Bộ Tư pháp Mỹ hôm 23/5 công bố 17 tội danh mới đối với người sáng lập Wikileaks Julian Assange, gồm một tội âm mưu nhận thông tin quốc phòng, ba tội lấy thông tin quốc phòng và 13 tội tiết lộ thông tin quốc phòng. Ông chủ Wikileaks hiện đối mặt 18 tội danh tại Mỹ.
Cáo trạng cho biết Assange đã chỉ đạo và tiếp tay chuyên gia phân tích tình báo Chelsea Manning đánh cắp hàng trăm nghìn tài liệu "với lý do được tin rằng thông tin được sử dụng sẽ gây tổn hại cho Mỹ và tạo lợi thế cho một quốc gia bên ngoài".
Assange cũng bỏ qua cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2010 để công bố tên các nguồn tin bí mật của bộ và của quân đội Mỹ ở Afghanistan, Syria, Iraq, Iran và Trung Quốc. Những nguồn tin này bao gồm nhà báo, lãnh đạo tôn giáo, nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
"Hành động của Assange có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ để mang lại lợi ích cho những kẻ thù của chúng ta và đặt nguồn nhân lực ẩn danh vào nguy cơ nghiêm trọng và cận kề về tổn hại thể chất hoặc bị bắt giam tùy tiện", thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay.
Bộ cũng bác bỏ tuyên bố của Assange rằng ông là một nhà báo. "Bộ xem trọng vai trò của các nhà báo trong nền dân chủ chúng ta, nhưng Julian Assange không phải nhà báo", thông báo cho biết thêm. Các nhà báo ở Mỹ được đảm bảo quyền tự do hoạt động theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp.
Nếu bị kết án, Assange phải đối mặt với hình phạt tối đa là 10 năm tù cho mỗi tội danh mới.
Wikileaks gọi các cáo buộc mới là "sự điên rồ", "sự chấm dứt của báo chí an ninh quốc gia và Tu chính án thứ nhất". Các nhóm tự do báo chí tuyên bố cáo buộc là đòn tấn công vào Tu chính án thứ nhất và có thể tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nhà xuất bản và nhà báo.
Assange, công dân Australia 47 tuổi, sáng lập Wikileaks, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên công bố các thông tin mật vào năm 2006. WikiLeaks năm 2010 gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.
Washington tháng trước cáo buộc Assange xâm nhập máy tính của chính phủ và có thể phải ngồi tù 5 năm nếu bị tòa án phán quyết có tội. Tuy nhiên, Assange và những người ủng hộ nói rằng ông có thể phải đối mặt với án tử hình vì lo ngại Mỹ đang chuẩn bị những cáo buộc nghiêm trọng hơn liên quan đến đạo luật gián điệp.
Assange bị cảnh sát Anh bắt hôm 11/4 sau khi Ecuador hủy cơ chế tị nạn chính trị cho ông. Ông tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử cáo buộc cưỡng hiếp.
Thụy Điển hôm 20/5 đệ trình yêu cầu bắt Assange sau hai năm đình chỉ điều tra. Nếu yêu cầu này được thông qua, đây sẽ là bước đầu tiên của Thụy Điển trong quy trình dẫn độ Assange từ Anh, nơi ông đang thụ án tù 50 tuần vì vi phạm quy định tại ngoại.
Bình luận