Sáng 24/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 6 đồng phạm trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng vốn của đơn vị này tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank (OJB).
Tại tòa, kiểm sát viên cho biết đã nghe ý kiến bào chữa, bảo vệ của các bị cáo và luật sư đồng thời trình bày quan điểm đối đáp của mình.
Sáng nay, tại phiên tòa, trong phần đối đáp với VKS, ông Đinh La Thăng khẳng định đã chỉ đạo và có Nghị quyết của Hội đồng thành viên PVN vào tháng 3/2011 và đã nộp lại tài liệu này cho đại diện Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra.
"Tuy nhiên Cơ quan điều tra và đại diện Viện Kiểm sát chỉ lấy những thông tin không có lợi cho bị cáo để đưa vào cáo trạng. Còn tài liệu chứng minh bị cáo vô tội, những tài liệu thể hiện thực tế khách quan việc bị cáo chỉ đạo thoái vốn thì lại không đề cập, đó là sự bất công cho bị cáo. Bị cáo xin phép để nói ra điều này”, bị cáo Thăng tỏ ra gay gắt nhưng sau đó ông cũng nói lời xin lỗi đại diện Viện Kiểm sát.
Bước lên bục nêu ý kiến đối đáp, bị cáo Đinh La Thăng cho hay, việc thay đổi quan điểm luận tội của VKS không đơn giản và ông tôn trọng quan điểm đối đáp của VKS.
Ông Thăng bày tỏ, sau lưng bị cáo là bản án sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù (vụ liên quan đến triển khai Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, xử tháng 1/2018, ông Đinh La Thăng có đơn kháng cáo), phía trước là phải đối diện mức án như Viện Kiểm sát đề nghị từ 18 -19 năm tù, đó là hình phạt rất nặng, chạm trần của khung hình phạt (điều luật có mức án cao nhất 20 năm tù).
Theo bị cáo Thăng việc để Viện Kiểm sát thay đổi là rất khó khăn.
“Tuy nhiên bị cáo cố gắng trình bày không chỉ riêng cho bị cáo mà còn cho các bị cáo khác đang bị truy tố.
Bị cáo rất mong Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm tra xem xét, đánh giá một cách khách quan và thực tế tại thời điểm lịch sử đó, để có phương hướng xử lý công minh, khách quan, công bằng. Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người.
Mong các luật sư bào chữa cho bị cáo và bào chữa cho các bị cáo khác, bằng kiến thức nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, tận tâm theo đúng tinh thần pháp luật để trình bày đúng với sự thật khách quan”, bị cáo Thăng nói.
Ông Đinh La Thăng khẳng định, năm 2017, ông chỉ nhờ các thành viên HĐTV xác nhận chủ trương xử lý hệ lụy hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm con người của ban trù bị ngân hàng Hồng Việt bằng cách đầu tư vào OJB. Việc này rất khó khăn nhưng đúng chủ trương của Chính phủ và phải trải qua nhiều lần đàm phán nên HĐTV của PVN có biết.
Ông Đinh La Thăng khẳng định lại, các nguyên thành viên HĐQT của PVN ký xác nhận biết chủ trương góp vốn vào Oceanbank được thực hiện từ tháng 3/2017 và hoàn toàn tự nguyện. Ông Thăng cũng không gặp trực tiếp những người này.
“Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói về việc này thì bị cáo có đề nghị các anh chị xác nhận lại cho việc này. Tại phiên tòa hôm qua, chị Hòa (Phan Thị Hòa – nguyên thành viên HĐQT PVN) cũng lên xác nhận chủ trương dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, phải xử lý hệ lụy của NH này, phải góp vốn vào một NH là có và hoàn toàn không bịa đặt gì cả.
Sau khi bị cáo ký với tư cách Chủ tịch HĐTV và thỏa thuận này không nhất thiết phải tất cả HĐTV phải ký, biết thỏa thuận này mà trong các văn bản quy phạm PL, quy chế hoạt động… không có nội dung nào quy định biên bản thỏa thuận là phải được sự đồng ý của HĐQT, HĐTV.
Trong phiên họp sau đó, bị cáo đã báo cáo HĐQT về việc ký thỏa thuận với anh Thắm và nếu HĐQT thông qua mới thực hiện còn không thì không thực hiện. Sự thật là như vậy chứ không phải bị cáo quanh co, chối tội.
VKS được quyền đưa ra quan điểm nhưng bị cáo phải được quyền đưa ra sự thật, căn cứ thực tế chứ không thể nói giấu tội”, bị cáo Thăng nêu.
Bị cáo Thăng nói thêm, đại diện Viện Kiểm sát nêu lại lời khai của ông tại tòa về việc Hội đồng quản trị ký Nghị quyết, nếu mọi người không đồng ý thì dừng lại.
