Chiều 19/3, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí (PVN) góp 800 tỷ đồng vào ngân hành Ngân hàng CPTM Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Khi bị đưa ra xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng xác nhận việc ký vào biên bản hợp tác thỏa thuận góp vốn với ngân hàng Oceanbank.
Nội dung thảo luận có 3 vấn đề chủ chốt. Thứ nhất, thống nhất chủ trương mua cổ phần Oceanbank, tăng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Thứ 2, ngân hàng Oceanbank tiếp nhận toàn bộ con người, vật chất ngân hàng Hồng Việt sang ngân hàng Đại Dương.
Thứ 3, mua tối đa 20% cổ phần của Oceanbank. Tất cả các thỏa thuận này ông Thăng khai nhận mình đều chỉ đạo cấp dưới làm theo đúng thủ tục của pháp luật hiện hành.
Về vấn đề có xem báo cáo đánh giá về hiện trạng của ngân hàng Oceanbank trước khi ký thỏa thuận hay không, ông Thăng khai rằng đã dựa trên Tờ trình của Giám đốc và báo cáo trực tiếp của ông Nguyễn Xuân Sơn và ông nguyễn Ngọc Sự.
Bị cáo Thăng khai đã khảo sát một số ngân hàng khác trước khi ký hợp đồng với Ngân hàng Oceanbank. Ông Thăng cho rằng, theo quy định của pháp luật, với vai trò là chủ tịch HĐQT, trước khi ký, ông không bắt buộc phải báo cáo với HĐQT.
Cũng theo lời khai của ông Thăng, việc PVN đầu tư góp vốn vào Oceanbank là đầu tư ra ngoài công ty mẹ.
Bị cáo Thăng khẳng định, PVN tuân thủ đúng quy định của Chính phủ. Tất cả các văn bản bị cáo ký đều đúng theo trình tự pháp luật ban hành.
Theo cáo trạng của VKS, trước khi ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận hợp tác với Oceanbank, bị cáo Nguyễn Ngọc Sự có báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank với ông Thăng.
Trong báo cáo nêu rõ: "... nhìn tổng thể đến 31/3/2008, Ngân hàng Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp... Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Oceanbank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng... Ngân hàng Oceanbank có xếp hạng trung bình khá trong số các ngân hàng thương mại cổ phần".
Trả lời tòa về báo cáo này, ông Thăng cho rằng, sau khi PVN đầu tư vào Oceanbank thì hoạt động của ngân hàng này có hiệu quả hơn.
"Thời điểm năm 2008, bị cáo Nguyễn Ngọc Sự báo cáo là ngân hàng Oceanbank có tính thanh khoản kém. Đánh giá này là đúng bởi quy mô nhỏ thì đương nhiên tính thanh khoản phải nhỏ. Vốn tăng lên thì chắc chắn thanh khoản phải lớn hơn, phát triển hơn.
Xuất phát từ chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của Đảng, Nhà nước, chúng tôi xin thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Sau đó, Ngân hàng Hồng Việt không được thành lập nên mới chọn ngân hàng Oceanbank để đầu tư", bị cáo Thăng lý giải.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, trước khi quyết định góp vốn vào Oceanbank, ông cũng đã có tìm hiểu một số ngân hàng khác.
Nguyên nhân sâu xa buộc phải lựa chọn Oceanbank để góp vốn thời điểm đó được ông Thăng đưa ra giải thích bằng cách ví von: "Một cô con gái đẹp chưa chồng thì gả đi phải khác. Một cô gái đã qua một đời chồng cưới xin nó cũng khác. Ngân hàng Hồng Việt là cô gái đã có chồng".
"Tiêu chuẩn tính toán của tôi khi ấy là khả năng phát triển của ngân hàng Oceanbank. Bài toán nhân sự, ở đây toàn những lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng Hồng Việt đang đứng trước nhiều nguy cơ mới là vấn đề mấu chốt để bị cáo quyết định chủ trương đầu tư vào Oceanbank", ông Thăng nói.
"Sự phát triển của ngân hàng Oceanbank đã cho thấy tính đúng đắn của việc góp vốn. Việc đánh giá ngân hàng Oceanbank phải dựa vào khả năng phát triên trong tương lai. Việc đầu tư vào Oceanbank rõ ràng rất có hiệu quả. Từ năm 2010 đến năm 2013 đều có hiệu quả đã chứng việc góp vốn là đúng", ông Thăng khẳng thêm định tại phiên tòa.
Trước khi thẩm vấn ông Đinh La Thăng, Chủ tọa cũng thẩm vấn bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Theo đó, bị cáo Sơn cho biết bản thân có tham gia cả 3 lần PVN góp vốn Oceanbank.
Bị cáo Sơn khẳng định, thời điểm ký văn bản đồng ý góp vốn vào Oceanbank (số tiền 100 tỷ đồng), ông không nắm được luật quy định không vượt quá 15% khi doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp. Nếu biết, ông Sơn đã không góp vốn tới 20% vào Oceanbank.
Về cáo trạng truy tố tội danh Cố ý làm trái trong lần góp vốn giai đoạn 3, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không có ý kiến phản đối.
Tuy nhiên, bị cáo Sơn trần tình: "Do thiếu nhạy cảm pháp luật nên không ý thức được việc làm của mình là sai. Bị cáo cho rằng nếu không góp vốn lần thứ 3 thì mất lợi ích theo quy định của pháp luật", ông Sơn trần tình.
Video: Ông Đinh La Thăng thoải mái trò chuyện với các bị cáo trong giờ nghỉ giữa phiên tòa
Bình luận