• Zalo

Ông Phạm Công Danh đổ lỗi cho Hứa Thị Phấn, xin khai thác sân vận động Chi Lăng

Pháp luậtThứ Năm, 26/07/2018 21:38:00 +07:00Google News

Cựu lãnh đạo Ngân hàng VNCB đổ lỗi cho bà Hứa Thị Phấn là nguyên nhân gây ra vụ đại án, và xin không thi hành án sân vân động hơn 6 ha ở trung tâm Đà Nẵng, để được khai thác lấy tiền khắc phục hậu quả.

Chiều 26/7, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng kết thúc phần xét hỏi.

Tại tòa, các bị cáo giữ nguyên lời khai ở cơ quan điều tra cũng như tại phiên sơ thẩm lần một diễn ra hồi đầu năm.

pham-cong-danh-9410-1532610872

Ông Phạm Công Danh. (Ảnh: Thành Nguyễn)

Thường xuyên được phép nghỉ trong phòng chăm sóc y tế khi toà thẩm vấn các đồng phạm, ông Danh tỏ ra mệt mỏi khi trả lời xét hỏi. Cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB cho rằng, không ngẫu nhiên mà cơ quan điều tra xác định bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín) là nguyên nhân gây ra hậu quả vụ án.

"Tôi tin chắc rằng nếu không có bà Phấn chiếm đoạt thì đề án tái cơ cấu đã thành công. Tôi đã bị lừa", ông Danh nói, giọng mất bình tĩnh.

Ngoài ra, ông Danh xin toà không thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) ở giai đoạn một, mà tách tài sản này ra để ông tự giải quyết bằng quan hệ dân sự. Ông cũng xin cơ chế được làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ rất mong muốn hợp tác, cùng khai thác sân vận động Chi Lăng.

"Thông qua việc hợp tác khai thác này, số tiền có được bị cáo khẳng định sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", ông Danh trình bày.

Hơn 6.100 tỷ đồng thiệt hại

Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng VNCB) đồng ý đề nghị trước đó của VKS về việc thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ BIDV, TPBank, Sacombank để khắc phục hậu quả.

"Đây là giai đoạn cuối của đại án VNCB, HĐXX cần thu hồi những khoản tiền đã được đề cập ở giai đoạn một, nhưng chưa được xét, hoặc ghi nhận sẽ xem xét trong giai đoạn 2 nhằm khắc phục hậu quả chung", Mai trình bày.

Có mặt tại tòa, đại diện BIDV, TPBank, Sacombank cũng bảo lưu yêu cầu như phiên xử trước. Các giao dịch giữa các nhà băng với ông Danh được Ngân hàng Nhà Nước khẳng định đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định, không có thiệt hại.

Việc VKS đề nghị thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng sẽ gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng. Bởi theo quy định, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ.

tram-be-1901-1532611297

Ông Trầm Bê (ngồi giữa) và các bị cáo. Ảnh: Thành Nguyễn. 

4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ

Đại diện CB (VNCB sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng) xác nhận số tiền này đã được chuyển về tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch NHNN. Sau đó ông Danh chỉ đạo sử dụng hết với tư cách là Chủ tịch HĐQT chứ không phải tư cách cá nhân (như cáo trạng truy tố).

Ông Phạm Công Trung (em trai ông Danh) được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hành vi của ông này trong quá trình điều tra được Bộ Công an áp dụng quy định có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không xem xét xử lý hình sự. Do đó, VKSND Tối cao đang tiếp tục xem xét hành vi, nếu có căn cứ sẽ đề nghị xử lý sau.

Hồi tháng 1, TAND TP HCM từng đưa vụ án ra xét xử. Sau một tháng, tòa tuyên trả hồ sơ điều tra làm rõ 6 vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến ngày 20/6, VKSND Tối cao bổ sung tài liệu và khẳng định "kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án" đã nêu tại cáo trạng năm 2017.

VKS sẽ phát biểu quan điểm vào sáng 30/7.

Ông Danh bị cáo buộc trong quá trình tái cơ cấu VNCB đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của nhà băng, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn) để làm hồ sơ vay khống ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.

Do các công ty của ông Danh không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền cho vay từ tiền gửi của VNCB. Nhưng việc này đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. 

Trong đó, ông Trầm Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) được xác định là đã giúp sức cho ông Danh rút trái phép hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB. Phía BIDV giúp sức ông Danh gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số còn lại từ TPBank. 

Trong giai đoạn một của vụ án, ông Danh bị tuyên phạt mức án 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc phải trả lại số tiền thiệt hại 9.000 tỷ đồng.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn