Bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào đều có thể tự hào khi sở hữu lượng tiền mặt khủng. Nhưng nếu xét ở khía cạnh đầu tư, để quá nhiều tiền trong két hoặc gửi ngân hàng có nghĩa doanh nghiệp đầu tư kém hiệu quả, hoặc không biết, không dám đầu tư.
Có thể kể đến một số đại gia Việt ôm cục tiền trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ gửi ngân hàng mà không đưa lượng tiền khủng đó vào hoạt động sản xuất kinh doanh như Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giả khát Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS),…
Ngàn tỷ gửi ngân hàng
Sabeco là một trong những đại gia Việt “chăm chỉ” ôm cục tiền gửi ngân hàng. Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2016 của công ty mẹ Sabeco, tại thời điểm cuối tháng 6, tiền và các khoản tương đương tiền của Sabeco là 8.357 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tương đương tiền lên tới gần 8.200 tỷ đồng, chiếm 98% tổng tiền.
Theo thuyết minh của Sabeco, các khoản tương đương tiền 8.200 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 - 6,2%/năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2%/năm.
8.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng góp phần không nhỏ vào khoản doanh thu hoạt động tài chính của Sabeco. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này tại Sabeco đạt 679 tỷ đồng. Trong đó có tới 218 tỷ đồng là tiền lãi gửi ngân hàng, cổ tức lợi nhuận được chia chiếm tỷ trọng lớn hơn khi đạt 449 tỷ đồng.
Một ông lớn khác ngành bia là Habeco cũng thường xuyên gửi ngàn tỷ vào ngân hàng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, tại thời điểm cuối tháng 6/2016, tổng tiền của Habeco 2 là 3.184 tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn lên đến 1.481 tỷ đồng, tiền gửi kỳ hạn là 813 tỷ đồng. Chỉ tiêu này hồi đầu năm 2016 là 1.156 tỷ đồng. Vì dành quá nhiều tiền gửi tiết kiệm nên lãi tiền gửi, tiền cho vay tại Habeco lên tới 64,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu tài chính.
Có quy mô vốn thua xa Sabeco và Habeco nhưng Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ Hoàng Huy cũng ôm cả cục tiền suýt ngàn tỷ đi gửi tiết kiệm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét quý 2/2016, tại thời điểm cuối quý, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền tại HHS có 859 tỷ đồng.
Trong đó, HHS mang gần 257 tỷ đồng gửi tiết kiệm không kỳ hạn và 601 tỷ đồng gửi tiết kiệm với các kỳ hạn không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Đây không phải quý đầu tư HHS mang hơn 800 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Đầu tư có vấn đề?
Sabeco ôm cục tiền khủng đi gửi ngân hàng trong bối cảnh công ty đã đầu tư dàn trải trước đó và đã nếm không ít trái đắng. Trái đắng lớn nhất mà ông lớn ngành bia phải gánh chịu chính là đầu tư ngoài ngành: Đầu tư vào ngân hàng.
Hiện tại, Sabeco đang gánh chịu hai khoản đầu tư thua lỗ. Với khoản đầu tư vào ngân hàng Phương Đông, Sabeco phải trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoản đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sabeco còn có một khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng, đó là 20 tỷ đồng mua trái phiếu Vinashin.
Không đầu tư ngoài ngành dàn trải như Sabeco nên Habeco không phải gánh chịu những khoản thua lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, cách đầu tư của ông lớn ngành bia miền Bắc không phải không có vấn đề.
Habeco mang 2.231 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm. Số tiền mà Habeco “để chết” trong ngân hàng nhiều hơn 50% tổng doanh thu của công ty và gấp 7 lần lợi nhuận sau thuế. Điều đó nói, tiền gửi ngân hàng có Habeco gần nhiều bằng 2.318 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu tại Habeco.
Trong khi đó, những bất ổn cũng xảy ra tại HHS. HHS đối mặt với tình trạng doanh thu lợi nhuận giảm sút mạnh. Hai chỉ tiêu này giảm lần lượt từ 2.046 tỷ đồng năm 2015 xuống 950 tỷ đồng và giảm từ 336 tỷ đồng năm 2015 xuống 81,6 tỷ đồng. Có thể thấy, tiền gửi ngân hàng tại HHS gần nhiều bằng tổng doanh thu của công ty trong 6 tháng đầu năm.
Bình luận