• Zalo

Ông Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân: Bản án nhân đạo thể hiện sự khoan hồng của pháp luật

Chính trịChủ Nhật, 29/12/2019 12:31:59 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng việc ông Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân thể hiện sự nhân đạo và tính khoan hồng của pháp luật.

Trả lời VTC News, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Nguyễn Túc, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024) bình luận về mức án chung thân đối với cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Ông Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân: Bản án nhân đạo thể hiện sự khoan hồng của pháp luật - 1

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân.

-Việc cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phải ra trước vành móng ngựa và chịu bản án nặng nề phải chăng cũng là sự tổn thất về công tác cán bộ, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thuận: Tôi cho rằng, đây là một điều rất đáng tiếc cho Đảng và Nhà nước. Cán bộ bị kỷ luật và bị kết án là điều mà không ai mong muốn. Tuy nhiên, vì sự tồn vong của đất nước, chúng ta buộc phải thắt chặt kỷ cương trong công tác cán bộ.

Bản thân ông Nguyễn Bắc Son cũng có quá trình phần đấu và cống hiến lâu năm, từ thời làm thư ký cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sau đó được cơ cấu lên Ủy viên Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài những đóng góp đáng kể cho đất nước, ông cũng mắc phải nhiều sai phạm nghiêm trọng. Do đó, Đảng và Nhà nước buộc phải xử lý nghiêm minh, đúng theo tinh thần dân chủ, thượng tôn pháp luật.

Có như vậy, chúng ta mới đẩy lùi được cái xấu, cái ác. Từ đó, đất nước chúng ta mới phát triển đi lên mạnh mẽ và bền vững.

Ông Nguyễn Túc: Tôi cũng cho đó là sự tổn thất về công tác cán bộ. Thương xót và đau đớn lắm! Vì không ai muốn đồng nghiệp, cán bộ rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Đảng và Nhà nước phải mất bao nhiêu công sức và thời gian mới đào tạo ra được những cán bộ cao cấp. Nhưng vì bản thân cán bộ không giữ được mình, không tuân thủ kỷ luật và lối sống đạo đức, cho nên mới vướng vào vòng lao lý.

Qua đây, chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học về công tác tổ chức và đào tạo cán bộ. Trước khi giao nhiệm vụ, phải xem xét công tác kiểm tra và đánh giá thật kỹ lưỡng và chặt chẽ. Hoặc có thể khi giao nhiệm vụ thì cán bộ rất tốt, nhưng trong thời gian làm việc dần bị tha hóa, biến chất. Do đó, cần phải xem xét thật kĩ và đánh giá có chiều sâu.

- HĐXX tuyên phạt mức án chung thân đối với cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thể hiện điều gì, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thuận: Qua theo dõi nội dung phiên tòa và thông tin báo chí, tôi cho rằng, những sai phạm của cựu Bộ trưởng đúng là “đặc biệt nghiêm trọng”. Những vấn đề như chủ mưu, cầm đầu kế hoạch bán AVG và việc nhận hối lộ với số lượng lớn, có tính chất rất quan trọng trong quá trình xét xử và định tội.

Rõ ràng, với những sai phạm gây “hậu quả nghiêm trọng”, việc “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, thì mức án tử hình mà ông Nguyễn Bắc Son phải đối mặt là không có gì phải tranh cãi.

Tất nhiên, việc Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với ông Nguyễn Bắc Son là rất xác thực và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, rất may trước khi tòa tuyên án, gia đình bị cáo đã kịp thời nộp lại 66 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD), giúp khắc phục hậu quả tội danh "Nhận hội lộ".

Tôi cho rằng, đây là tình tiết quan trọng để Tòa án quyết định giảm từ mức tử hình xuống chung thân đối với ông Nguyễn Bắc Son. Con người thì ai cũng có lỗi, nhưng biết ăn năn, hối cải và khắc phục thiệt hại cho nhà nước và nhân dân, thì tất nhiên pháp luật sẽ xem xét để mở ra một con đường sống.

Từ xưa đến nay, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta luôn được nêu cao và áp dụng cho mọi công dân. Điều đó thể hiện tính nhân đạo, lòng yêu thương con người cao cả của dân tộc ta. Đối với kẻ thù ngoại xâm, chúng ta còn có thể tha thứ, huống chi là đồng bào, người trong một nước.

Ông Nguyễn Túc: Đây là lần đầu tiên xử lý công khai một cán bộ cấp cao, là Bộ trưởng Chính phủ, về tội nhận hối lộ với số tiền cao nhất từ trước đến nay. Tham nhũng 3 triệu USD là điều rất ghê gớm, chưa có trong tiền lệ từ trước đến nay.

Những sai phạm của cựu Bộ trưởng là rất nặng. Rõ ràng, một cán bộ đã kinh qua 2 khóa Ủy viên Trung ương, đã từng là Bí thư Tỉnh ủy và là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, lại mắc những lỗi như “nhận hối lộ”, tham nhũng lớn, “gây hậu quả nghiêm trọng”, thì pháp luật  nghiêm minh, không thể tha thứ được.

Theo tôi, gia đình và cá nhân ông Nguyễn Bắc Son nhận thức kịp thời những sai phạm và cố gắng khắc phục một cách nhanh nhất có thể. Xét về yếu tố nhân thân và những thành tích, công lao trước đây của ông Nguyễn Bắc Son, các cơ quan thực thi pháp luật đã xem xét giảm án xuống mức chung thân và mở con đường sống cho bị cáo.

Qua đó cho thấy, luật pháp của đất nước chúng ta vừa thể hiện sự nghiêm khắc và lòng bao dung, vừa hợp lý, lại vừa hợp tình. Tất nhiên, bao dung và hợp tình khi người gây ra sai phạm tỏ ý ăn năn và khắc phục hoàn toàn. 

- Từ trước đến nay, có lẽ chưa bao giờ có tiền lệ cựu Bộ trưởng bị đề nghị án tử hình rồi bị tuyên án chung thân phải không thưa ông?

Ông Trần Quốc Thuận: Những vụ án tham nhũng thời gian gần đây thì chưa có, nhưng trong thời kỳ chiến tranh thì có vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu. Người này chịu án tử hình vì mắc tội biển thủ công quỹ và nhận hối lộ.

Về mức độ so sánh, thì thời điểm vụ án Trần Dụ Châu xảy ra trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, người này lại ăn chơi sa đọa, hủy hoại công quỹ quốc gia. Trong thời điểm trường kỳ kháng chiến, hy sinh gian khổ, hành động tham ô của Trần Dụ Châu thể hiện lối đạo đức “ghê tởm”.

Đối với vụ án của ông Nguyễn Bắc Son, mặc dù diễn ra trong thời bình, nhưng với tư cách là Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương và còn giữ nhiều chức vụ cao cấp khác, ông ấy phải biết được tình hình đất nước khó khăn như thế nào.

Hiện nay, đất nước tuy có phát triển, có nguồn đầu tư và ngân sách lớn, nhưng cần nhiều chi phí trả lương cho cán bộ, công nhân viên và chăm lo đời sống cho nhân dân, thậm chí chúng ta còn phải đi vay nước ngoài để phát triển đất nước. Chưa kể vấn đề nợ công tăng lên hàng năm.

Với tình cảnh đất nước như trên, với tư cách là Bộ trưởng, người lãnh đạo cấp cao, ông Nguyễn Bắc Son lại tự chủ mưu, đạo diễn ra vụ mua bán, hòng mưu lợi cho cá nhân, gây thiệt hại rất lớn cho quốc gia.

Có thể, cựu Bộ trưởng cũng nhận thức rõ những hậu quả khôn lường của vụ việc, nhưng ông vẫn quyết thực hiện đến cùng, để chiếm đoạt hơn 3 triệu USD. Rõ ràng, tội danh trên không có gì có thể bào chữa.

Ông Nguyễn Túc: Đúng vậy. Từ xưa đến nay, chưa có một Bộ trưởng nào phải chịu mức án tử hình. Tính từ thời Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, cũng chưa bao giờ có trong tiền lệ một lãnh đạo cấp cao nào bị xử án nghiêm khắc như lần này.

Tôi nhớ là năm 1950, có vụ tham nhũng của ông Trần Dụ Châu. Nhưng ông này lúc đó chỉ giữ chức Cục trưởng Cục Quân nhu, không phải là Ủy viên Trung ương.

Do đó, tính chất vụ án tham nhũng của ông Trần Dụ Châu không nghiêm trọng bằng vụ việc của ông Nguyễn Bắc Son. Tuy nhiên, có khác biệt là thời điểm diễn ra. Tham nhũng của ông Trần Dụ Châu xảy ra trong thời chiến, lúc mà cả nước dồn hết sức cho tiền tuyến, thì việc một cá nhân vơ vét của chung, mưu cầu cá nhân là hành động không thể tha thứ được.

Mặc dù, lúc đó Bác Hồ cũng rất thương. Bác Hồ thức cả đêm trắng để suy nghĩ và xem xét sao cho phù hợp. Nhưng cuối cùng, Bác phải đưa ra quyết định đau xót, để giữ cho đất nước được bình yên, ổn định.

- Trong vụ án của Trần Dụ Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, đó là “một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ”. Có thể xem vụ án của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là “một ung nhọt” trong thời điểm hiện tại không thưa ông?

Ông Trần Quốc Thuận: Bác Hồ thường nhắc nhở rằng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần thiết như chống giặc ngoại xâm. Bác nhấn mạnh rằng, thực chất tham nhũng, tham ô là thứ “giặc nội xâm”, là “kẻ thù của nhân dân”.

Rõ ràng, hành động tham nhũng không thể gọi là “ung nhọt” nữa, mà là kẻ thù, là kẻ phản bội nhân dân, chống lại lợi ích dân tộc. Nếu gọi là “ung nhọt” thì vẫn là quá nhẹ, tôi cho rằng, đó là tội ác của tội ác.

Tại vì tham nhũng nêu trên được thực hiện theo nhóm, sẽ phá hoại đất nước có chủ đích và hủy hoại từ trong ra ngoài. Cho nên, tham nhũng đích thị là “giặc nội xâm”, gây nguy hại hơn so với “giặc ngoại xâm”, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn.

Cho nên, tôi cho rằng, những kẻ tham nhũng nêu trên là “kẻ thù của nhân dân”, “kẻ thù của dân tộc”.

Ông Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân: Bản án nhân đạo thể hiện sự khoan hồng của pháp luật - 2

Empty

Tham nhũng là “giặc nội xâm”, có tính chất nguy hiểm hơn “giặc ngoại xâm”, vì nó đục khoét ngay trong nội bộ đất nước.

Ông Nguyễn Túc

Ông Nguyễn Túc: Tôi cho rằng, vụ án của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là “ung thư ác tính”, chứ không đơn thuần là “ung nhọt”. Những gì mà Viện kiểm sát đã nêu ra làm rõ hết mức độ đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả to lớn đối với đất nước.

Trong thời kỳ chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại, báo chí trong nước cũng chỉ rõ, tham nhũng là “giặc nội xâm”, có tính chất nguy hiểm hơn “giặc ngoại xâm”, vì nó đục khoét ngay trong nội bộ đất nước.

“Giặc ngoại xâm” thì chúng ta còn biết được kẻ thù ở đâu, chống lại như thế nào. Còn tham nhũng – “giặc nội xâm”, chúng ta rất khó phát hiện và khó đánh cùng diệt tận.

- Sau vụ xét xử nghiêm khắc này đối với cá nhân ông Nguyễn Bắc Son và các bị cáo khác, tình hình tham nhũng sẽ có chuyển biến tích cực thưa ông?

Ông Trần Quốc Thuận: Tôi cho rằng, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ. Và nhân dân đều biết ai là người lãnh đạo cho công cuộc chống tham nhũng trên. Đó chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Hiện nay, còn một số vụ án lớn mà nhân dân cả nước đang trông chờ xét xử. Trong đó có vụ việc ở Thủ Thiêm tại TP.HCM. Cho nên, tôi mong rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra, kết luận và xử đích đáng những vụ tham nhũng, đang gây đau khổ và bất bình cho người dân.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới đạt được ở một số khía cạnh, theo tôi, công cuộc chống tham nhũng hiện nay chưa trở thành một phong trào mạnh mẽ, để chúng ta gột rửa và tự gột rửa cho đất nước.

Tôi muốn nói rằng, phòng chống phải trở thành phong trào rộng khắp của nhân dân, một cuộc chiến sinh tử vì sự tồn vong của đất nước. Khi đó, chúng ta không đi tìm sâu để diệt nữa, mà sẽ ngăn ngừa “loài sâu” xuất hiện.

Ông Nguyễn Túc: Tôi cho rằng, với những hành động kiên quyết vừa qua, chắc chắn tình hình tham nhũng sẽ giảm đi và có khả năng ngăn chặn, đẩy lùi được trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị phanh phui và đưa ra xét xử nghiêm minh. Thời gian tới, một loạt vụ án lớn khác cũng sẽ được làm rõ và xử phạt theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật mà Đảng và Nhà nước quy định.

Những gì mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm thời gian qua, sẽ khiến cho những kẻ có ý định tham nhung phải e ngại và lo lắng cho tính mạng của mình.

Hiện nay, chúng ta xử phạt và kết án nghiêm khắc, không có bất cứ “vùng cấm” nào, từ Bộ trưởng, Phó Thủ tướng và thậm chí  sắp tới là Ủy viên Bộ chính trị.

 Tôi tin rằng, tính nhất quán và chặt chẽ, không có ngoại lệ trong công tác phòng, chống tham nhũng sẽ giúp đất nước có nhiều bước tiến tích cực trong thời gian tới.

-Xin cảm ơn hai ông!

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn