• Zalo

Ông lão khuyết tật tình nguyện làm 'barie sống' tại ngã tư 'tử thần' ở Hải Phòng

Tin nóngThứ Năm, 20/02/2020 07:18:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Gần 11 năm đứng gác tại ngã tư "tử thần" ngay cạnh Quốc lộ 5, ông lão khuyết tật trở thành "khắc tinh" của những vụ tai nạn giao thông đường sắt từng một thời ám ảnh người dân mỗi khi đi qua đây.

''Khắc tinh' của tai nạn đường sắt

Gần 11 năm gác tàu tại ngã tư "tử thần”, ông Nguyễn Văn Xá (75 tuổi, thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng) từng có lúc muốn “nghỉ hưu” để an dưỡng tuổi già. Nhưng nghĩ tới “người kế nhiệm”, nghĩ tới những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt từng một thời ám ảnh người dân, ông Xá lại cùng vợ bền bỉ với công việc mình chọn.

Ngã tư "tử thần” nằm ngay trục đường dân sinh của xã Lê Thiện, đoạn Km 87+375 Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Nhiều năm trước, khi nơi đây chưa có barie, chưa còi báo động, gần như năm nào cũng xảy ra các vụ TNGT đường sắt thương tâm, cướp đi sinh mạng không ít người.

Năm 2009, ông Xá giấu vợ con, viết đơn lên xã tình nguyện xin đứng gác tàu tại ngã tư này. Lão nông đất Cảng luôn tâm niệm làm việc gì có ích cho đời để chứng minh cho mọi người là ông “tàn nhưng không phế”.

Ông lão khuyết tật tình nguyện làm 'barie sống' tại ngã tư 'tử thần' ở Hải Phòng - 1

Hàng ngày, vợ chồng ông Xá đứng gác tàu ở nơi từng được mệnh danh là ngã tư "tử thần".

Khẽ nhìn bên chân trái bị teo nhỏ sau lần mắc chứng bại liệt năm lên 7 tuổi, ông Xá nhẩm tính, cũng hơn 60 năm, những bước đi của ông gắn liền với chiếc nạng gỗ. Và không ít người cũng gắn đời mình với chiếc nạng như thế từ sau những vụ TNGT. Từ những lẽ đó, ông càng thấy trách nhiệm của mình khi làm “barie sống”, góp một phần sức lực để giảm thiểu các vụ TNGT đường sắt.

Ông thuyết phục gia đình, thuyết phục người thân bằng thành quả sau những năm đứng chắn gác tàu. Số vụ tai nạn ở đây giảm hẳn. Đặc biệt, trong gần 11 năm ấy, tại điểm này chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra. Người dân thôn Dụ Nghĩa thường nói vui ông Xá là “khắc tinh” của những vụ TNGT đường sắt, và họ cũng dần quên khái niệm ngã tư "tử thần”.

Những năm gần đây, “cô giáo làng” Đào Thị Yên (vợ ông Xá – PV) cũng tham gia đứng gác chắn cùng ông sau khi nghỉ hưu. Ở tuối xế chiều, bà coi đó là niềm vui khi được chia sẻ một phần buồn vui trong công việc với chồng. 

Bà Yên bảo, bà không phản đối công việc chồng mình làm và theo lẽ thường, chồng đi đâu vợ sẽ đi đó. Nhưng điều bà canh cánh nhất chính là sức khỏe của ông.

Ông lão khuyết tật tình nguyện làm 'barie sống' tại ngã tư 'tử thần' ở Hải Phòng - 2

Bà Yên cũng tham gia cùng chồng trong hành trình đứng gác tàu tình nguyện.

Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Xá nhận cuộc điện thoại từ máy cố định được ngành đường sắt cấp cho vợ chồng ông. Ông cười: “Sắp có tàu đi qua đấy”. Và khi ông vừa dứt cuộc điện thoại, bà Yên cầm cờ, sẵn sàng vào vị trí bên kia barie.

Nhận tín hiệu từ vợ khi có tàu sắp tới, hai tay ông Xá kéo dây thừng hạ barie, miệng thổi còi báo hiệu mọi người dừng xe. Đợi khi tàu đi qua, ông kéo barie để các xe tiếp tục hành trình giao thông.

Mặc dù có điện thoại báo tàu tới nhưng gần 11 năm đứng gác tại khu vực Km 87+375 Quốc lộ 5, vợ chồng lão nông ấy thuộc lòng giờ tàu tới, tàu đi. Mỗi ngày có 8 chuyến tàu khách, 10 chuyến tàu hàng, ông phải chú ý giờ giấc để kịp thời ra gác tàu.

