Nhiều đất “vàng” nhưng CPH thì teo tóp
Việc Tổng Cty Vận tải thủy (Vivaso) sở hữu 65% cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam, nơi nắm giữ nhiều lô đất “vàng” tại Hà Nội và TP.HCM ước tính giá trị thị trường lên tới hàng nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận vừa qua, là chiêu thức lâu nay được nhiều đại gia áp dụng thâu tóm đất “vàng” khi CPH.
Cty CP Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport), DN duy nhất của ngành thể thao sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ thể thao được Bộ VH-TT&DL phê duyệt phương án CPH năm 2007. Sở hữu nhiều khu đất “vàng” giữa Hà Nội như: số 4 Hàng Cháo; 18 Lý Văn Phức; 181 Nguyễn Huy Tưởng; khu đất Cầu Diễn…, thế nhưng khi CPH vốn điều lệ của DN này vỏn vẹn chỉ 12,5 tỷ đồng.
Trong khi giá trị lợi thế đất đai của DN là 2 khu đất “vàng” tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) rộng trên 16.000 m2 và khu đất 4.500m2 tại Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) không được đưa vào giá trị DN.
Điều đáng nói sau khi CPH, Vinasport đã “bắt tay” với đối tác bên ngoài để chuyển đổi các khu đất “vàng” trên thành những khu chung cư cao tầng thương mại để bán. Vinasport đã “bắt tay” dưới hình thức hợp tác phân chia lợi nhuận với Cty CP đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (INTRACOM) để xây dựng khu chung cư hỗn hợp INTRACOM 2 trên khu đất 4.500m2 tại Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm).
Tiếp đến, năm 2009 “bắt tay” với Cty Megastar để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp chung cư cao tầng tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng (với dự kiến 9 tòa chung cư cao 30 tầng-PV).
Sau khi bị yêu cầu dừng triển khai các dự án tại khu đất ở 181 Nguyễn Huy Tưởng, mới đây lãnh đạo Vinasport đã cho phá toàn bộ khu xưởng sản xuất, khu điều hành và chuyển hết công nhân ra khu công nghiệp Thanh Oai để lấy 16.000 m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng cho đối tác bên ngoài thuê với giá rẻ mạt.
Năm 2015, Vinasport đã cho Cty CP HBI thuê phần nhà xưởng và cơ sở hạ tầng trên diện tích đất 11.650m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng để HBI làm khu nhà mẫu cho dự án Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng) với giá thuê chỉ 1.667 đồng/m2, tức chưa bằng giá của 1 cốc trà đá vỉa hè (khoảng 240 triệu đồng/năm).
Cách khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng không xa, Cty CP Dệt Mùa Đông, tiền thân là Cty Dệt len Mùa Đông (thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội trước đây-PV) có lợi thế khi sở hữu khu đất “vàng” mặt phố 47 Nguyễn Tuân với diện tích 22.600m2.
Không cần chờ đến khi được CPH, năm 2004, Ban giám đốc Cty này đã có văn bản đề nghị thành phố xin chuyển mục đích sử dụng khu đất tại 47 Nguyễn Tuân sang xây dựng khu dịch vụ, nhà chung cư dưới danh nghĩa thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.
Năm 2006, UBND TP Hà Nội có quyết định chuyển đơn vị này từ DN nhà nước sang Cty cổ phần 100% vốn cổ đông. Khi tiến hành CPH, Cty Dệt len Mùa Đông không phải tính trị giá lợi thế đất “vàng” trên vào trị giá DN nên vốn điều lệ của Cty chỉ có 15 tỷ đồng.
“Việc định giá cổ phần 15 tỷ đồng bao gồm máy móc, nhà xưởng trên đất…, chứ không định giá khu đất 47 Nguyễn Tuân, vì đây là đất thuê trả tiền hàng năm cho thành phố”, đại diện Cty lý giải.
Đất “vàng” giá bèo, người lao động bị đánh bật
Điểm chung của những DN này là sản xuất èo ọt, thậm chí thua lỗ nhưng có quỹ đất lớn và đây là mục tiêu chính của các cổ đông chiến lược khi thâu tóm CPH. Trở lại Cty Dệt len Mùa Đông, sau nhiều năm CPH, nhiều lần tăng vốn điều lệ nhưng DN này chỉ đạt được số vốn 35 tỷ đồng, trong khi doanh thu mỗi năm vào khoảng 40 tỷ đồng.
“Hằng năm, riêng tiền thuế thuê đất DN phải trả cho khu đất 47 Nguyễn Tuân là 3,5 tỷ đồng, nhưng từ năm 2011 tiền thuê theo giá mới lên tới 7,8 tỷ đồng. Trong khi hàng hoá sản xuất ra tiêu thụ cũng khó khăn, nên Cty phải di dời nhà máy và liên kết làm dự án BĐS theo hình thức hợp tác phân chia lợi nhuận. Đây là quyền lợi của cổ đông không liên quan gì đến cán bộ công nhân viên”, đại diện Cty này cho biết.
Ngày 25/10/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định việc thu hồi 22.602m2 của Cty giao cho Cty CP Bất động sản Mùa Đông-VID (trong đó Cty CP Dệt Mùa Đông sáng lập-PV), để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán.
Tại đây đã và đang xây dựng toà nhà cao 35 tầng trên khu đất “vàng” 47 Nguyễn Tuân mang tên GoldSeason. Trong khi hàng trăm công nhân, cán bộ nhân viên gắn bó bao năm với DN, người thì phải nghỉ việc, người phải đi làm xa với đồng lương thấp.
Đối với Cty CP Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport), dù đã được CPH 10 năm, nhưng điều đáng nói từ năm 2014 đến nay các cổ đông không nhận một đồng cổ tức nào của DN này nhưng họ vẫn “vui vẻ”.
Video: Giá thuê đất vàng TP.HCM lọt top đắt nhất thế giới
“Khi CPH Nhà nước vẫn chiếm 51,3%, còn các cổ đông khi họ tham gia không phải để trông vào việc chia cổ tức mà tất cả đang nhắm vào các khu đất, đặc biệt khu đất “vàng” rộng hơn 1,6ha của DN tại 181 Nguyễn Huy Tưởng mà thôi”, vị cán bộ Vinasport nói.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, việc xác định giá trị DN tại thời điểm chuyển sang Cty CPH hiện nay đang có nhiều kẽ hở nên nhiều đại gia tìm cách thâu tóm đất “vàng” một cách gọn ghẽ. “Dù các khu đất này dưới hình thức DN sở hữu theo kiểu ký hợp đồng thuê đất hàng năm nhưng khi CPH phải tính giá trị lợi thế đất đai vào trị giá DN.
Hơn nữa, hiện chúng ta vẫn định giá những tài sản vô hình như lợi thế cạnh tranh, những tài sản mang tính sở hữu trí tuệ, sở hữu thông tin kể cả quyền sử dụng đất thuê…không phù hợp với chuẩn mực quốc tế về định giá hay theo thực tế của thị trường. Và đó chính là lý do hàng chục nhà máy, xí nghiệp với những khu đất đắc địa có giá trị lớn sau vài năm CPH đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng, còn các đại gia thì thâu tóm được đất vàng”, ông Võ phân tích.
Bình luận