• Zalo

Ông Nguyễn Bá Thanh 'đe' gì ngân hàng?

Kinh tếThứ Bảy, 08/09/2012 06:36:00 +07:00Google News

(VTC News) – 'Tôi nói vài câu là người dân Đà Nẵng rút hết tiền gửi vào ngân hàng khác, lúc đó đừng có kêu", bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh 'đe' các ngân hàng.

(VTC News) – "Những ngân hàng không giảm trần lãi suất cho vay thì trong cuộc họp HĐND thành phố, tôi nói vài câu là người dân Đà Nẵng rút hết tiền gửi vào ngân hàng khác, lúc đó đừng có kêu", ông Thanh đe.

Cho rằng Hội nghị Gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp với Ngân hàng Nhà nước và TP Đà Nẵng ngày 7/9, chưa thành công do doanh nghiệp và ngân hàng không đi đến được kết luận chung tháo gỡ khó khăn hiện tại, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thẳng thắn nói với đại diện các ngân hàng.

Doanh nghiệp đang trên “giàn thiêu”

Trong khuôn khổ Hội Nghị Gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp năm 2012 với Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước và TP Đà Nẵng diễn ra sáng ngày 7/9 tại Đà Nẵng. Hầu hết các doanh nghiệp đều bức xúc với chính sách lãi suất hiện nay cùng các quy định của các ngân hàng về việc tiếp cận vốn vay.
 

Tại nước ta, lãi suất lại bị đẩy lên cao nhằm thực hiện mục tiêu giải quyết khủng hoảng. Hành động này khiến các doanh nghiệp bị đưa lên “giàn thiêu”.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa


Ông Nguyễn Trọng Khả, Giám đốc Cty TNHH Chuyển giao công nghệ K&H bức xúc : “Doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi không gây nên lạm phát nhưng tại sao lại phải chịu cảnh tiếp cận nguồn vốn khó khăn đến như vậy ?  Mà có tiếp cận được thì lãi suất quá cao.

Doanh nghiệp đã khó khăn, lại tiếp tục khó khăn vì không có cơ hội tiếp cận vốn. Như vậy, làm sao chúng tôi phát triển được sản xuất ?”
Đồng quan điểm với ông Khả, nhiều doanh nghiệp cho rằng, một mặt Ngân hàng Nhà nước nói sẽ bình ổn lãi suất, cũng như gói ưu đãi cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, lãi suất biến động rất nhanh, không ổn định khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, các nhà đầu tư dè dặt.

Chưa hết, khi tiếp cận được thì thời hạn đáo hạn các khoản vay quá ngắn, thủ tục của các ngân hàng khó càng khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn.


Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á, thành viên Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trăn trở : “Trong khi các nước trong khu vực tiếp cận vốn vay lãi suất chỉ từ 3-4%, lại ổn định, thì tại nước ta, lãi suất lại bị đẩy lên cao nhằm thực hiện mục tiêu giải quyết khủng hoảng. Hành động này khiến các doanh nghiệp bị đưa lên “giàn thiêu”. 
Ông Nguyễn Trọng Khả, Giám đốc Cty TNHH Chuyển giao công nghệ K&H phát biểu tại Hội nghị

Tới đây Thống đốc sẽ có chính sách gì, lãi suất sẽ được về mức bao nhiêu, cần minh bạch và cụ thể. Nếu không làm được như vậy, sẽ có hơn 1 triệu doanh nghiệp sẽ phá sản và nền kinh tế sẽ khó đứng vững”.
Doanh nghiệp bất lực chờ…phá sản
Mặc dù theo chỉ đạo, các ngành liên quan, đặc biệt là ngân hàng phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ cũ, tiếp cận vốn vay, cũng như các chính sách ưu đãi chung. 
Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 7/2012 của Ngân hàng nhà Nước chi nhánh Đà Nẵng, toàn TP chỉ có 11,8% doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay, trong khi đó có đến 49% các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn và chỉ có 13% doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi theo chủ trương chung. 
Các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục gặp khó khăn do khó tiếm cận vốn vay  

Đặc biệt, trong khi kinh tế Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 90-95% số lượng DN), nhưng gần như toàn bộ các doanh nghiệp dân doanh rất khó tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng quốc doanh. Chưa hết, 71% các doanh nghiệp muốn cơ cấu lại nợ cũ nhưng gặp khó khăn do các quy định của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Cty Minh Toàn chua chát: “Doanh nghiệp chúng tôi đang nghèo và đã có nhiều doanh nghiệp nghèo rồi. Tại sao vậy?

Chúng tôi cần Ngân hàng nhà nước cho chúng tôi biết giải pháp dài hạn sau thời kỳ này là gì? Các ngân hàng phải công khai các mức lãi suất, ngân hàng nào sai thì bị xử lý như các doanh nghiệp niêm yết giá bán vậy? Có như vậy thì doanh nghiệp mới hết khó”.
Đối thoại… bế tắc
Tại buổi đối thoại, rất nhiều ý kiến và kiến nghị của doanh nghiệp đặt ra cho ngành ngân hàng nhà nước như: Cần đưa ra biên độ dao động của lãi suất và công khai lộ trình hạ lãi suất để doanh nghiệp vực dậy sản xuất, nếu không sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp phá sản và biến mất… với mục đích tìm ra tiếng nói chung với nhau.

Tuy nhiên, gần như các ngân hàng bị động trước các vấn đề của các doanh nghiệp đặt ra cho đến khi “bị” chỉ định phản hồi. Và kết quả phản hồi cho thấy ngân hàng vẫn khó có thể đồng hành cùng doanh nghiệp.
 

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng rất xót xa khi nhìn cảnh nhiều DN phá sản và nhiều DN ngấp nghé bên bờ phá sản. Vì vậy, trước khó khăn này, các DN đừng buôn tay chèo và cố vượt qua để thể hiện bản lĩnh của mình. Đà Nẵng sẽ đứng ra bão lãnh để DN vay vốn, nhưng phải đảm bảo tính khả thi của dự án đó.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch HĐND, Bí thư thành ủy Đà Nẵng


Ông Nguyễn Chí Dũng, Thành viên HĐQT ngân hàng An Bình phân trần: “Chúng tôi cũng muốn hạ lãi suất để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên, ngân hàng chúng tôi cũng chịu áp lực về chi phí vốn.

Các chi phí huy động vốn đã 9%, trong khi chi phí liên quan đến dự trữ bắt buộc, ký quỹ, dự phòng rủi ro…đã đẩy chi phí vốn lên cao, nên nếu cho doanh nghiệp vay với lãi suất 12% thì chúng tôi chỉ huề vốn và không có lời.

Hy vọng trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại hạ chi phí vốn để tạo điều kiện cho việc hạ lãi suất cho vay”.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, lãi suất không phải là chìa khóa của vấn đề, vì có hạ lãi suất các doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận vì nhiều doanh nghiệp có hệ số nợ trên đồng vốn đã rất cao, thậm chí 2-4 lần.

Chính vì vậy, các địa phương cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng và nâng khối lượng vốn này lên. Từ đó có thể bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tốt hơn.
Liên quan đến các vấn đề liên quan đến thủ tục vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong thời gian qua, ngân hàng đã gia hạn, giãn nợ, kéo dài thời gian vay,… cho doanh nghiệp để doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, nếu ngân hàng không làm chặt chẽ, ngân hàng sẽ chết cùng doanh nghiệp.
Còn Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết: “Chúng tôi cũng muốn hạ thấp lãi suất, tuy nhiên lãi suất phụ thuộc vào công tác huy động và chịu sự điều chỉnh của chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ”.
Hội nghị nhằm tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và Ngân hàng, nhưng kết quả không như mong đợi 

Như vậy, để giúp các doanh nghiệp vượt khó, Ngân hàng nhà nước cần đưa ra các chính sách nới lỏng cho ngân hàng thương mại, theo đó doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn vay với chi phí thấp.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thắn nhận xét, mục đích của cuộc đối thoại nhằm mục đích để doanh nghiệp, ngân hàng và lãnh đạo TP Đà Nẵng hiểu nhau, nhưng xem ra vẫn chưa hiểu nhau lắm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng đề nghị các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Cần hỗ trợ những doanh nghiệp làm ăn chính đáng mà có khó khăn thật sự.

"Các doanh nghiệp phải bình tĩnh tìm cách vươn lên... buông tay là tàu chìm", ông Thanh kêu gọi.

Ngoài ra, ông Thanh cũng đề nghị các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc giải quyết vốn vay, "những ngân hàng không giảm trần lãi suất cho vay thì trong cuộc họp HĐND thành phố, tôi nói vài câu là người dân Đà Nẵng rút hết tiền gửi vào ngân hàng khác, lúc đó đừng có kêu", ông Thanh đe.


Sáng 7/9 tại Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước và TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp năm 2012. Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 15.000 doanh nghiệp của Đà Nẵng cùng đại diện của Ngân hàng Nhà nước, NH nhà nước, UBND TP Đà Nẵng và đại diện các sở ban ngành TP, đại diện các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.

Hội nghị nhằm ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp…giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại.

Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến. 

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn