• Zalo

Ông Nguyễn Bắc Son và những 'vi phạm rất nghiêm trọng' trong thương vụ Mobifone mua AVG

Thời sựThứ Bảy, 30/06/2018 20:13:00 +07:00Google News

Từng có thời gian dài làm việc trong quân đội mang hàm đại tá, đến khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son để xảy ra "những vi phạm rất nghiêm trọng" trong thương vụ Mobifone mua AVG.

Từ lời hứa…

Ông Nguyễn Bắc Son sinh ngày 22/8/1953 tại Chương Mỹ, Hà Nội. Ông Son có bằng Tiến sỹ Kinh tế.

Trước khi đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son có thời gian dài làm việc trong quân đội, có quân hàm Đại tá.

Từ năm 1973 đến năm 1978, ông Nguyễn Bắc Son được đào tạo sỹ quan trinh sát tại Trường Sỹ quan Lục quân 1 và đào tạo cán bộ chính trị tại Trường Sỹ quan chính trị.

Sau khi tham gia chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng với vai trò Chính trị viên, ông Nguyễn Bắc Son trở về công tác tại Trường Sỹ quan Lục quân 1 và Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến năm 1994.

bo-truong-nguyen-bac-son-voi-nghi-quyet-36-cntt-viet-nam-dang-co-co-hoi-cat-canh-0

Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương.  

Từ năm 1994 đến năm 1997, ông Nguyễn Bắc Son công tác tại Tổng cục Chính trị và là Thư ký Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Từ tháng 4/1997 đến tháng 3/2003, ông Son là Trợ lý Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Tháng 3/2003 đến tháng 12/2005, ông Nguyễn Bắc Son là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Nguyễn Bắc Son được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, ông Nguyễn Bắc Son là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Vào tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông của ông Nguyễn Bắc Son.

Trước khi bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Bắc Son được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp báo chí Việt Nam và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông.

Tại buổi lễ được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, ông Nguyễn Bắc Son đã phát biểu: "Tôi xin hứa phấn đấu giữ vững phẩm chất cao quý của người cán bộ, đảng viên, giữ vững danh hiệu người cựu chiến binh, người lính Cụ Hồ để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc".

20160414-m32

Ông Nguyễn Bắc Son bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT cho ông Trương Minh Tuấn. 

Đến những vi phạm trong đại án Mobifone mua AVG

Trong hai ngày 27 và 28/6, tại Hà Nội, UBKT TƯ đã họp kỳ 27. Kết luận sau kỳ họp này, UBKT TƯ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với hai ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT vì những vi phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Tập đoàn AVG.

“Đối với Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng và ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư BCSĐ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật”, thông báo của UBKT TƯ nêu rõ.

Trước đó, từ ngày 28 đến 30/5/2018, tại Hà Nội, UBKT TƯ đã họp kỳ 26 và thông báo kết luận nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến Dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện Dự án, để xảy ra nhiều vi phạm. 

Toàn cảnh những sai phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG

Ngày 25/12/2015, Mobifone ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG. Giá trị thương vụ này sau đó được các cơ quan chức năng xác nhận là 8.889,8 tỷ đồng, một mức giá quá cao so với giá trị thực sự của doanh nghiệp này.

Tại thời điểm đó, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG rất khó khăn. Tổng tài sản sau khi xác định giá trị doanh nghiệp là 3.260,686 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng, giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng.

Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, công ty này liên tục làm ăn thua số, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). Tuy nhiên, Mobifone vẫn đánh giá rất lạc quan về tình hình kinh doanh cũng như tài chính của công ty này.

a 3

 Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG có dấu hiệu thất thoát của Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng.  

Theo cơ quan thanh tra, khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định là 16.565 tỷ đồng để đàm phán giá mua cổ phần AVG mà không trừ các khoản nợ phải trả, gây thiệt hại hơn 1.134 tỷ đồng. 

Trong đó, có 13.448 tỷ đồng được AMAX xác định là "Giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán", dù cho doanh nghiệp này liên tục làm ăn thua lỗ, không có thành tích nổi bật hay là thương hiệu nổi tiếng.

Như vậy, nếu trừ đi khoản nợ phải trả và giá trị tài sản vô hình, giá trị của AVG tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp chỉ còn khoảng 1.983 tỷ đồng. Vậy nhưng AVG lại được Mobifone mua lại 95% với giá 8.889 tỷ đồng, có dấu hiệu thất thoát của Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng.

Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, trong đó chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.

Theo đó, cơ quan thanh tra kết luận, những vi phạm của Mobifone có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng. 

Về phía cơ quan quản lý, UBKT TƯ đánh giá Ban cán sự Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ TT&TT và Tổng công ty MobiFone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Sai phạm cũng ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty MobiFone , tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, số lỗ lũy kế đến cuối tháng 12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ TT&TT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Tiếp đó, theo Thỏa thuận nguyên tắc về việc tự nguyện hủy bỏ, chấm dứt thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần được ký kết giữa MobiFone và ông Phạm Nhật Vũ - người đại diện các cổ đông chuyển nhượng AVG, bên B (tức là các cổ đông chuyển nhượng AVG) sẽ hoàn trả cho MobiFone số tiền 8.889,81 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi số tiền 444,49 tỷ đồng chưa được MobiFone thanh toán, số tiền các cổ đông chuyển nhượng AVG sẽ chuyển trả là 8.445,32 tỷ đồng. Thời hạn hoàn trả là trong vòng 90 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận hủy bỏ mua bán. Sau khi nhận đủ khoản tiền này, MobiFone sẽ bàn giao quyền quản lý và điều hành AVG cho nhóm cổ đông.

 Video: Hơn 600 ngày xử lý đến cùng thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG

Đại diện nhóm cổ đông đồng ý sẽ hỗ trợ trả cho MobiFone khoản lãi cho số tiền mà MobiFone đã thanh toán cho nhóm cổ đông AVG tính từ thời điểm thanh toán đến ngày ký tỏa thuận hủy bỏ mua bán.

Phía các cổ đông chuyển nhượng cũng cam kết "không phạt 8% và không yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên MobiFone vi phạm, đồng thời sẽ thanh toán các chi phí liên quan hợp pháp mà bên MobiFone đã trả để có thể thực hiện giao dịch mua cổ phần AVG".

Theo báo cáo chi tiết của MobiFone về lộ trình hoàn trả tiền từ đại diện các cổ đông chuyển nhượng AVG, bắt đầu từ ngày 15/3/2018, đại diện cổ đông chuyển nhượng AVG đã chuyển số tiền 450 tỷ đồng vào tài khoản của MobiFone.

Theo báo cáo của MobiFone với TTCP, ngay trong ngày 28/3, đại diện cổ đông chuyển nhượng AVG đã chuyển số tiền 2.083,5 tỷ đồng vào tài khoản của MobiFone .

Ngày 16/4, đại diện cổ đông chuyển nhượng chuyển thêm 1.000 tỷ đồng và đến ngày 17/4 chuyển tiếp 1.000 tỷ đồng nữa.

"Đến ngày 17/4, tổng số tiền MobiFone đã nhận đươc từ đại diện cổ đông chuyển nhượng là 4.533,5 tỷ đồng theo lộ trình hoàn trả tiền... Ngày 20/3, MobiFone đã thực hiện nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 1,3 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước", báo cáo của Tổng giám đốc Cao Duy Hải.

Với lý do "để việc thực hiện xử lý, thu hồi số tiền mà MobiFone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG theo kết luận của Thanh tra Chính phủ được nhanh chóng, đúng quy định", trong văn bản này, MobiFone đề nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn về cách tính lãi suất, thời gian tính lãi và toàn bộ chi phí liên quan đến dự án.

Đồng thời, MobiFone cũng đề nghị được hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện đối với việc ký hủy bỏ các hợp đồng chuyển nhượng, việc hoàn trả cổ phần AVG cho các cổ đông chuyển nhượng, hoàn trả tài sản, tài liệu và quyền quản lý điều hành AVG cho cổ đông chuyển nhượng.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn