Người mà chúng tôi nói đến là ông Nguyễn Sơn (70 tuổi, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế).
Suốt 10 năm qua, bất kể trời mưa nắng, ông Sơn vẫn âm thầm thỉnh (đánh) lên 108 tiếng từ chiếc chuông có tên Hòa Bình đặt trên đỉnh núi Ngũ Phong với tâm nguyện như ý nghĩa của tám chữ: “Thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc” được khắc nổi trên chiếc chuông.
Chuông Hòa Bình
Từ thành phố Huế ngược hướng Tây Nam theo đường Thiên Thai là khu di tích Huyền Trân Công Chúa, tọa lạc trên đỉnh Ngũ Phong. Nơi đây là chốn văn hóa tâm linh được xây dựng để tri ân, tôn vinh công lao vị đại sứ hòa bình - công chúa Huyền Trân thời Trần.
Đỉnh Ngũ Phong cao 108m, để lên tới đỉnh núi nơi có tháp chuông Hòa Bình phải đi qua khu chính điện, qua bức tượng Di Lạc to lớn dưới chân núi Ngũ Phong. Sau đó phải vượt qua 246 bậc thang dài nối tiếp, dựng đứng, mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để leo lên tới.
Ấy vậy mà, dù nắng hay mưa, mỗi sáng ông Sơn đều vượt 246 bậc thang lên đến đỉnh núi, quét dọn, thắp hương và thỉnh lên 108 tiếng chuông. Âm thanh trầm bổng vang lên như một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc.
Đến chiều tà, khi đỉnh núi đã không còn ai viếng thăm, ông lại leo xuống 326 bậc thang phía bên kia trở về cuộc sống thường ngày.
Ông kể: “Chuông Hòa Bình được đúc vào ngày 13/3/2006, nặng 1,6 tấn, cao 2,16m, đường kính 1,26m. Đây là một trong những quả chuông đồng lớn nhất nước ta.
Chuông rất nặng nên lúc đưa lên đỉnh Ngũ Phong phải huy động 20 thanh niên trai tráng, dùng ròng rọc kéo chuông lên, phải mất 4 ngày chuông mới được đưa lên tới đỉnh núi”.
Thân chuông Hòa Bình được chia làm 8 ô, bốn ô phía trên có khắc chữ "Thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc". Tám chữ này dường như trở thành ước nguyện của ông Sơn cũng như những du khách lên tới đây gửi gắm, khi thỉnh lên những tiếng chuông ngân vang cả núi rừng.
Bốn ô phía dưới là hình ảnh Trung tâm Phật giáo Yên Tử; chùa Diên Hựu (Một Cột) - Hà Nội; chùa Thiên Mụ - Huế; chùa Giác Lâm - TP.HCM, đều là những cổ tự, đại diện cho hình ảnh phật giáo khắp ba miền đất nước. Ngoài ra, trên chuông còn chạm khắc những hình ảnh rồng, mây ẩn hiện đặc sắc.
Ngày đưa chuông vào sử dụng, Ban quản lý khu di tích lúc không tìm được người trông giữ. Nghĩ mình có thể làm được việc mang lợi ích cho cho nhân loại, lại là con nhà Phật, ông Sơn thành tâm tình nguyện trở thành người trông giữ chuông.
Hầu hết những du khách đến đỉnh Ngũ Phong đều thành tâm cầu nguyện và tự tay đánh chuông. Người ta tin rằng, tiếng chuông sẽ mang theo lời nguyện cầu và hoàn thành nguyện ước của họ.
Ông Sơn cho biết thêm , mỗi vị khách trước khi đánh phải thành kính cầu nguyện, phải có tâm mới có thể linh nghiệm, và mỗi người chỉ được đánh ba tiếng chuông: Tiếng thứ nhất là cầu cho hòa bình thế giới, nhân loại hạnh phúc. Tiếng thứ hai cầu cho quốc thái dân an. Tiếng thứ ba cầu cho gia đình, bản thân người cầu nguyện.
“Những lúc chuông vang lên là lúc con người ta tĩnh lại, thức tỉnh con người mình, tiếng chuông giúp vơi bớt đi sự đau khổ của nhân loại. Nhiều người còn xin được ngồi vào bên trong chuông và xin tui thỉnh chuông cho họ.
Thường thì nam đánh 7 tiếng, nữ đánh 9 tiếng. Những hồi chuông sẽ giúp họ tĩnh tâm và sám hối về những việc đã làm. Họ muốn tiếng chuông rửa sạch đi những lỗi lầm, những suy nghĩ họ vướng phải để được thanh thán, giải thoát”, ông Sơn bộc bạch.
Mỗi ngày, dù có du khách lên thăm chuông hay không, lão ông Sơn vẫn đánh đủ 108 tiếng (không tính những lần du khách đánh). Để đánh không thừa, không thiếu, ông dùng cách đọc một câu kinh đánh một lần. Đọc đủ 108 câu kinh, cũng là đánh đủ 108 tiếng chuông.
Cứ thế, 10 năm trôi qua, việc leo lên đỉnh Ngũ Phong và thỉnh 108 tiếng chuống Hòa Bình đã trở thành công việc quen thuộc với ông Sơn.
Cuốn lịch sử “sống”
Tới đỉnh Ngũ Phong, nhiều người không chỉ thỉnh tiếng chuông cầu nguyện, mà điều hấp dẫn họ còn là việc được gặp ông lão tóc bạc để nghe những câu chuyện lịch sử về công chúa Huyền Trân, về cái tên Ngũ Phong.
“Những ngày đầu trông giữ và đánh chuông du khách lên đây tham quan có nhiều thắc mắc về lịch sử, về khu di tích đền Huyền Trân. Lúc đó tui không biết nhiều, không biết trả lời gì nhiều, nên tôi đã tự tìm mua sách lịch sử về khu đền, về bà Huyền Trân và về các vị vua đóng đô ở Huế.
Thời gian dài cũng làm mình tích lũy thêm được những kiến thức, ai hỏi gì thì mình nói cho họ biết thêm đó cũng là một niềm vui mỗi ngày”. Ông Sơn chia sẻ.
Cũng chính vì lẽ đó mà những ai tới đây, khi nghe ông kể chuyện lịch sử với một sự say sưa, mộc mạc như vậy đều ngỡ rằng ông giống như một cuốn lịch sử “sống”.
Dù chưa trải qua một lớp đào tạo nghiệp vụ nào nhưng lão ông này vẫn hướng dẫn cho du khách như một người hướng dẫn thực thụ, với lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.
Trong câu chuyện của mình, trên khuôn mặt hiền từ ấy, ông Sơn vẫn luôn nở nụ cười đôn hậu. Ông bảo mình già rồi, cũng không làm được gì nhiều nên lấy việc giữ chuông này làm niềm vui cho mình lúc tuổi già và cũng mong tiếng chuông đánh lên sẽ cầu cho người dân khắp mọi nơi được bình an, hạnh phúc.
Trước lúc chia tay, ông Sơn đã ngâm lên những câu thơ tự ông sáng tác. Những câu thơ ấy mộc mạc, bình dị nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao của ông lão áo lam kiên nhẫn từng ngày thình chuông cầu nguyện cho hòa bình nhân loại:
"Viếng đền Huyền Trân công chúa
Chiêm ngưỡng Tháp chuông Hòa Bình
Ta đã về đây thăm Ngũ Phong non xanh, nước biếc, ngút rừng vàng.
Huyền Trân công chúa thì công dội vang,
Di Lạc tượng đài thì nghĩa sắc son.
Thế giới hòa bình thì yên cuộc sống,
Nhân loại hạnh phúc thì đẹp non sông
Tiếng chuông vang vọng thì đền linh ứng
Mở cõi ơn người rạng tổ tông".
(Tri ân)
Video: Tìm thấy tượng quan âm nghìn mắt ngìn tay bị đánh cắp
Bình luận