Tại cầu truyền hình tối 28/9, lần đầu tiên chương trình Sữa học đường được công bố ở quy mô quốc gia với những chính sách chung huy động nguồn lực tham gia của toàn xã hội.
Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đây chương trình rất ý nghĩa khi hàng triệu trẻ em vừa bước vào năm học mới 2016-2017.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Từ một nước thiếu ăn, chúng ta trở thành một nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Tám mặt hàng nông nghiệp nước ta xuất khẩu ra thị trường thế giới có giá trị rất lớn.
Từ năm 2008, chúng ta đã ra khỏi danh sách những nước có thu nhập thấp dưới 1.000 USD/người/năm. Năm vừa rồi, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 2.500 USD/người/năm.
"Tuy nhiên, khi thu nhập đầu người tăng gấp hai lần, vẫn còn một phần tư trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp hơn thế giới. Nam thanh niên thấp hơn trung bình thế giới 13 cm, nữ thanh niên thấp hơn trung bình thế giới 10 cm", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong phát triển nguồn lực, việc phát triển nguồn lực con người là quan trọng nhất. Trong 30 năm qua, dân số chúng ta tăng thêm 18 triệu người; lực lượng lao động tăng gần 19 triệu người. Đây là nguồn lực rất quan trọng để phát triển và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Đất nước chuyển sang thời kỳ hội nhập, chú trọng chất lượng tăng trưởng, trong đó có chất lượng con người.
"Nghĩ về tương lai đất nước 30 năm nữa, vào năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, làm sao lúc đó, Việt Nam sẽ ra khỏi danh sách các nước có chiều cao thấp, ra khỏi danh sách những nước thấp còi. Để làm được điều đó, chúng ta phải hành động ngay từ hôm nay", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng Chương trình truyền hình Vì tầm vóc Việt là một hoạt động nhiều ý nghĩa, nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em.
Chương trình sẽ vận động các nguồn lực xã hội giúp cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa; nâng cao tầm vóc thể lực của trẻ; góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của toàn xã hội đến chương trình sữa học đường. Hy vọng, có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ đóng góp để nhiều trẻ em được thu hưởng chương trình”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kể lại: “Trong những chuyến công tác đến những vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa, có những hình ảnh làm tôi trăn trở mãi. Đó là hình ảnh những học sinh lớp 5, khi được tặng hộp sữa tươi sạch, đã loay hoay không biết cắm ống hút vào đâu để uống. Tôi hỏi và được biết, từ lúc lọt lòng đến lớp 5, rất nhiều em chưa từng được cầm hộp sữa lần nào. Nếu không có giải pháp dinh dưỡng toàn diện, 5-10 năm nữa, Việt Nam vẫn thua sút thế giới về tầm vóc, thể lực, chất lượng nguồn nhân lực”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khuyến nghị trẻ em trong độ tuổi vàng từ 2 tới 12 tuổi phải được uống sữa. Tuy nhiên, bà Tiến cho rằng không phải bất kỳ sữa nào cũng uống được mà các em cần uống những loại sữa tươi đúng tiêu chuẩn sữa học đường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi.
Đó cũng là lý do mà rất nhiều quốc gia triển khai chương trình Sữa học đường. Trên thế giới, hiện có 60 nước tham gia và hưởng ứng Ngày sữa học đường do tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) phát động.
Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Thái Lan…là những quốc gia sử dụng hoàn toàn sữa tươi nguyên chất.
Chương trình Sữa học đường cũng đặc biệt quan tâm tới trẻ em ở các huyện nghèo và trẻ em nghèo, cận nghèo ở các vùng còn lại. Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, chương trình đưa ra chủ trương xã hội hóa, kêu gọi nhiều nguồn lực tham gia.
Video: Cách phân biệt sữa thật, sữa giả tránh bênh tật
Bình luận