày 12/12/2013 VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ “đại án kinh tế” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can với 4 tội danh ra TAND TP.Hà Nội để xét xử theo pháp luật. Đồng thời, cơ quan tố tụng cấp cao này cũng ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang, người đã bị khởi tố trước đó (ngày 18/9/2012) về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cùng các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, tuy nhiên cho áp dụng biện pháp tại ngoại và cấm rời khỏi nơi cư trú.

Cáo trạng nêu rõ, ông Phạm Trung Cang có tham gia cuộc họp của Thường trực HĐQT ngân hàng ACB vào ngày 22/3/2010 đề ra chủ trương uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngày 31/12/2010, ông Cang có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT ngân hàng ACB khi “Luật các Tổ chức tín dụng” chưa có hiệu lực thi hành và đã được ngân hàng chấp nhận. Vì vậy, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 720 tỷ đồng. Do đó, VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này.

Chưa đầy 1 tháng sau khi tiếp nhận cáo trạng từ VKSND Tối cao, ngày 9/1/2014 mới đây, TAND TP.Hà Nội đã quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án cho cơ quan truy tố để làm rõ vai trò của ông Phạm Trung Cang và bốn người khác về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao ban hành trước đó, từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2011, ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tổng cộng gần 720 tỷ đồng vào ngân hàng VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 3,7-13%/năm. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt. Ông Cang biết rõ việc ACB ủy thác cho cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng là chưa có hướng dẫn nhưng không có ý kiến ngăn cản.

Sau khi ông Cang từ nhiệm, ông Huỳnh Quang Tuấn lên thay đã tham gia ký biên bản họp HĐQT có nội dung ủy thác gửi tiền, bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt nên ông Tuấn cũng có dấu hiệu đồng phạm, phải chịu trách nhiệm về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại gần 720 tỷ đồng nhưng chưa được cơ quan điều tra khởi tố và kết luận xem xét trách nhiệm.

Theo TAND TP. Hà Nội, hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được xem xét thấu đáo. Ngoài ra, đơn vị này cũng nhận định, trong chủ trương cấp tín dụng cho công ty chứng khoán ABC mua lại cổ phiếu của ngân hàng ACB của HĐQT cũng đã gây thiệt hại hơn 687,723 tỷ đồng, VKSND Tối cao chỉ truy tố Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên là bỏ lọt hành vi có dấu hiệu phạm tội của Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang.

Bình luận
vtcnews.vn