Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc (1917-1979) được coi là "cha đẻ của khoán hộ" (hay khoán mười) với quan điểm "xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình".
Là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam, ông được biết đến là một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân.
Nhân dịp 40 năm ngày mất của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, PV VTC News trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng để có cái nhìn rõ hơn về những đóng góp quan trọng của "cha đẻ khoán mười" trong sự nghiệp đổi mới đất nước, nhất là đổi mới nông nghiệp và xây dựng nông thôn.
- Tại sao thời điểm những năm 1966-1967, khi nông thôn miền Bắc đều áp dụng kiểu làm ăn hợp tác xã, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc lại có quyết định táo bạo, có thể nói là liều lĩnh khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân, thưa ông?
Việc Bí thư Vĩnh Phúc Kim Ngọc giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc đó. Ông Kim Ngọc lại chủ trương giao ruộng khoán cho từng hộ nông dân để xây dựng tập thể hợp tác xã vững mạnh. Theo tôi, chủ trương đó thể hiện trên các khía cạnh lớn đó là:
Thứ nhất, tư duy của Bí thư Kim Ngọc không bị rập khuôn vào những công thức có sẵn, ông luôn luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để sản xuất phát triển thực sự.
Năm 1966-1967, khi quyết định khoán ruộng, Bí thư Kim Ngọc cũng có cả một quá trình hợp tác hóa nông nghiệp từ những năm 1960, trải qua 5 - 6 năm hợp tác hóa nhưng kinh tế nông nghiệp ở hợp tác xã chững lại, thậm chí có lúc sa sút, vì vậy ông tìm cách để kinh tế nông nghiệp phát triển lên.
Điều đó phản ánh tư duy của người lãnh đạo rất năng động, sáng tạo, chú ý để thúc đẩy sản xuất và mang lại hiệu quả. Lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo tính đúng đắn của những chủ trương chính sách chứ không phải lấy khuôn mẫu, quan điểm tập thể hóa, hợp tác hóa. Đấy là một sự đáng quý ở người lãnh đạo.
Thứ hai, quyết định khoán xuất phát từ quan điểm vì dân, làm thế nào để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
Quả thật lúc đó, người nông dân, xã viên hợp tác xã nông nghiệp rất khó khăn trong đời sống, bị bó hẹp trong cơ chế, trong cách thức làm ăn “rong công, phóng điểm”, rồi quản lý một cách hành chính trong hợp tác xã nông nghiệp, dẫn đến hiệu quả kinh tế, năng suất lao động rất thấp, sản xuất nông nghiệp ngày càng sa sút.
Từ thực tiễn ấy, Bí thư Kim Ngọc suy nghĩ phải làm thế nào để cho người nông dân đỡ khổ, làm thế nào để thúc đẩy sản xuất phát triển, để có đóng góp lớn cho đất nước, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội miền Bắc và chi viện cho miền Nam với tình thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, khi thời đó bắt đầu đánh Mỹ rất ác liệt (từ năm 1965).
Kim Ngọc xuống với dân, ông thấy sản xuất trì trệ, kém phát triển, đời sống khó khăn, giá trị ngày công ngày càng thấp đi, mấy lạng thóc một ngày công như vậy làm sao mà sống được. Mà không đủ sống thì làm sao làm ra của cải để xây dựng đất nước và chi viện cho miền Nam được nữa?
Từ tình cảm thương dân như vậy, ông khuyến khích cải cách làm như thế nào, mô hình thế nào để cho ra nhiều của cải vật chất, ra nhiều thóc ngô khoai sắn, để người nông dân thoát khỏi cảnh đói kém, thiếu thốn đủ bề.
Thứ ba, một điểm cần nhấn mạnh nữa ở Bí thư Kim Ngọc là tinh thần trách nhiệm. Bởi vì nếu một người cán bộ lãnh đạo không có tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, trước nhân dân và trước công việc mà mình phụ trách thì sẽ chỉ cho nó qua đi thôi chứ cũng chẳng cần lao tâm khổ tứ làm gì. Ở vị trí công việc như vậy thì cứ thế mà làm theo những chính sách có sẵn, chỉ đạo có sẵn thôi.
Nhưng ông luôn trăn trở, nghĩ đến trách nhiệm của người lãnh đạo, ở một địa phương, ở một đơn vị như vậy mà để sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân khó khăn thì ông không đành lòng.
Rõ ràng tinh thần trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo là cực kỳ quan trọng, trách nhiệm trước địa phương mình, trước nhân dân và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cấp trên.
Nhìn chung, tôi thấy ở ông Kim Ngọc có 3 điểm rất nổi bất như vậy. Một là, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, của địa phương, ông thoát khỏi giáo điều, thoát ra khỏi sự trì trệ để năng động sáng tạo. Thứ hai là tinh thần vì dân, thương dân và thứ ba là trách nhiệm, trách nhiệm đối với quê hương mình, với Đảng bộ, với công việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với cấp trên.
- Chủ trương của Bí thư Kim Ngọc đưa ra gần như đi ngược quan điểm lúc bấy giờ và nhiều người đánh giá là sự dũng cảm, thưa ông?
Đúng vậy, bản lĩnh chính là thể hiện ở chỗ đó, dám chịu trách nhiệm trước hết là ở đó.
Xu thế chung lúc đó thực hiện đúng đường lối của Đảng là phải tập thể hóa, chứ không thể chấp nhận chuyện chia ruộng cho các hộ. Thời điểm đó người ta coi đó là tư hữu hóa, là đi con đường khác, không phải Chủ nghĩa Xã hội, đi theo con đường Tư bản.
Đó là xung quanh vấn đề sở hữu. Tư liệu sản xuất lúc đó phải thuộc về tập thể, về Nhà nước nên chia ruộng ra thì là cả một vấn đề rất lớn.
Về quan hệ sản xuất có những vấn đề, thứ nhất là sở hữu tư liệu sản xuất, thứ hai là quản lý bằng cách nào?
Khoán của Bí thư Kim Ngọc thay đổi không chỉ là ở chỗ giao ruộng vì giao ruộng nhưng danh nghĩa vẫn là của hợp tác xã, của Nhà nước, mà thay đổi quan trọng là cách làm, giao ruộng cho nông dân thì người dân tự chủ trên mảnh đất ấy, người ta tập trung đầu tư, làm ăn tử tế, có hiệu quả thì tự nó mang lại năng suất, sản lượng cao.
Rồi từ đó, dẫn đến chế độ phân phối cũng khác, người làm được nhiều thì được hưởng nhiều, do vậy sẽ kích thích quá trình sản xuất, kích thích người ta làm.
Cả ngày đi làm mệt nhọc như vậy được mấy lạng thóc thì làm sao mà sống được, thành ra phải thay đổi cả chế độ phân phối, anh làm nhiều trên mảnh đất của anh thì vẫn đóng góp cho cả nước, vẫn đóng góp cho tập thể, nhưng đồng thời anh được hưởng thụ thành quả lao động xứng đáng với cống hiến của anh. Như vậy nó thúc đẩy sản xuất, cách thức quản lý như thế mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Tôi nhắc lại, thước đo sự hiệu quả của chính sách, đường lối chính là hiệu quả công việc, hiệu quả sản xuất.
Bây giờ về địa phương cũng thế, địa phương đó sản xuất phát triển, đời sống Nhân dân được ấm no thì đấy là thước đo đúng, chứ nếu chỉ nói thành tích này khác nhưng khi xuống mà kinh tế lại kém phát triển, đời sống Nhân dân không tốt thì làm sao gọi là lãnh đạo tốt đúng đắn được, cho nên trách nhiệm bản lĩnh thể hiện như thế.
Thực tế phải một thời gian dài sau này người ta mới thừa nhận cách làm của ông Kim Ngọc là đúng chứ thời điểm đó chưa thừa nhận, thậm chí còn phê phán.
- Đến cuối năm 1968, chủ trương bị đình chỉ sau khi bị phê phán nặng nề, Bí thư Kim Ngọc cũng bị kiểm điểm vì chủ trương "khoán hộ"?
Nhiều người nói ông Kim Ngọc bị kỷ luật sau chuyện đó nhưng thực tế không phải. Sau này năm 1968 sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành Vĩnh Phú, ông Kim Ngọc vẫn là Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh Vĩnh Phú mới thành lập.
Ông vẫn làm đến sau giải phóng miền Nam, thống nhất mãi sau này mới nghỉ.
Lúc đó, theo chủ trương của Trung ương thì ta đình việc khoán lại, không làm tiếp nữa. Tôi nhớ tháng 11/1968, ông Trường Chinh (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) lên nói chuyện ở Hội nghị của Tỉnh ủy Vĩnh Phú thì quyết định đình việc khoán lại.
Khi đình lại thì đương nhiên là ông Kim Ngọc cũng như ban lãnh đạo của Tỉnh ủy mới chấp hành, chứ tôi được biết cũng không có chuyện gì cả.
Trung ương đồng ý thì cho làm còn không đồng ý thì trở lại cái cũ và quả thật là khi trở lại cái cũ thì người dân tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) cũng nuối tiếc.
Người dân thích cách làm của ông Kim Ngọc hơn, nó mang lại hiệu quả tốt hơn mà vẫn thực hiện được nghĩa vụ với Nhà nước, với tập thể chứ không ảnh hưởng gì, không dẫn đến con đường khác, hay trái với mục tiêu của Đảng đề ra.
- Tuy vậy, ông Kim Ngọc lúc đó vẫn phải làm kiểm điểm, “nhận sai lầm” khi thực hiện chủ trương khoán hộ và chủ trương này phải ngừng hẳn?
Thực tiễn cuộc sống ngày càng chứng minh chủ trương của ông Kim Ngọc là đi trước thời đại.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Khi làm chủ trương lớn như thế thì đường nhiên sẽ phải làm kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong nội bộ cấp ủy và giải trình trước Trung ương, cái đó là tất yếu.
Nhưng theo tôi biết thì Trung ương chỉ quyết định đình chỉ lại thôi chứ không có kỷ luật gì.
Sau này thực hiện chỉ thị 100 năm 1981, khoán 10 năm 1988 thì thực tiễn cuộc sống ngày càng chứng minh chủ trương của ông Kim Ngọc là đi trước thời đại.
Ta mới thấy một điều rằng thực tiễn luôn luôn rất phong phú và sinh động, và người lãnh đạo phải nắm bắt được nó.
Sau này Đảng ta cũng nắm bắt thực tiễn, nhu cầu, của cuộc sống phải đưa ra những chính sách mới cho thích hợp như là đường lối đổi mới của Đại hội Đảng năm 1986.
- Đó phải chăng là một trong những bài học lớn của Đảng, thưa ông?
Đúng vậy, lãnh đạo thì phải lắng nghe, phải tổng kết, có thể có những cái ở thời điểm lịch sử ấy chưa được thừa nhận, chưa được tán thành thì phải chờ đợi đến một sự thống nhất trong nhận thức và sau này cuộc sống sẽ chứng minh tính đúng đắn.
Đương nhiên ở thời điểm lịch sử đó, vào những năm 1966-1967 cũng cần xét trên khía cạnh khác, chẳng hạn như nếu cứ giao ruộng cho nông dân, xã viên thì những gia đình có con em đi chiến trường ở miền Nam sẽ không đủ sức lao động để tham gia sản xuất trên ruộng đất của hộ mình được nên phải điều chỉnh bằng hợp tác xã, lúc đó cũng lo ngại cái đó.
Với tư cách là người nghiên cứu, tôi có thể khẳng định những đóng góp quan trọng của Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc.
Trên phạm vi vĩ mô thì sau này khoán nông nghiệp năm 1981 hay 1988 cũng trên sự kế thừa kinh nghiệm của ông Kim Ngọc và đó cũng là một trong những cơ sở để sau này ta có đường lối đổi mới đúng đắn, hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận