Một từ đã trở nên phổ biến trong các văn bản chiến lược ngày nay là “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Nhưng khoảng hai thập kỷ trước, từ này chưa bao giờ xuất hiện trong các sách trắng quốc phòng hoặc văn bản thông tin của các cuộc gặp thượng đỉnh.
Những mối liên hệ địa chính trị, địa kinh tế và quân sự giữa hai đại dương lớn, cũng như các nước ở khu vực, được phổ biến nhờ đóng góp lớn của ông Abe Shinzo. Nhà nghiên cứu Mihir Sharma, chủ mục Bloomberg Opinion, thành viên cấp cao tại quỹ nghiên cứu "Người quan sát" ở New Delhi, Ấn Độ đã có bài bình luận về vấn đề này.
Theo nhà nghiên cứu Mihir Sharma, ông Abe gần như đã “phát minh” ra khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong một bài phát biểu đáng chú ý trước quốc hội Ấn Độ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã kêu gọi hai nước Nhật Bản và Ấn Độ cùng tạo ra một “châu Á lớn hơn” với “sự hòa hợp của hai đại dương” – một châu Á sẽ kết nối cả những nền dân chủ hàng hải khác như Australia, Indonesia và Mỹ.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ là một cụm từ để thu hút sự chú ý. Nó đã mang đến những kỳ vọng. Những từ ngữ và chính sách liên quan của ông Abe đã góp phần tạo nên một cấu trúc an ninh và kinh tế có thể duy trì thương mại và những ý tưởng tự do ở châu Á, Thái Bình Dương và hơn thế nữa. "Chỉ với riêng điều này, ông Abe, dù có thể gây tranh cãi, xứng đáng được nhớ đến như nhà lãnh đạo dân chủ quan trọng nhất thế kỉ 21 cho đến nay", Sharma nói.
Chuyên gia nhận định, Ấn Độ, từng định hướng chính sách an ninh quanh lục địa Á - Âu, sau đó đã bắt đầu nghĩ về mình như một quốc gia hàng hải nhờ ông Abe và các hoạt động thúc đẩy liên minh trên biển không mệt mỏi của ông. Nếu các nước Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương không muốn sống trong một thế giới đơn cực – với sự trỗi dậy của các nước như Trung Quốc – thì những thay đổi của Abe – bao gồm nhóm Đối thoại an ninh tứ giác (QUAD) đã đưa 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia lại với nhau – có thể là hy vọng của họ.
Mặc dù vậy, tiếng tăm của ông Abe ở châu Á bị chia làm hai khía cạnh gần như không thể dung hòa. Ở nhiều quốc gia nơi Nhật Bản từng chiếm đóng và có những hành động tàn bạo trong thời chiến - nhiệm vụ tái phi hạt nhân hóa Nhật Bản của ông Abe không thực sự được hoan nghênh.
Bên cạnh đó, trong nước, những người theo chủ nghĩa tự do phản đối ông có thể cho rằng những thay đổi khiến Nhật Bản vượt ra khỏi danh tính của mình thời hậu chiến là rất nguy hiểm. Ông Abe đôi khi ám chỉ rằng các giá trị - bao gồm chủ nghĩa hòa bình - trong hiến pháp của Nhật Bản đã được những người Mỹ chiến thắng "áp đặt" lên nước này.
Tuy nhiên, ở các khu vực khác của châu Á, ông trước hết được coi là một nhà dân chủ: người đặt nền tảng cho chính sách đối ngoại hướng đến hoạt động xã hội, nhằm tìm kiếm mục đích chung thiết yếu cho các nền dân chủ trên thế giới. "Khi viết về sự cần thiết của một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vào nhiều tuyên bố chung và chiến lược chung, Abe có thể muốn nói đó là một tuyên bố về việc bảo vệ thương mại tự do trên các tuyến vận tải biển đông đúc và phức tạp. Nhưng ông cũng muốn nó được xem như một biện pháp bảo vệ các quyền cơ bản, phổ biến trong thời đại chủ nghĩa chuyên chế đang gia tăng, và đó cũng là cách mà hầu hết các đối tác của ông nhìn nhận", theo Sharma.
Chắc chắn, những người viết các báo cáo về quan điểm và chính sách liên quan đến các liên minh và quan hệ đối tác mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - muốn một Nhật Bản hướng ngoại, một nước đảm nhận nhiều trách nhiệm an ninh hơn. Đó là Nhật Bản mà Abe Shinzo đã hứa.
Tuy nhiên, thế hệ của ông Abe chưa thể trả lời những nghi ngại của thế giới đối với lịch sử mà nước Nhật đã từng trải qua.
Theo cách nói của nhà bình luận David Frum, giờ đây ông Abe dễ được nhớ đến hơn như “một trong những nhà quốc tế vĩ đại trong thời đại của mình, kiến trúc sư hàng đầu về an ninh tập thể ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Riêng ở Ấn Độ, chắc chắn, việc ông Abe có phải là một người bạn hay không đã được khẳng định: Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ tổ chức một ngày quốc tang chính thức cho ông Abe, một vinh dự mà rất ít nhà lãnh đạo nước ngoài nhận được.
Chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa quốc tế? Quân phiệt hay dân chủ? Cuối cùng, cố Thủ tướng Abe sẽ được nhìn nhận như thế nào sẽ phụ thuộc vào các hành động của Nhật Bản mà ông đã định hình, trong những thập kỷ tới, chuyên gia cho biết. Trong một bài báo viết vào đúng ngày ông nhậm chức lần thứ hai - năm 2012, Abe Shinzo cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là “mở rộng tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản”. Ông đã làm vậy. Nhưng ông cũng nhấn mạnh “chính sách ngoại giao của Nhật Bản phải luôn bắt nguồn từ dân chủ, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền”.
Một Nhật Bản tự hào đóng vai trò là nền tảng cho một kiến trúc kinh tế và chính trị dân chủ, cởi mở và bao trùm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể cho thế giới câu trả lời về việc nên nhớ đến gương mặt nào trong hai gương mặt của Abe.
Bình luận