“Việc đó, đại diện Viện Kiểm sát lại nói bị cáo là độc đoán, chuyên quyền, việc làm như thế là dân chủ, chỉ cần 2/3 thông qua đã là đúng rồi, nhưng đây được tất cả đều nhất trí và không nhất trí thì dừng lại thì đó là sự dân chủ chứ sao cho là độc đoán, chuyên quyền. Đây cũng là cách làm của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của PVN, chỉ có thống nhất 100% mới đồng ý. Trong tất cả quá trình bị cáo làm việc tại PVN và các cơ quan đơn vị khác chưa có ai nói bị cáo là độc đoán, chuyên quyền”, ông Đinh La Thăng khẳng định.
Bị cáo Thăng nói thêm, việc PVN muốn thoái vốn khỏi Oceanbank phải được phép của Thủ tướng và phải làm có lộ trình.
Video: Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 18-19 năm tù
Tháng 3/2011, bị cáo đã chỉ đạo và có Nghị quyết của Hội đồng thành viên PVN. Bị cáo đã nộp lại tài liệu này cho đại diện Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra, nhưng Cơ quan điều tra và đại diện Viện Kiểm sát chỉ lấy những thông tin không có lợi cho bị cáo để đưa vào cáo trạng. Còn tài liệu chứng minh bị cáo vô tội, những tài liệu thể hiện thực tế khách quan việc bị cáo chỉ đạo thoái vốn thì lại không đề cập, đó là sự bất công cho bị cáo. Bị cáo xin phép để nói ra điều này”, bị cáo Thăng tỏ ra gay gắt nhưng sau đó ông cũng nói lời xin lỗi đại diện Viện Kiểm sát.
Lý giải về việc bị quy là cố ý làm trái, bị cáo Đinh La Thăng cũng cho rằng, không ai biết sai mà đi làm, nhất là những người từng là cán bộ như bị cáo và cả những bị cáo đang hầu tòa. “Cả quá trình phấn đấu mới được Đảng và Nhà nước cho giữ những cương vị công tác quan trọng của PVN”, ông Thăng nói thêm.
Ông Thăng cũng cho rằng, đại diện VKS nêu bị cáo đưa ý tưởng đầu tiên, chỉ đạo đi đàm phán với các đối tác nên dẫn đến các sự việc tiếp theo. Nhưng nếu bị cáo không chỉ đạo thì cũng phải có một người khác đi đàm phán chứ?
Ông Thăng khẳng định, việc xử lý các hệ luỵ của Ngân hàng Hồng Việt là có thật, hàng trăm tỷ đồng bỏ ra rồi, hàng trăm con người ngồi đấy, đàm phán không dễ dàng gì, đàm phán rất nhiều lần với các đối tác khác. Rất mừng vì tìm được đối tác Oceanbank, là cơ hội để PVN giải quyết hệ luỵ. Nếu Chủ tịch PVN không chỉ đạo đi tìm đối tác, giải quyết hệ luỵ đó thì ai là người chỉ đạo?
"Mấu chốt là đã đàm phán với các đối tác khác nhưng họ không chấp nhận điều kiện của PVN. Còn nếu quy kết bị cáo chỉ đạo việc này thì không hợp lý. Nếu bị cáo không chỉ đạo thì vứt đi hàng trăm tỷ đồng đã đầu tư và hàng trăm con người chuẩn bị cho Ngân hàng Hồng Việt.
Nếu bỏ đi mấy trăm tỷ thế thì bị cáo đã không có tội. Giờ đề xuất phương án giải quyết mấy trăm tỉ đó thì lại có tội.
Bị cáo uỷ quyền điều hành hoạt động của toàn bộ HĐQT trong thời gian Chủ tịch đi vắng, người uỷ quyền được quyền chỉ đạo điều hành chung và ký các Nghị quyết. Cái này ông Thắng ký Nghị quyết là hoàn toàn đúng. Nhưng bị cáo nói rõ là bị cáo không biết Nghị quyết góp vốn lần 3, không tham gia biểu quyết, do đó, bị cáo không thể uỷ quyền cụ thể cho anh Thắng ký Nghị quyết này được"- ông Thăng gay gắt.
Về vấn đề đồng phạm, tất cả thành viên HĐTV theo nguyên tắc làm việc tập thể, biểu quyết có giá trị ngang nhau đều nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của PVN, khi thực hiện thì không bao giờ cố tình làm sai nên không thể gọi là đồng phạm.
Đây là những cá nhân làm việc tích cực, đóng góp cả cuộc đời, tâm huyết cho công việc, cùng bị cáo thực hiện nhiệm vụ Đảng và NN giao, kinh doanh có lãi.
Kết luận 41 của Bộ chính trị nêu rõ, chiến lược của PVN từ 2006 đến 2015, tầm nhìn đến 2025 là xây dựng phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước.
Thực tế, PVN đã trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, là Tập đoàn kinh tế lớn nhất, có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước , là công cụ điều tiết kinh tế quan trọng của CP...
Nếu không có sự nỗ lực cố gắng của cả tập thể đó thì làm sao có kết quả như vậy, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp như vậy mà vẫn tăng trưởng kinh tế.
Các bị cáo ở đây cả cuộc đời cống hiến cho ngành dầu khí, mong HĐXX và VKS xem xét. Bị cáo rất day dứt về việc các thành viên HĐQT bị quy kết đồng phạm trong tội cố ý làm trái.
Bình luận