Ngày 10/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.
Ông Phong cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và các quốc gia trong khu vực diễn biến rất phức tạp. Trong những ngày qua, Việt Nam cũng đã có hơn 400 ca nhiễm tại 26 tỉnh, thành. Do đó, trên địa bàn TP.HCM nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
Nguy cơ đầu tiên, TP có rất nhiều khu cách ly tập trung, số lượng người được cách ly rất lớn dẫn đến việc lây lan chéo trong khu cách ly này rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau khi hết thời gian cách ly tập trung, có xét nghiệm âm tính thì vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ đối với những người này.
"Ca 2458 là một ví dụ. Đây là trường hợp từng mắc COVID-19 được phát hiện khi cách ly sau nhập cảnh từ Campuchia và điều trị tại Hà Tiên (Kiên Giang), xuất viện ngày 27/3. Khi làm xét nghiệm dịch vụ xuất cảnh thì phát hiện trường hợp này tái dương tính với SARS-CoV-2. Cho nên, phải rất cảnh giác", ông Phóng nói.
Nguy cơ cao thứ 2 mà ông Phong chỉ ra đến từ các bệnh viện trên địa bàn TP. Lý do, các bệnh viện này hàng ngày tiếp nhận số lượng rất lớn các bệnh nhân cũng như người thân đi theo từ các tỉnh, thành trong cả nước đến điều trị.
Ngoài ra, còn có nguy cơ từ những người nhập cảnh trái phép, từ cảng hàng không, cảng hàng hải và cả đường bộ...
Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. “Phải quyết liệt hơn nữa như Thủ tướng nói, phải chuyển từ phòng thủ sang tấn công”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cũng yêu cầu phải thiết lập lại các chốt kiểm soát giao thông đường bộ. Cùng với đó, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng chống dịch tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và 60 cảng hàng hải trên địa bàn TP, đặc biệt là tại các bệnh viện trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị người đứng đầu các cơ sở cách ly tập trung, ngành y tế TP đảm bảo an toàn trong các khu cách ly tập trung, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Ngoài ra, duy trì ở TP Thủ Đức và mỗi quận huyện ít nhất một khu cách ly tập trung; nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm, đảm bảo đáp ứng tốt trong mọi tình huống có thể xảy ra.
Những khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở sản xuất phải tuân thủ tuyệt đối quy định về phòng, chống dịch. Các cơ quan chức năng lên phương án khi có một ca, hoặc nhiều ca nhiễm xảy ra.
Ông Phong cũng đề nghị trong bối cảnh dịch bệnh ngày một diến biến phức tạp, các nhà hàng kinh doanh ăn uống phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và không tập trung quá 30 người.
Đặc biệt, ông yêu cầu khi đi kiểm tra, các cơ quan chức năng không được cứng nhắc mà phải mềm mỏng, phối hợp tốt với chủ cơ sở để đảm bảo phòng, chống dịch. "Địa phương không muốn đóng cửa bất cứ nhà hàng quán ăn nào, và các cơ sở kinh doanh nếu không muốn xảy ra tình trạng này thì bắt buộc phải hợp tác", ông Phong nói.
Theo ông Phong, các biện pháp mạnh chỉ được thực hiện khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh không chấp hành hoặc cố tình vi phạm.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, ngày 6/5, thành phố đã ghi nhận tàu MD-SUN trở về từ Philippines neo đậu tại phao số 5, Phước Long, Nhà Bè đã có 3 trong tổng số 19 thuyền viên trên tàu mắc COVID-19.
Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ các thuyền viên mắc bệnh với các trường hợp làm việc liên quan đến con tàu này, TP đã cách ly tất cả thuyền viên và điều tra những làm việc liên quan đến tàu. Đã tiến hành cách ly tập trung 74 trường hợp có liên quan, tất cả đều có xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.
HCDC đang tiếp tục điều tra thêm xem trong quá trình neo đậu, có trường hợp nào thuyền viên lên bờ bất hợp pháp hoặc ngược lại có trường hợp nào tiếp cận tàu bất hợp pháp. Điều này nhằm truy vết đầy đủ, không bỏ sót bất cứ trường hợp nào có tiếp xúc với thuyền viên trên tàu.
Bình luận