Điều nhận lại sau 11 năm đứng gác tàu

Vợ chồng ông Xá chưa bao giờ rời vị trí của mình. Khi có đám hiếu, đám hỉ hay việc gia đình, ông bà lại cắt cử nhau đi để đảm bảo lúc nào cũng có người đứng gác ở đây. Trời mưa bão hay nắng gắt, thậm chí cả lễ tết, lúc ốm đau, ông bà vẫn ở đó, lặng nghe tiếng còi tàu và quan sát dòng người tấp nập ngược xuôi.

Nếu như nơi tôi đang đứng từng được gọi là ngã tư "tử thần” thì Quốc lộ 5 cũng được gọi là “con đường tử thần” với không ít vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra.

Tôi từng chứng kiến tai nạn xảy ra trên con đường này, từng thấy những đoàn xe của nhóm thanh niên lạng lách, đánh võng trên đường và cả cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh vì TNGT…

Tôi không thể thay đổi thực tế đó nhưng tôi mong, mỗi người tự nâng cao ý thức của mình khi tham gia giao thông để vừa giúp mình, vừa giúp cho cộng đồng”, ông Xá nói.

Ông lão khuyết tật tình nguyện làm 'barie sống' tại ngã tư 'tử thần' ở Hải Phòng - 3

Điều vợ chồng ông Xá mong muốn nhận lại là những ngày không phải nghe tin tức về TNGT.

Cho đi rất nhiều nhưng điều vợ chồng ông Xá muốn nhận lại nhất là những ngày không phải nghe tin tức về TNGT.

Ông cũng từng nhận những lời cảm ơn của người đi đường được vợ chồng mình cứu thoát khỏi “cửa tử” trong gang tấc. Những lúc ấy ông cười vui vì giúp thêm một người hiểu ra những giá trị trân quý của cuộc sống.

Ông Trương Văn Hằng (78 tuổi, thôn Dụ Nghĩa) sống cách "trụ sở" của vợ chồng ông Xá chừng 100m cho biết, năm 2004, một thai phụ thuê trọ nhà ông cũng từng gặp tai nạn tại chính ngã tư "tử thần". Hai mẹ con ra đi khi thai phụ mới khoảng 20 tuổi.  

Thời điểm đó ông Xá chưa đứng gác ở đây, đường sá còn xấu, tai nạn đường sắt nhiều. Tất cả trở thành nỗi ám ảnh của người dân. 

"Những vụ tai nạn chủ yếu xảy tới với người từ nơi khác đến, dân làng chúng tôi sinh sống ở đây nhiều năm nên cũng nắm được lịch trình tàu chạy. Tuy vậy, từ ngày ông Xá tình nguyện ra đây, sau này bà Yên nghỉ hưu cũng ra phụ giúp chồng, TNGT tại ngã tư này giảm rất nhiều. 

Nhà tôi ở trong làng nhưng chuyển ra đây sống 16 năm rồi nên chứng kiến việc làm tình nguyện của ông Xá từ những ngày đầu. Ông ấy bị khuyết tật từ nhỏ, không thể làm được việc nặng nhưng vẫn bền bỉ đứng gác ở đây", ông Hằng chia sẻ.

Thông tin với PV VTC News, ông Phạm Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Lê Thiện cho biết, năm 2009, ông Xá viết đơn gửi chính quyền địa phương tình nguyện đứng gác tàu đoạn Km 87+375 Quốc lộ 5. Sau khi được địa phương đồng ý, ông đứng gác ở đây và luôn hoàn thành công việc của mình.

Việc làm của ông Xá được các cơ quan Nhà nước ghi nhận. Mặc dù tuổi cao nhưng ông cùng vợ vẫn ngày đêm bảo vệ sự an toàn giao thông tại ngã tư thôn Dụ Nghĩa, giáp ngay Quốc lộ 5.

Ông lão khuyết tật tình nguyện làm 'barie sống' tại ngã tư 'tử thần' ở Hải Phòng - 4

Hai mái đầu bạc trải qua rất nhiều thăng trầm cùng nhau, khi về già họ lại cùng nhau trải qua những ngày tháng cống hiến sức mình cho xã hội.

Từ việc làm thiết thực cho xã hội, năm 2014, vợ chồng ông Xá nhận được trợ cấp từ Ban An toàn giao thông TP Hải Phòng. Cũng trong năm này, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng xây tặng gia đình ông ngôi nhà 12m2 kiên cố ngay điểm gác, thay cho túp lều lụp xụp mà ông dựng lên từ năm 2009. 

Trong căn nhà ấy, ông Xá treo gần 20 bằng khen, kỉ niệm chương của các cấp, các ngành. Đây chính là sự động viên rất lớn cho sự hi sinh thầm lặng của ông và vợ. 

Chia tay ông bà khi chuyến tàu lúc chiều tối đang tới gần. Hai mái đầu bạc ấy lại tiếp tục công việc của mình, bỏ lại phía sau là những xô bồ của cuộc sống. Còn chúng tôi, đứng sau barie, lắng nghe hiệu lệnh từ vợ chồng ông Xá…

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn