Ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Quá trình bắt, khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng là động thái mới trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", 37 tuổi, có 3 tiền án) về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 17/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Minh Cường (trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan điều tra, khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy), Cường "quắt" và đồng bọn tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để sử dụng làm “phương tiện” gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường.
Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số tiền mà Cường và đồng bọn chiếm đoạt được của các doanh nghiệp lên đến hàng tỷ đồng.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị can đã chiếm đoạt số tiền lớn, gây bức xúc trong nhân dân, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thái Bình.
Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, đặc biệt tập trung làm rõ các đối tượng có hành vi tiếp tay, giúp sức cho bị can thực hiện hành vi phạm tội để xử lý triệt để theo quy định.
Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, quê Thái Bình, là Tiến sĩ Luật. Ông Lưu Bình Nhưỡng hiện là Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng là đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016-2021), Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.
Ông Nhưỡng từng là Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa 14 (tới năm 2018).
Bình luận (5)
Cần sớm công bố chính xác cưỡng đoạt tài sản gì, nội dung cưỡng đoạt như thế nào
Ai có thể giải thích thắc mắc này là ông LBN đã hết làm ĐBQH lâu rồi mà vì sao ông ấy vẫn là Phó một ban của QH ??
Ngắn gọn là: Chức vụ là gắn với công việc, trong lúc đảm nhận chức vụ vẫn có thể là đại biểu quốc hội, và khi hết khóa quốc hội, thì chức vụ đó đương nhiên vẫn phải làm chứ không nhẽ bỏ việc khỏi cơ quan nhà nước ?
ví dụ mình là công chức của 1 cơ quan mình dc giới thiệu bầu cử vào vị trí đại biểu quốc hội và mình được bầu là ĐBQH thì mình vẫn là công chức của cơ quan đó vừa là ĐBQH của tỉnh. Tương tự như ông Nhưỡng có thể giữ chức vụ trong các cơ quan của chính phủ, của quốc hội và được bầu làm ĐBQH thì vừa đảm nhiệm chức vụ tại cơ quan công tác vừa đảm nhiệm vị trí ĐBQH. Quốc hội, là cơ quan thực hiện quyền lập pháp cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất có rất nhiều cơ quan, ủy ban trực thuộc cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đa số không phải ĐBQH