Những ngày gần đây, câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM quyết đòi vỉa hè cho người đi bộ đang nhận được rất nhiều sự qua tâm của người dân.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Nguyên cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) Đội 1 - Phòng CSGT (PC67) Công an TP. Hà Nội đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với PV VTC News về vấn đề này.
- Nhiều năm nay, người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thường mặc định vỉa hè, lòng đường hoặc khu vực trước cửa nhà là quyền sở hữu của mình. Ông đánh giá thế nào về hành vi này?
Về vấn đề này tôi có thể đặt câu hỏi ngược lại, chuyện mặc định vỉa hè, lòng đường hoặc khu vực trước cửa nhà là quyền sở hữu của người dân xuất phát từ đâu?
Đó là xuất phát từ việc buông lỏng quản lý từ cấp chính quyền cơ sở, không chấn chỉnh ngay từ đầu.
Trải qua một quá trình dài về buông lỏng quản lý cũng đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt để lấy lại vỉa hè, lấy lại sự công bằng cho người tham gia giao thông.
- Cách làm như thế nào sẽ đạt hiệu quả, thưa ông?
Theo tôi, trước hết chính quyền phải nhắc nhở, giao cảnh sát khu vực tuyên truyền đến từng hộ dân cam đoan, cam kết tự giác chấp hành những quy định của pháp luật về quản lý vỉa hè.
Khi đã cam kết mà vẫn không thực hiện thì tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính về những vấn đề vi phạm. Việc lập biên bản vi phạm hành chính kèm theo những quyết định xử phạt hành chính.
Và quyết định xử phạt hành chính cũng là yêu cầu những người vi phạm trả lại nguyên trạng vỉa hè.
Khi người dân tiếp tục không thực hiện những việc đó thì mới tiến hành cưỡng chế.
Làm được các bước như vậy vừa đảm bảo được yếu tố pháp luật vừa đảm bảo được yếu tố về thuần phong mỹ tục.
Khi tuyên truyền tốt việc đó mà được dân đồng thuận, ủng hộ thì việc lấy lại vỉa hè sẽ rất thuận lợi và đạt được hiệu quả lâu dài.
Phải làm cam kết đến với từng hộ dân, cho khoảng thời gian để người ta chuẩn bị khắc phục cái việc đó. Phải có thời gian chứ không phải sáng thông báo chiều đã đến xử lý ngay sẽ gây hiệu ứng không tốt. Mà hiệu ứng không tốt sẽ khiến kết quả không cao.
Video: Hãy trả lại vỉa hè cho chị Điệp!
- Việc ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Quận 1, TP.HCM trực tiếp ra đường chỉ đạo xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè đã tạo được hiệu ứng tốt nhưng cũng có không ít luồng ý kiến phản đối. Quan điểm của ông về cách "đòi lại" vỉa hè cho dân của lãnh đạo Quận 1?
Cách thức lấy lại vỉa hè của Quận 1, TP. HCM vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Chủ tịch Quận 1 là việc làm tích cực, đáng khen ngợi.
Bao nhiêu năm nay chúng ta đã "đánh trống bỏ dùi" rồi.
Bởi vậy, cần phải có một lãnh đạo đi đầu, làm gương để các địa phương, tỉnh thành khác nhìn vào đó học hỏi và rút ra được những kinh nghiệm quản lý trật tự đô thị để có hiệu quả lâu dài.
Chiến dịch "đòi lại" vỉa hè muốn thành công thì việc tuyên truyền, xử lý phải làm thường xuyên, không "đánh trống bỏ dùi", không "đầu voi đuôi chuột".
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ
Tuy nhiên, người dân đang quen với cả một quá trình buông lỏng như vậy, bây giờ quay lại xử phạt ngay thì sẽ gây hiệu ứng không tốt.
Theo tôi, tạo được dư luận và sự đồng thuận của nhân dân mới là vấn quan trọng.
Không chỉ dư luận hưởng ứng mà ngay đến chính người bị phạt cũng phải tâm phục khẩu phục. Khi người ta đã tâm phục, khẩu phục thì sẽ tự giác chấp hành.
Vì vậy, chiến dịch "đòi lại" vỉa hè muốn thành công thì việc tuyên truyền, xử lý phải làm thường xuyên, không "đánh trống bỏ dùi", không "đầu voi đuôi chuột".
Khi đã làm được điều đó, lực lượng chức năng cấp quận, cấp thành phố trao trả lại cho cấp phường. Cấp phường duy trì những việc đó thành thói quen cho người dân.
Cũng giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy... hay việc cấm xe vào khu vực phố đi bộ, ban đầu khi chưa quen người dân vẫn phản đối.
Nhưng sau một thời gian thực hiện quyết liệt, người ta sẽ thấy quen thuộc và thực hiện một cách tự nguyện.
- Liệu sau những đợt ra quân rầm rộ thì vỉa hè ở Hà Nội, TP.HCM có trở về với tình trạng lộn xộn vốn có lâu nay không, thưa ông?
Đặt ra câu hỏi này là không thừa bởi sự lãnh đạo không có kiểm tra thì việc tái lấn chiếm lại sẽ dễ xảy ra. Khi chúng ta làm đồng loạt, đồng bộ, không có ngoại lệ thì tôi tin chắc rằng đại đa số sẽ chấp hành.
Đồng chí Phó chủ tịch Quận 1, TP.HCM quyết liệt đến mức độ: "Nếu tôi không làm được tôi sẽ cởi áo" là đang thể hiện trách nhiệm của mình đối với công việc.
Phải quyết liệt trong vấn đề này và đặc biệt là phải có những xử lý đối với người đứng đầu. Nếu cấp chính quyền địa phương mà để ra tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì phải xem lại năng lực lãnh đạo, quản lý.
Khi năng lực không đáp ứng được cũng cần phải thay thế để cho phù hợp với nhu cầu mới mà xã hội đang đòi hỏi. Khi giao cho người đứng đầu chịu trách nhiệm hiệu quả công việc đó thì hiệu quả sẽ cao hơn.
- Kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè có phải là nút thắt giải quyết vấn đề tắc đường ở các đô thị lớn không, thưa ông?
Muốn đảm bảo được an toàn giao thông thì phải giải quyết công bằng những quy tắc giao thông. Tức là, người đi bộ phải đi trên vỉa hè, các phương tiện cơ giới thì không được dừng đỗ dưới lòng đường.
Người dân sống hai bên đường thì không được lấn chiếm, không được dùng vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện.
Quay trở lại vấn đề ùn tắc giao thông, khi muốn làm được những việc đó thì phải bố trí những nơi để xe cho người dân ở khu vực đông đúc dân cư, trong những khu vực có vực hè mà không đạt tiêu chuẩn để phương tiện.
Có các phương tiện công cộng khác như xe buýt, xe điện nhỏ để người ta vào những con đường nhỏ.
Nếu mà có chỗ để xe, có những phương tiện công cộng ắt người ta sẽ hạn chế được phương tiện cá nhân. Đến những nơi như vậy người dân sẽ tự có ý chấp hành. Khi bản thân người ta chấp hành tốt việc đó rồi thì sẽ có ý thức nhắc nhở người khác cùng thực hiện.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, bài toán quy hoạch thành phố mới chính là phương pháp giải quyết ùn tắc một cách triệt để.
Xin cảm ơn ông!
Video: Không có ngoại lệ, bức tường của cơ quan phía Nam Bộ Công Thương bị Phó Chủ tịch Quận 1 yêu cầu đập bỏ
Bình luận