Mặc dù chủ đề này đã được thảo luận trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc vào tuần trước, tuy nhiên, ông Blinken một lần nữa nhấn mạnh việc kìm hãm nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới là đi ngược lại lợi ích của Mỹ.
Nhận xét của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra trong bài phát biểu có phạm vi rộng về chính sách đối ngoại Mỹ giữa bối cảnh Washington xem xét một đợt hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn của Mỹ. Trước đó, vào tháng 10/2022, Mỹ đã cấm xuất khẩu một số công nghệ chip tiên tiến nhất sang Trung Quốc.
Ông Blinken mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc là “có mục tiêu”. Ông cho rằng việc cho phép Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ quan trọng sẽ không có lợi cho Mỹ.
“Chúng tôi muốn thấy một Trung Quốc thực sự thành công về kinh tế – việc này mang lại lợi ích cho chúng tôi, tuy nhiên sự thành công này cũng phải có tính đồng đều. Xin hỏi các đối tác của chúng tôi rằng lợi ích của Mỹ sẽ thế nào nếu cho phép Trung Quốc có được công nghệ mà họ có thể sử dụng để chống lại chúng tôi?”, Ngoại trưởng Blinken đặt câu hỏi trước hội nghị.
Để dẫn chứng, ông Blinken trích dẫn việc Trung Quốc xây dựng một chương trình vũ khí hạt nhân “mờ ám” và mở rộng với tốc độ rất nhanh, phát triển tên lửa siêu thanh và trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều khả năng để “sử dụng cho các mục đích đàn áp”.
Ngoại trưởng Blinken mô tả sự cạnh tranh với Trung Quốc là “căng thẳng”, “dài hạn” và “không có vạch đích rõ ràng”, bởi vậy chuyến đi Bắc Kinh của ông là để “bắt đầu xây dựng lại các tuyến liên lạc bền vững” vì mục đích chung sống hòa bình.
Nói về kết quả của chuyến thăm, ông Blinken bày tỏ sự lạc quan: “Bạn sẽ thấy sự tham gia tích cực hơn của hai nước theo cả hai hướng. Các quan chức cấp cao Trung Quốc sẽ đến đây và ngược lại, quan chức cấp cao Mỹ cũng sẽ có nhiều chuyến thăm tới Trung Quốc”.
Cũng trong buổi hội thảo, nói về vấn đề Đài Loan, ông Blinken nhắc lại rằng quan điểm của Mỹ về chính sách một Trung Quốc “không thay đổi và sẽ không thay đổi”, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành động “đi ngược lại việc duy trì hiện trạng”.
“Chúng tôi đã thấy một số hoạt động quân sự mà Trung Quốc triển khai như tổ chức tập trận hay thử nghiệm tên lửa,… Đây là những động thái có tính ép buộc kinh tế và nỗ lực đẩy Đài Loan ra khỏi hệ thống quốc tế”, Ngoại trưởng Blinken nói.
Daniel Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương hôm 28/6, nói rằng chuyến thăm của ông Blinken sẽ dẫn đến nhiều cuộc đối thoại cấp cao hơn, song cảnh báo rằng các cuộc trao đổi quân sự có thể chưa được nối lại trong tương lai gần.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng “phác họa” hai quan điểm khác nhau về thế giới, nhưng Washington đang nắm giữ “thế mạnh” nhờ các mối liên kết bền vững mà Mỹ đã xây dựng với các đối tác chủ chốt ở châu Âu và châu Á.
Nói về việc khám phá các lĩnh vực hợp tác trong bối cảnh cạnh tranh, ông Blinken nói rằng hai quốc gia đang hướng tới “sự hợp tác thiết thực hơn” để đối phó với cuộc khủng hoảng về ma tuý Fentanyl ở Mỹ.
Về cuộc xung đột ở Ukraine, Ngoại trưởng Blinken cho biết Trung Quốc có thể đóng một “vai trò mang tính xây dựng” vì nước này có “một mức độ ảnh hưởng nhất định” đối với Nga. Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải đảm bảo rằng Trung Quốc không thực hiện những hành động “đổ thêm dầu vào lửa”.
Bình luận