Mặc dù đã sơ tuyển ở cơ sở nhưng đến vòng sơ khảo số lượng bài tham dự cuộc thi Búa liềm vàng 2017, thể loại phát thanh, chỉ giấy A4, không có tờ bìa, vẫn một chồng, cao chằn chặn 40 phân.
Số lượng bài dự thi lớn như vậy nhưng khi ghép điểm ở vòng 1 sơ khảo, tất cả 9 giám khảo đều thống nhất cho “Ông Bí thư thời @” số điểm dẫn đầu.
Sau đó lại thảo luận và chấm các vòng tiếp theo. Ở những vòng sau đó, bài này đều vươn lên vị trí dẫn đầu rồi vào vòng chung khảo ở vị trí số 1.
Tại Hội đồng chấm chung khảo, tác phẩm này tiếp tục được xem xét và thẩm định. Không ngoài dự đoán của nhóm giám khảo chấm vòng sơ khảo, “Ông bí thư thời @” đã đoạt giải A cho phát thanh (không có giải đặc biệt) của cuộc thi Búa liềm vàng 2017.
“Ông bí thư thời @” là tác phẩm trong chương trình Mỗi tuần một nhân vật của Ban Văn hóa Xã hội (VOV2) Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cái tên cho chúng ta biết đó là chương trình nói về một con người nào đó. Tuy nhiên, trong số cả trăm tác phẩm dự thi Búa liềm vàng lọt vào sơ khảo năm nay thì ngót nghét một phần ba viết về chân dung đảng viên gương mẫu, sáng tạo, vừa hồng vừa chuyên… Vậy thì điều gì khiến cho “Ông bí thư thời @” vượt lên tất cả để giành giải A?
Chân dung là thể loại khó! Chân dung bằng phát thanh càng khó hơn! Nếu như chân dung văn học đôi khi cho phép tác giả hư cấu chi tiết ở một mức độ nào đó miễn sao đúng với tính cách nhân vật, thì với chân dung phát thanh, đặc biệt khi nhân vật là lãnh đạo, nắm trọng trách, thì không thể tùy tiện “bịa” ra được.
Đó là lý do khiến cho người đi “vẽ” chân dung bằng lời phải lặn lội nhiều hơn để tìm chi tiết. Chi tiết chính là biểu tượng cho hành động và bản chất nhân vật. Chi tiết có vẻ đẹp và sức quyến rũ riêng, nó đem lại sức thuyết phục.
Ông bí thư trong “Ông bí thư thời @” không thể cứ nói trước micro rằng tôi tốt lắm, tôi giỏi lắm, tôi được mọi người kính trọng. Bản thân tác giả cũng phải ẩn đi chứ không nên đứng ra tụng ca nhân vật của mình.
Nếu chỉ làm như thế thì tác phẩm không có sức thuyết phục. Nó thuần túy chỉ là bản giới thiệu tiểu sử của một người, không thể là tác phẩm phát thanh.
Chi tiết điển hình được lọc lựa kỹ lưỡng trong “Ông bí thư thời @” phải là chi tiết thật, nó được chính những con người bằng xương bằng thịt xung quanh ông bí thư nói ra.
Một điểm lưu ý là những con người đó không hề có quan hệ và có chung quyền lợi gì với ông bí thư. Họ chỉ là người dân bình thường, sống ở địa phương ông bí thư công tác.
Một tác phẩm phát thanh luôn gắn liền với âm thanh, tiếng động. Người ta có thể làm giả tiếng gió thổi, mưa rơi; hổ gầm vượn hú… nhưng ý kiến của các nhân vật tham gia mà giả thì khó qua được tai dân làm nghề.
Chân thực có màu sắc riêng! Đấy là cảm xúc trong từng câu nói, từng giọng nói và cả cách nói nữa! Trong tác phẩm này, ý kiến người dân nhận định về ông bí thư không chỉ chân xác về mặt địa chỉ mà còn ngồn ngộn cảm xúc! Đây chính là một trong những điểm cộng của “Ông bí thư thời @”.
Không chỉ ở cuộc thi Búa liềm vàng mà với bất kỳ cuộc thi phát thanh nào trên thế giới, khi giám khảo bật máy lên, trong vòng một phút đổ lại mà không có gì hấp dẫn thì bài thi đó sẽ được đặt sang bên cạnh, coi như OUT, và họ sẽ nghe tác phẩm khác.
Đấy không phải sự khắc nghiệt, hay tắc trách của giám khảo mà nó đúng với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống trong bối cảnh cạnh tranh. Bạn không níu kéo được thính giả ngay ở những giây đầu thì coi như thất bại vì thính giả có nhiều sự lựa chọn. Bạn không phải duy nhất!
“Ông bí thư thời @” chọn cách bắt đầu câu chuyện ít truyền thống hơn, phá cách và đột biến hơn, đấy là đưa ra những voxpop ngắn ý kiến của người dân về nhân vật sắp được nói đến trong bài. Nó tạo sự bất ngờ và gây sự chú ý của người nghe.
Tác giả cũng chộp được một đề tài khá ”đắt” và hợp thời. Hình ảnh người đảng viên xắn quần lội ruộng, ba- bốn - năm cùng với nhân dân quen thuộc rồi. Thời kỳ cách mạng 4.0 đảng viên phải khác. Họ có thể không cần xông xáo xuất hiện chỗ này một tí chỗ kia một tẹo nhưng công việc vẫn hiệu quả và được lòng dân. Ông bí thư trong tác phẩm là người như thế.
Trong bối cảnh ở đâu đó người ta bảo Nhà nước Việt Nam hạn chế và kiểm soát mạng xã hội thì đây, “Ông bí thư thời @” có luôn câu trả lời: Nhân vật chính trong tác phẩm: Bí thư kiêm chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, ông Trần Hữu Hậu được quốc tế trao giải thưởng Lãnh đạo công nghệ thông tin tiêu biểu Đông Nam Á (gọi tắt là CIO/CSO). Đây là chi tiết đắt vì nó có tính thuyết phục cao.
Với 30 phút của tác phẩm kể về một con người, nhất là trên phát thanh, nếu không có sự thể hiện sinh động thì khó tránh khỏi sự nhàm chán.
Sự sống động ấy được làm nên bởi sự chân thực, dí dỏm, rất đời trong các ý kiến; được tác giả dụng công “chuyển cảnh”, “đổi món” liên tục nên 30 phút trôi qua thật nhanh.
Ông bí thư các bạn đã biết còn tác giả của tác phẩm đoạt giải A này là chị Nguyễn Việt Anh cùng tập thể phóng viên, kỹ thuật viên Ban Văn hóa xã hội (VOV2), Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Bình luận