TikTok đang tiến gần hơn đến khả năng bị cấm trên toàn quốc tại Mỹ, sau khi vào tuần trước đã thất bại trong việc kháng cáo chống lại luật yêu cầu ứng dụng chia sẻ video này phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc trước ngày 19/1/2025.
Ngày 16/12, trong những nỗ lực cuối cùng, TikTok và ByteDance gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Mỹ để xin lệnh tạm dừng thực thi đạo luật cấm mạng xã hội có khoảng 170 triệu người dùng này ở Mỹ.
Các công ty cho biết việc đóng cửa dù chỉ trong một tháng cũng sẽ khiến TikTok mất khoảng 1/3 lượng người dùng tại Mỹ và làm suy yếu khả năng thu hút các nhà quảng cáo, tuyển dụng người sáng tạo nội dung và nhân viên tài năng.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố ông có thể đóng vai "hiệp sĩ áo trắng" giải cứu các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Trong hồ sơ nộp lên Tòa án Tối cao Mỹ ngày 16/12, TikTok khẳng định không có mối đe dọa tiềm ẩn nào đối với an ninh quốc gia Mỹ và việc trì hoãn thực thi luật sẽ cho phép Tòa án Tối cao xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm, cũng như chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá đạo luật.
Ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025, một ngày sau thời hạn đạo luật áp đưa ra cho TikTok.
Tại sao ông Trump thay đổi quan điểm về TikTok?
Tổng thống đắc cử Donald Trump, từng cấm TikTok không thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2020. Kể từ đó, ông đảo ngược lập trường và và phản đối việc bán cưỡng bức ứng dụng này.
Ông Trump cho rằng cưỡng ép TikTok dừng hoạt động sẽ chỉ có lợi cho Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, coi TikTok là đối thủ đáng gờm. Meta đã đình chỉ quyền truy cập của ông Trump vào các nền tảng của mình trong hai năm sau cuộc bạo loạn ở điện Capitol. Công ty này rõ ràng là bên hưởng lợi từ lệnh cấm TikTok khi có thể thu hút lượng người dùng TikTok tại Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump đã công khai hàn gắn mối quan hệ của mình với CEO của Meta, Mark Zuckerberg. Do đó, sự thay đổi lập trường của Tổng thống đắc cử Trump với TikTok có thể vượt xa mối quan hệ phức tạp của ông với các công ty truyền thông xã hội có trụ sở tại Mỹ.
Theo chuyên gia Chen Gang, Phó giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, quan điểm của ông Trump về TikTok có thể được định hình bởi các cân nhắc về chính trị và tài chính.
Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền của ông Trump, chẳng hạn ông Marco Rubio và ông Mike Waltz, từ lâu đã ủng hộ lập trường cứng rắn đối với TikTok. Tuy nhiên, các nhà tài trợ tỷ phú có ảnh hưởng như Jeffrey Yass, một nhà đầu tư lớn vào công ty mẹ của TikTok là ByteDance, có động cơ tài chính để duy trì hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ. Sau cuộc gặp giữa tỷ phú Yass và ông Trump vào tháng 3/2024, Tổng thống đắc cử đã đảo ngược ý định cấm TikTok.
Ngoài ra, ông Trump có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội về mặt chính trị khi một nửa dân số nước Mỹ sử dụng TikTok. Nền tảng này đặc biệt phổ biến trong nhóm cử tri thuộc thế hệ Z, đồng thời, một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew chỉ ra rằng sự ủng hộ đối với lệnh cấm TikTok đã giảm trong nhóm người lớn tuổi ở Mỹ.
Với việc TikTok mang lại nguồn thu nhập cho các nhà sáng tạo nội dung, những người có tầm ảnh hưởng và các doanh nghiệp nhỏ, ông Trump có thể thận trọng để không làm cử tri và cộng đồng doanh nghiệp xa lánh mình, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế.
Vai trò của vận động hành lang
Ngoài những trở ngại về chính trị và pháp lý, các lực lượng vận động hành lang - từ TikTok và cả phía Trung Quốc - cũng khiến ông Trump cần lưu tâm.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi (Châu Thụ Tư) được cho là đã tham khảo ý kiến của Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, một trong những cố vấn thân cận của ông Trump, về chính sách công nghệ của chính quyền sắp tới.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối việc cấm hoặc ép TikTok thoái vốn, viện dẫn tính nhạy cảm của các thuật toán và công nghệ của ứng dụng này. Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ có các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình, cho thấy các cuộc thảo luận giữa các quan chức Trung Quốc, ByteDance và chính phủ Mỹ vẫn đang diễn ra.
Tư duy định hướng kinh doanh của Tổng thống đắc cử Trump, yếu tố ảnh hưởng lớn đến cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc, cũng ảnh hưởng đến quyết định không chỉ liên quan đến TikTok mà còn cả các công ty công nghệ có liên kết với Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại của ông Trump, đặc biệt đối với Trung Quốc, rất có thể sẽ ưu tiên lợi ích kinh tế hơn là các cân nhắc mang tính ý thức hệ. Mặc dù ông Trump vẫn thận trọng với Bắc Kinh, các chính sách của ông có khả năng sẽ được định hình bởi những thỏa thuận thực dụng, mang lại lợi ích kinh tế - chẳng hạn như mở cửa thị trường Trung Quốc và giảm thâm hụt thương mại.
Bình luận