Chiều nay (25/3), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Sự đồng hành không có nghĩa là xuê xoa
Từ báo cáo của các cơ quan, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, qua báo cáo của các cơ quan đã cho thấy, hoạt động của Quốc hội đã tạo nên xung lực mới, tạo “áp lực” cho các cơ quan khác thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ; giúp cho Đảng, Chính phủ và các cơ quan đánh giá lại quá trình thực hiện chính sách và chỉ đạo, điều hành của mình.
"Quốc hội đồng hành với Chính phủ, nhưng sự đồng hành không có nghĩa là xuê xoa, mà tạo "áp lực" để Chính phủ điều chỉnh các hoạt động của mình tốt hơn", ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cho rằng, việc giải trình tại Quốc hội của các cơ quan vẫn chưa cao, vẫn còn hình thức. Quốc hội chưa yêu cầu tập đoàn nào giải trình trước Quốc hội. Ngoài ra, việc giám sát của các Đoàn ĐBQH và cá nhân đại biểu chưa cao, nhất là đại biểu rất ngại đụng chạm đến các vấn đề của địa phương.
Ông Nhưỡng đề xuất cần nghiên cứu để tập đoàn Nhà nước phải giải trình trước Quốc hội; để có thể giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu.
Quốc hội khoá XV có làm tiếp vụ Hồ Duy Hải?
Về báo cáo công tác nhiệm kỳ của TAND tối cao và Viện KSND tối cao, Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, còn rất nhiều vụ việc chưa được giải quyết mà cử tri rất băn khoăn, rất bức xúc.
"Như vụ Hồ Duy Hải hiện nay rất bức xúc. Người ta đặt rất nhiều câu hỏi nhưng chúng tôi chỉ nói ở mức độ thôi. Ngoài ra còn nhiều vụ việc khác mà cử tri đã trực tiếp kiến nghị đến tôi cũng chưa được giải quyết thỏa đáng", ông Nhưỡng nói và đặt vấn đề, Quốc hội khoá XV có tiếp tục làm về vụ việc này không.
Ông Nhưỡng cho rằng, với gần 10.000 kháng nghị, kiến nghị đã được các cơ quan xem xét thì nghĩa là có sai sót nhưng các báo cáo đều nhận định là không có oan sai là chưa phù hợp.
"Oan sai có thể 10 năm sau, 20 năm sau mới phát hiện ra, bây giờ chúng ta nhận định như thế tôi cho rằng chưa phù hợp, cần phải nhận định là chưa phát hiện thì hay hơn", ông Nhưỡng nói.
Từ đó, ông Nhưỡng kiến nghị Quốc hội phải giám sát kỹ phối hợp trong hoạt động tư pháp, bởi nếu không sẽ dẫn đến điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật.
Còn theo Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ), hoạt động của cơ quan tư pháp đã làm được nhiều việc, góp phần ổn định xã hội, tạo cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế xã hội, và hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên theo ông Quyền, kiểm sát phải “bám sát” điều tra, làm sao phải nắm được toàn bộ hoạt động điều tra, kết quả điều tra để giám sát. Như vậy, ra tòa án mới tránh được việc trả lại hồ sơ điều tra bổ sung lại.
"Thời gian qua, việc trả lại hồ sơ vẫn còn diễn ra cho thấy quá trình kiểm sát chưa được tốt lắm. Thời gian tới cần quan tâm hơn nữa trong cải cách tư pháp”, ông Quyền nói.
Bình luận