• Zalo

Ông Obama tạm biệt chính trường thế giới

Thế giớiThứ Hai, 21/11/2016 20:45:00 +07:00Google News

Ngày 20/11, Tổng thống Obama đã nói lời chia tay chính trường thế giới, đưa ra những lời khuyên cho người kế nhiệm và tiết lộ về cuộc sống của ông sau khi rời Nhà Trắng.

Ông Obama - tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã gửi nhiều thông điệp tới người dân Mỹ, người kế nhiệm Donald Trump cũng như toàn thế giới, trong cuộc họp báo cuối cùng trước truyền thông quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở thủ đô Lima, Peru.

obama169_LKSZ

Ông Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở thủ đô Lima, Peru ngày 20/11/2016. Đây là lần cuối cùng ông phát biểu trên cương vị tổng thống Mỹ tại APEC 

Một số lãnh đạo thế giới đã gửi lời chào tạm biệt đầy cảm xúc đến ông Obama khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh APEC vào ngày 20/11. “Đây là khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng cũng là khoảnh khắc buồn khi chúng tôi có cuộc gặp gỡ cuối cùng”, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói. Thủ tướng Canada Justin Trudeau thì chia sẻ: “Tôi sẽ nhớ mãi thời gian có ông Barack (Obama) bên cạnh”.

Dưới đây là một số điểm nhấn đáng chú ý trong bài phát biểu tạm biệt chính trường quốc tế của ông Obama:

Toàn cầu hóa

Chuyến công du cuối cùng với tư cách là tổng thống Mỹ của ông Obama bị phủ bóng bởi những lo âu của các nước về Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump trong chiến dịch tranh cử của mình đã đưa ra nhiều tuyên bố gây lo ngại như hạn chế hoặc hủy bỏ các hiệp định thương mại tự do nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ, hay đề xuất Mỹ không nên tiếp tục giữ vai trò “cảnh sát thế giới”.

Tổng thống Obama cho rằng toàn cầu hóa “mang lại thịnh vượng, giáo dục và y tế”, nhưng thừa nhận quá trình này cũng có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

“Khi công việc và đồng tiền có thể di chuyển xuyên biên giới, người lao động có ít quyền lợi hơn, những tập đoàn giàu có lách luật thì người lao động và các cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có thể tác động đến chính sách của chúng tôi”, ông Obama nói.

Với suy nghĩ ấy, ông Obama lưu ý rằng một trong số những thách thức lớn nhất mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt trong những năm tới là "chúng ta phải đảm bảo lợi ích của nền kinh tế toàn cầu được chia sẻ”.

Tổng thống Obama tạm biệt chính trường thế giới - ảnh 1

Tổng thống Barack Obama cùng các lãnh đạo APEC chụp hình chung, bên trái ông là Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Ảnh: Reuters

Lời khuyên cho ông Trump

Dù trước kia ông Obama luôn chỉ trích ông Trump không đủ tư cách làm tổng thống, nhưng trong chuyến công du cuối cùng này nhà lãnh đạo Mỹ đã nỗ lực trấn an các đồng minh và kêu gọi hãy cho người kế nhiệm của ông thêm thời gian để hình thành chính phủ mới. Ông Obama nói: “Hãy đợi và xem”.

Liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Obama nhấn mạnh TPP “vẫn chưa chết” dù Quốc hội Mỹ chưa thông qua và ông Trump tuyên bố muốn hủy bỏ.

Ông Obama còn khuyên người kế nhiệm Trump nên duy trì trật tự thế giới tự do, bởi vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới phụ thuộc vào trật tự này. “Lời khuyên mà tôi dành cho Tổng thống đắc cử Trump: Mỹ thật sự  là một quốc gia không thể thiếu được trong trật tự thế giới tự do của chúng ta”, ông Obama nói.

Ông Obama thừa nhận chính quyền mới sẽ không giống chính quyền của ông trong việc hoạch định chính sách. Ông nhắn gửi người kế nhiệm: “Một khi bạn vào Phòng Bầu dục, bắt đầu làm việc với các lãnh đạo trên thế giới, khi đó bạn sẽ nhận thấy sự phức tạp của nhiều vấn đề và điều này sẽ giúp bạn định hình suy nghĩ của mình”.

Syria

Cuộc nội chiến Syria là thách thức nan giải nhất về mặt chính sách ngoại giao trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.

Ông Obama vẫn bảo vệ quyết định của ông là không xâm lược đất nước này, nhưng cảnh báo nội chiến Syria chưa có hồi kết. 

Tổng thống Obama tạm biệt chính trường thế giới - ảnh 2

Ưu tiên sau khi rời Nhà Trắng của ông Obama là đưa phu nhân Michelle đi du lịch 

“Tôi không lạc quan về những vấn đề ngắn hạn trong tình hình Syria”, Tổng thống Obama cho hay đồng thời đổ lỗi tình hình Syria trở nên phức tạp hơn vì Nga và Iran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tổng thống Mỹ cáo buộc ông Assad "hủy hoại Syria, biến Syria thành đống đổ nát và chứng kiến người dân tháo chạy hoặc bị giết". Ông Obama nói trước báo giới rằng liệu ông Assad có đáng giữ chức tổng thống Syria hay không.

Di sản

Tổng thống Obama bày tỏ sự hối tiếc vì đã không thể giải quyết dứt điểm một số vấn đề như kiểm soát súng đạn hay tăng lương tối thiểu cho người lao động Mỹ.

“Sau 8 năm, tôi có thể nhìn lại và khẳng định rằng mình đã làm tất cả những gì tốt nhất cho người dân và đất nước Mỹ. Điều này cho thấy tôi đã thực hiện đúng với lời tuyên thệ và những cam kết đưa ra đối với người dân đã bỏ phiếu cho mình. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi không mắc sai lầm”, ông Obama chia sẻ.

Cuộc sống sau khi rời Nhà Trắng

Tổng thống Obama nói rõ ưu tiên hàng đầu của ông ngay sau khi rời khỏi Nhà Trắng là đưa phu nhân Michelle đi du lịch. Ông Obama nói ông muốn “nghỉ ngơi, dành thời gian bên cạnh hai con gái và viết lách”.

Ông Obama cũng không có kế hoạch trở lại chính trường. “Tôi muốn tôn trọng và tạo cơ hội cho người kế nhiệm thể hiện”, ông Obama khẳng định. Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh sẽ lên tiếng phản đối (dù mãn nhiệm kỳ) nếu chính quyền ông Trump thay đổi những giá trị cốt lõi của nước Mỹ.

(Nguồn: Thanh Niên)
Bình luận
vtcnews.vn