Tuần trước, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nông nghiệp bang Washington (WSDA) bắt được 1 con ong bắp cày châu Á còn sống.
Họ sử dụng chỉ nha khoa để gắn thiết bị theo dõi vào con ong trước khi thả về tự nhiên để lần ra các đồng loại của nó.
Nhưng sau một thời gian, con ong bay vào khu vực có nhiều cây cối rậm rạp, trốn thoát thành công.
Dù vậy, nhà côn trùng học Sven Spichiger tới từ WSDA cho biết không phải đã hết hoàn toàn hy vọng.
"Chúng tôi đã có định hướng ban đầu về đường bay của con ong. Một vài người nhìn thấy con ong bắp cày vào đầu tuần trước hoặc hồi đầu mùa hè. Vì vậy, chúng tôi đang bắt đầu thu hẹp nơi làm tổ của lũ ong bắp cày", ông này cho hay.
Đây không phải lần đầu tiên WSDA theo dõi 1 con bắp cày khổng lồ. Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của WSDA gắn chip theo dõi vào con ong nhưng thiết bị bị rơi mất.
Theo ông Spichiger, có ít nhất 2 tổ ong bắp cày ở Quận Whatcom, Washington và thậm chí còn có một tổ thứ 3.
Nếu lần ra được tổ ong, nhóm nghiên cứu sẽ hút hết những con trong tổ và dùng khí carbon dioxide để loại bỏ bất cứ con nào còn sót lại.
Ong bắp cày hay còn được biết đến với tên gọi "ong sát thủ' có khả năng quét sạch các đàn ong thông thường trong vài giờ, đoạt mạng một con ong trong 14 giây.
Phần vòi chứa chất độc thần kinh của chúng đủ dài và khỏe để đâm thủng các bộ đồ bảo hộ chống ong đốt. Theo các nghiên cứu, nọc độc của loài ong này có thể dị ứng nghiêm trọng và suy đa tạng, dẫn tới thiệt mạng.
Tại Nhật Bản, lũ ong bắp cày đoạt mạng của 50 người mỗi năm.
Bình luận