Sáng 12/11, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam khoá III đã được tổ chức. Đại hội bầu ra 27 uỷ viên ban chấp hành trong đó có 9 uỷ viên thường vụ. Ông Lâm Quang Thành, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đắc cử Chủ tịch Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam.
Đại hội cũng bầu ra 3 Phó Chủ tịch trong đó Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký là ông Nguyễn Hải Đường – Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế - Tổng cục TDTT. Ông Nguyễn Hải Đường cũng vừa được bầu là Phó Chủ tịch Liên đoàn Canoeing châu Á.
Phát biểu sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam khoá III Lâm Quang Thành cho biết, ông sẽ cùng tập thể Liên đoàn khoá III kế thừa, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của khoá II để xây dựng một tập thể đoàn kết, đồng lòng, phát huy được trí tuệ tập thể, các nguồn lực mới, vai trò của các uỷ viên ban chấp hành để Đua thuyền Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, gặt hái được nhiều thành tích, đóng góp vào sự phát triển chung của TTVN bằng những “cơn sóng” mới
Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc đối với các môn thuyền gồm Canoeing, Kayak; Rowing; Sailing, Windsurfing, Kiteboarding, Stand up Paddle - SUP và Đua thuyền truyền thống (Dragon boat). Đây cũng là Liên đoàn quốc gia duy nhất đại diện cho phong trào Đua thuyền của Việt Nam trong quan hệ với các Liên đoàn Đua thuyền quốc tế, châu Á, Đông Nam Á và các quốc gia khác để tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trong lĩnh vực Đua thuyền thể thao.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đua thuyền Việt Nam đạt tổng cộng 207 huy chương các loại (95 HCV, 66 HCB, 46 HCĐ). Trong đó đáng chú ý là việc Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á từ trước đến nay, liên tục có 2 thuyền vượt qua vòng loại tại hai kỳ Olympic Rio và Tokyo.
Tại Asian Games 18, Rowing Việt Nam đã xuất sắc giành 1 HCV và 1 HCB. Đây là tấm HCV lịch sử đầu tiên tại Đại hội thể thao châu Á sau 25 năm trưởng thành và phát triển của Đua thuyền Việt Nam, đồng thời cũng là tấm HCV đầu tiên đại diện cho các quốc gia Đông Nam Á tham dự Đại hội thể thao lớn nhất châu lục.
Tại SEA Games 31, lần đầu tiên cả hai môn Rowing và Canoeing đều xếp hạng nhất toàn đoàn với 16 HCV, 10 HCB và 4 HCĐ trong đó đội tuyển Rowing giành được 8 HCV, 6 HCB và 2 HCĐ; Đội tuyển Canoeing giành được 8 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần vào thành công chung của Đại hội.
Với thành tích xuất sắc kể trên, nhiệm kỳ vừa qua, nhiều VĐV, HLV của Đua thuyền Việt Nam đã nhận được những phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Những thành tích đó cho thấy Đua thuyền Việt Nam đang ngày càng phát triển với định hướng đầu tư đúng đắn của ngành.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, phong trào tập luyện Đua thuyền Rowing, Canoeing và Sailing đã được phát triển rộng khắp cả nước.
Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 33 tỉnh, thành phát triển Rowing và Canoeing với số lượng ổn định khoảng 860 vận động viên ở các tuyến. Tại các giải thi đấu quốc gia, môn Rowing có 21 đơn vị với 325 vận động viên, môn Canoeing 27 đơn vị với 535 vận động viên. Trong nhiệm kỳ qua, có thêm 8 đơn vị phát triển môn Rowing, gồm: Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Tiền Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… 3 đơn vị phát triển môn Canoeing là Cà Mau, Hậu Giang và Quân khu 9.
Ở nhiệm kỳ mới, Liên đoàn đua thuyền Việt Nam đặt mục tiêu đạt từ 250-300 huy chương các loại, có ít nhất 1 thuyền môn Rowing vượt qua vòng loại giành vé tham dự Olympic 2024.
Bình luận