• Zalo

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ dựa vào đâu để đưa Trung Nguyên thành Tập đoàn số 1?

Kinh tếThứ Năm, 21/06/2018 16:41:00 +07:00Google News

Nhìn vào những gì đang xảy ra với Trung Nguyên trong thời gian gần đây, liệu ai còn dám tin vào việc Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ đưa Trung Nguyên trở về vị trí số 1?

Trong ngày trở lại đầy bất ngờ khi Tập đoàn Trung Nguyên ra mắt sản phẩm mới, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có bài phát biểu truyền lửa cho mọi người, và khẳng định sự trở lại của ông sẽ đem Trung Nguyên phát triển lên một tầm cao mới. 

Qua bài phát biểu, ông Vũ kêu gọi mọi người cần phải tạo ra những sản phẩm khác biệt, hướng đi khác biệt, đưa ra những sách lược hướng Trung Nguyên ngày càng đi xa, trở thành Tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Vũ dựa vào cơ sở gì để có thể tạo nên được điều đó?

vnf-dang-le-nguyen-vu

Đặng Lê Nguyên Vũ trong ngày "trở lại".

Vợ chồng tranh chấp, doanh nghiệp làm ăn ''bết bát''

Theo số liệu của VIRAC, doanh thu giai đoạn 2014-2016 (thời gian xảy ra tranh chấp giữa 2 vợ chồng) của Trung Nguyên không tăng trưởng, dậm chân tại chỗ trong khoảng 3.800 - 3.900 tỷ đồng.

Vụ lùm xùm bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên. Tháng 11/2015, bà Thảo khởi kiện quyết định trên lên Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương, bắt đầu cuộc kiện tụng kéo dài 3 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Một trong những vụ tranh chấp đáng chú ý giữa vợ chồng ''vua cà phê'' đó là tranh chấp quyền kiểm soát Cà phê hòa tan Trung Nguyên - đơn vị phụ trách sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan G7, vận hành nhà máy tại Bình Dương kéo dài từ cuối 2015. 

G7 của Trung Nguyên dù ra đời sau nhưng đã tạo được một dấu ấn đặc biệt trên thị trường cà phê hòa tan nội địa. Tuy nhiên, G7 không giữ vị trí độc tôn của mình được lâu. 

Theo một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam năm 2014, Vinacafe chiếm 41% thị phần, thứ hai là Nestlé (26,3%), thứ ba là Trung Nguyên (16%) và thứ tư là Trần Quang (15,3%). Theo con số thống kê mới nhất từ Euromonitor năm 2015, thị phần của G7 là 4,7%, kém xa so với thị phần của Nestle và Vinacafe Biên Hòa, lần lượt là 38% và 37%. 

Một doanh nghiệp khác là Cà phê Trung Nguyên cũng lâm vào tình trạng tương tự khi doanh thu giai đoạn này chỉ đạt 46 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước đó.

Vợ bị truất quyền điều hành, chồng ẩn cư

Sẽ rất khó để tin rằng, Trung Nguyên vẫn đứng vững trước sóng gió khi mà vợ chồng "vua cà phê" - nắm giữ trong tay 93% cổ phần của Tập đoàn lại đang không thực sự nắm quyền điều hành và kinh doanh Tập đoàn.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, từ năm 2014, bà không được tham gia vào các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời cũng không được thông báo về tình hình lãi - lỗ của doanh nghiệp. Cách đây 1 tháng, bà Thảo viết trên trang cá nhân của mình, tố cáo 4 người đứng đằng sau thao túng Tập đoàn dưới danh nghĩa chồng bà là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, liên tục thực hiện các hành vi chống phá và coi thường pháp luật.

Trước lời tố cáo của vợ mình, ông Vũ vẫn hoàn toàn "im hơi bặt tiếng". Điều này khiến cho nhiều người thực sự tin rằng, có một thế lực đằng sau đang thao túng Trung Nguyên và điều khiển mọi hoạt động của "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ.

Video: Vinamilk tiếp tục đứng đầu danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 

Thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lối đi nào cho Trung Nguyên?

Trung Nguyên từng là một thương hiệu nổi tiếng. Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu start up khát khao thành công và đạt được dấu ấn mạnh mẽ như Trung Nguyên. Thứ mọi người uống không chỉ là cà phê, mà là bản sắc dân tộc, là thương hiệu Việt bao năm xây dựng và gìn giữ.

Nhưng đến nay, thương hiệu ấy đang ngày một sứt mẻ, đổ vỡ, và nguyên nhân chính đến từ những lục đục nội bộ trong công ty, những cuộc tranh chấp không khoan nhượng từ cặp vợ chồng từng được mệnh danh là đẹp nhất trong làng doanh nhân Việt Nam.

Đặng Lê Nguyên Vũ muốn mọi người đồng lòng, đi cùng nhau, chia sẻ với nhau, tạo ra những sản phẩm khác biệt, đưa Trung Nguyên vươn xa và trở thành Tập đoàn số 1, nhưng chính ông đã để lại một Trung Nguyên đầy hỗn độn, đột nhiên "biến mất" trong lúc mọi người cần một lời giải thích rõ ràng từ ông nhất để biết rằng Trung Nguyên vẫn còn tồn tại và phát triển. Rõ ràng, việc có niềm tin rằng Trung Nguyên sẽ càng vươn xa trong bối cảnh hiện tại là điều ít ai có thể làm được.

Mai Tâm
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn