Nói về tình trạng tái chiếm vỉa hè và quyết tâm lập lại trật tự đô thị, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch quận 1 (TP.HCM) cho rằng: "Chúng ta cần phải thay đổi tư duy công tác cán bộ, không thể nể nang, xuề xòa, né tránh đụng chạm được".
- Vì sao ông lại nói vậy, có nguyên nhân sâu xa gì chăng?
Vì hiện tượng tái chiếm vỉa hè tại quận 1 đã trầm trọng hơn, trong đó có sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo phường.
- Nghĩa là một số lãnh đạo phường thờ ơ với chỉ đạo và quyết tâm của quận?
Đúng vậy! Thời gian qua, lãnh đạo phường làm không tốt nên bây giờ, với vai trò phó chủ tịch phụ trách đô thị tôi sẽ tiếp tục xuống đường, quyết tâm lập lại trật tự đô thị. Chúng tôi sẽ làm quyết liệt, làm liên tục, làm không có vùng cấm đến khi nào cử tri TP hài lòng.
Muốn quận 1 xanh, sạch và đẹp thì không thể nào chấp nhận có một vỉa vè nhếch nhác được. Bản thân tôi là người đứng đầu phụ trách đô thị của quận, tôi nhận thấy đây là một vấn đề nhức nhối. Vỉa hè nhếch nhác, mái nhà rách nát rồi ô tô biển xanh, biển đỏ, biển trắng nghênh ngang đậu trên vỉa hè. Đặc biệt, các quán nhậu đậu xe tràn lan trên vỉa hè.
Trước đây, khi đoàn liên ngành của quận 1 do tôi dẫn đầu ra quân mấy tháng thì việc lấn chiếm giảm hẳn nhưng sau khi tạm dừng, giao lại cho các phường thì quán nhậu lại tràn ra, chiếm hết vỉa hè.
- Cơ sở nào để ông nói vậy?
Thời điểm giao lại cho phường kiểm tra, xử lý thì cứ chiều đến chỉ cần dạo một vòng quận là thấy sự bầy hầy, nhếch nhác tại vỉa hè, thấy ngay được chủ tịch phường nào không làm việc, thậm chí làm cho có.
Cần phải thay đổi tư duy công tác cán bộ, không thể nể nang, xuề xòa, né tránh đụng chạm được.
Ông Đoàn Ngọc Hải
Hiện nay, có một số phường làm rất tốt nhưng cũng có một số phường không làm hoặc làm cho có nên đã gây hiệu ứng dây chuyền đến phường khác. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến vỉa hè bị tái chiếm sau các đợt ra quân.
- Ông vẫn theo đuổi mục tiêu "xử lãnh đạo phường" nếu để vỉa hè bị tái lấn chiếm?
Chắc chắn rồi. Như một trận đấu bóng đá vậy, cầu thủ nào thi đấu thiếu tinh thần trách nhiệm đối với đồng đội, đội bóng, phong độ sa sút hoặc nghiêm trọng hơn nữa là mắc bệnh ngôi sao thì phải nhanh chóng thay cầu thủ dự bị vào sân thi đấu để đội bóng có kết quả tốt nhất. Đó chưa kể dấu hiệu bán độ.
Vì vậy, cần phải quy trách nhiệm chủ tịch phường, tránh tình trạng chủ tịch phường nào cuối năm cũng xuất sắc hết, nhận bằng khen của UBND TP, thậm chí là Huân chương Lao động trong khi nhiệm vụ lại không hoàn thành.
Video: Ông Đoàn Ngọc Hải hỏi chủ quán nhậu 'Có ai chống lưng không?"
- Nhưng vẫn chưa có người đứng đầu phường nào ở quận 1 bị quy trách nhiệm dù vỉa hè bị tái chiếm?
Đúng là từ đầu năm đến giờ không có cán bộ nào bị điều chuyển làm việc khác dù vỉa hè bị lấn chiếm.
Theo tôi, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải thay đổi tư duy công tác cán bộ, không thể nể nang, xuề xòa, né tránh đụng chạm được. Tâm lý sợ mất phiếu trong cán bộ ảnh hưởng rất nhiều.
Xe biển xanh, biển đỏ, biển trắng đậu vỉa hè trước quán nhậu không việc gì phải có kế hoạch lộ trình dài lâu mà phải xử lý ngay vì đó là điều mà dân đang rất bức xúc.
Các tuyến đường trên vỉa hè không được thu phí nhưng vẫn thu phí xe máy, vậy hàng trăm tỉ đồng này đi đâu? Lợi ích từ kinh doanh vỉa hè rất lớn, gần cả tỉ đồng mỗi tháng từ vỉa hè.
