Ngày 27/6, UBND Đà Nẵng tổ chức họp báo, giải đáp các thắc mắc liên quan đến những vấn đề mà báo chí, xã hội đang quan tâm.
Đã giao 77 ha đất ở Sơn Trà cho các nhà đầu tư
Về vấn đề "nóng" liên quan các dự án đã và đang triển khai trên bán đảo Sơn Trà, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, cho biết trên bán đảo này có 25 dự án đã và đang được triển khai. Trong đó, có 18 dự án du lịch.
Khoảng 10 năm trước, chính quyền địa phương đã thu tiền, giao khoảng 77 ha đất ở đây cho các chủ đầu tư; cho các tập thể, cá nhân thuê có thời hạn 800 ha đất.
Đà Nẵng cũng giao khoán khoảng 500 ha đất cho các hộ dân với mục đích trồng và bảo vệ rừng.
Phóng viên đặt vấn đề, từ năm 1992, theo quyết định của Thủ tướng thì bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Với các quy định hiện hành, Sơn Trà là tài sản của quốc gia (chứ không phải của Đà Nẵng) nên việc giao đất là thẩm quyền của Thủ tướng. Nhưng thực tế, Đà Nẵng lại ký các quyết định giao đất có thu tiền cho các nhà đầu tư.
"Giới luật sư cho rằng việc Đà Nẵng giao đất như vậy là vượt thẩm quyền. Quan điểm của lãnh đạo thành phố về vấn đề này như thế nào?", phóng viên hỏi.
Ông Thơ cho biết trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Đà Nẵng đã rất quan tâm đến Sơn Trà theo hướng phát triển đi đôi với bảo tồn. Từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Đà Nẵng đã yêu cầu các nhà đầu tư dừng triển khai tất cả dự án, giữ nguyên hiện trạng để thành phố rà soát lại các vấn đề liên quan đến bán đảo này.
Chủ tịch UBND Đà Nẵng thừa nhận vấn đề nêu trên là "bài toán khó" trong số vấn đề ở Sơn Trà. "Chúng tôi cương quyết phải rà soát lại tất cả, từ quy trình cấp đất đến việc triển khai các dự án ở trên đây", ông Thơ nói.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: "Nếu có việc các vị lãnh đạo tiền nhiệm cấp đất sai quy định thì Đà Nẵng xử lý thế nào?". Người đứng đầu UBND TP Đà Nẵng nói: "Đây là vấn đề rất quan trọng và thành phố rất trăn trở. Thậm chí, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã tính đến phương án thương thảo để bồi thường cho các chủ đầu tư".
Chủ tịch Đà Nẵng cho biết hết tháng 7, thành phố sẽ báo cáo gửi Chính phủ về kết quả rà soát những vấn đề liên quan đến Sơn Trà.
"Đà Nẵng nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng. Chúng tôi sẽ rà soát và có biện pháp bảo tồn thiên nhiên ở bán đảo Sơn Trà trên cơ sở đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và đạt được sự đồng thuận của người dân", ông Thơ nhấn mạnh.
Video: 'Chính phủ không để cho Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được'
Không lấy tiền thuế của dân để xây kè chống sạt lở
Một số cơ quan báo chí đề cập tình trạng sạt lở ở khu vực mà Công ty Cổ phần Du lịch Biển Tiên Sa xây trái phép 40 trụ móng biệt thự. Theo phản ánh, sau khi các cơ quan chức năng đình chỉ thi công đối với dự án thì ở mép biển đang xảy ra tình trạng sạt lở.
Người dân cho rằng nguyên nhân xảy ra sạt lở có liên quan đến đến việc nhà đầu tư xây trái phép 40 trụ móng biệt thự ở sườn núi. "Việc sạt lở là do doanh nghiệp gây ra, sao Đà Nẵng lại đi giải quyết hậu quả? Thành phố lấy tiền từ nguồn nào để xây bờ kè?", một phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo Đà Nẵng.
Ông Thơ thừa nhận dự án khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa đã được chủ đầu tư cho chặt cây và đào ủi nhiều khối lượng đất đá nằm sát bãi tắm Tiên Sa. Khu vực này có độ dốc cao lại nằm sát mép biển nên việc sạt lở nghiêm trọng có thể xảy ra.
Mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng có văn bản gửi Thường trực Thành ủy và Thủ tướng để xin phép thực hiện giải pháp chống sạt lở ở khu vực này. "Thành phố đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”, Chủ tịch Đà Nẵng cho hay.
Về nguồn vốn, ông Thơ cho biết lẽ ra là chủ đầu tư phải bỏ ra. Tuy nhiên, dự án này đang bị đình chỉ nên lãnh đạo Đà Nẵng không muốn họ bỏ tiền xây kè rồi sau này lấy cớ để xin tiếp tục triển khai dự án.
"Giải pháp có thể được chúng tôi tính đến là thành phố cho tạm ứng để xây kè chống sạt lở. Sau đó, chủ đầu tư phải trả lại số tiền này cho Đà Nẵng. Chúng tôi không lấy tiền thuế của dân để khắc phục tình trạng sạt lở", ông Thơ chốt lại.
Bình luận