Đây là điều ai cũng biết, vỉa hè là nơi minh chứng rõ ràng nhất cho quyền lợi, lợi nhuận, lợi ích nhóm và đặc biệt là sự buông lỏng quản lý của một số cán bộ phường, cán bộ trật tự đô thị. Buông lỏng quản lý để trục lợi, có dấu hiệu trục lợi...
Nếu cho tôi toàn quyền xử lý vỉa hè, toàn quyền xử lý cán bộ thì trong năm nay sẽ lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường ở quận 1.
- Bởi vậy, trong một động thái mới nhất, ông đã đề nghị giáng chức chủ tịch phường Cầu Ông Lãnh nếu còn để xảy ra tình trạng nhà hàng Biển Dương 3 thường xuyên lấn chiếm vỉa hè?
Tôi đã giao cho chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh tập trung xử lý tình trạng bày bán lấn chiếm vỉa hè của nhà hàng Biển Dương 3 để báo cáo UBND quận trong thời gian tới.
Nếu chủ tịch phường Cầu Ông Lãnh còn tiếp tục để nhà hàng trên tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, tôi sẽ đề xuất Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 hạ chức chủ tịch phường này vì đã không hoàn thành nhiệm vụ. Nhà hàng Biển Dương 3 trong thời gian qua đã liên tục vi phạm và nhiều lần bị lập biên bản bản xử phạt.
- Vừa qua, ông quyết "trảm" bãi xe sai phép trên địa bàn quận 1. Tuy nhiên, điều đáng nói là "chủ nhân" những bãi xe sai phép này là cơ quan nhà nước?
Tôi đã đề nghị phải kiểm điểm trách nhiệm. Lợi ích cá nhân là có thật. Trong khi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hình sự, cơ động quận 1 đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân quận 1 thì một bộ phận cán bộ, công chức vẫn không làm tròn trách nhiệm, thậm chí là có dấu hiệu trục lợi không đúng đắn.
Quan điểm của quận 1 là dẹp hết các bãi giữ xe không phép, sai phép. Công tác chỉnh trang đô thị phải quyết liệt và không ngại đụng chạm thì mới làm tốt được. Các bãi xe tư nhân trong nhà mặt tiền sẽ xuất hiện nhiều vì nhu cầu của người dân là có. Chúng ta chấp nhận nhu cầu đó nhưng không thể bừa bãi trên vỉa hè, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Trong quản lý nhà nước mà dễ dãi quá là có tội với nhân dân và xã hội không thể phát triển tốt được.
Có hay không tình trạng bảo kê?
Tại cuộc họp về tình hình tổ chức lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn TP do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Nguyễn Ngọc Tường cũng từng đặt vấn đề "có hay không tình trạng bảo kê vỉa hè?".
Theo ông Tường, một trong những nguyên nhân của việc tái lấn chiếm vỉa hè là do cách làm chưa phù hợp; công tác tuyên truyền có lúc thực hiện theo lối mòn, chưa tạo được tính thuyết phục, đồng tình, chưa chuyển biến được nhận thức của người dân. Hơn nữa, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm chưa thường xuyên, liên tục, thiếu kiên quyết, nhất là ở cấp phường, xã… dẫn đến dư luận cho rằng có tình trạng bao che, bảo kê, tiêu cực.
Chủ tịch quận 1: "Không bỏ rơi người nghèo"
Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận từng khẳng định "không bỏ rơi người nghèo" khi lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Bằng chứng là quận 1 vừa đưa vào hoạt động một "phố hàng rong" Nguyễn Văn Chiêm và sắp tới đây sẽ thêm một "phố hàng rong" nữa.
Theo ông Thuận, đây không chỉ là chủ trương mà còn là quan điểm, đạo lý của người Việt Nam và chính quyền. "Trong các nghị quyết của Thành ủy, chỉ đạo của UBND TP cũng nhấn mạnh khi tổ chức lại vỉa hè, không phải là đẩy đuổi người dân. Bên cạnh việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì phải rà soát các vị trí đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán, bảo đảm cuộc sống. Chính quyền phải làm cho người dân hiểu được chủ trương này để họ đồng thuận và ủng hộ, như thế mới ổn định lâu dài", ông Thuận nói.
Theo ông, "phố hàng rong" ra đời không chỉ góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị, tạo nơi mưu sinh cho người buôn bán có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện nghèo, cận nghèo mà còn góp phần đưa chủ trương chấn chỉnh trật tự lòng đường, vỉa hè bền vững, lâu dài.
Bình luận