• Zalo

Olivier Giroud vs Mario Mandzukic: Những món đồ cổ đắt giá

World Cup 2018Chủ Nhật, 15/07/2018 18:57:00 +07:00Google News

Ngày nay, người ta ít định hướng cầu thủ trẻ đi theo phong cách của Giroud và Mandzukic hay đúng hơn, các CLB đang cố tình không đào tạo giống theo lối chơi của họ.

World Cup 2018 chứng kiến sự áp đảo tuyệt đối của các đại diện châu Âu. Trong thời đại mà bóng đá mang nặng tính chiến thuật, việc các đội bóng nổi tiếng bởi lối chơi kỷ luật và khoa học của lục địa già lấn lướt phần còn lại của thế giới là điều đã được dự đoán.

Thế nhưng, bên cạnh chiến thuật, còn một điều mà bóng đá châu Âu vượt trội so với các châu lục khác. Đó chính là những hệ thống đào tạo trẻ xuất sắc, nơi hàng năm vẫn sản sinh vô số ngôi sao hàng đầu cho làng túc cầu.

ĐT Croatia là ngoại lệ của bóng đá châu Âu. Nhưng còn với ĐT Pháp, nếu họ nâng cao chiếc cúp nữ thần vàng danh giá sau trận chung kết, lý do đầu tiên người ta có thể nhắc tới chính là bởi lứa cầu thủ xuất chúng mà Les Blues đang sở hữu.

Cũng giống như Tây Ban Nha năm 2010 hay Đức năm 2014, ĐT Pháp của năm 2018 đang sở hữu một lứa cầu thủ xuất sắc và đồng đều trải khắp các tuyến. Nguồn cung tài năng dồi dào đến từ các học viện là nguyên nhân chính dẫn đến thành công như hiện tại của Les Blues tại giải đấu lần này.

dt phap croatia

 ĐT Pháp đang sở hữu một lứa cầu thủ đầy tài năng tại World Cup 2018.

Vậy nhưng, vẫn có một điều mà các học viện còn thiếu. Đó là đào tạo ra những tiền đạo mang phong cách cổ điển.

Khi những tiền đạo cổ điển trở nên lạc loài

Các học viện luôn ưu tiên tốc độ, khả năng di chuyển và sự cơ động để từ đó sản sinh ra những ngôi sao tấn công đa năng và toàn diện. Họ có thể chơi dạt cánh, chơi hộ công, thậm chí khi cần có thể được đôn lên sử dụng như một tiền đạo.

Dù chơi được ở nhiều vị trí khác nhau nhưng họ lại không sở hữu tố chất của một cây săn bàn truyền thống. Đó là sự càn lướt, khả năng không chiến hay khi cần có thể hy sinh trở thành một tiền đạo mục tiêu, một chim mồi thu hút các hậu vệ từ đó tạo cơ hội cho đồng đội.

Đây là vấn đề đã được cựu HLV Arsenal, ông Arsene Wenger đề cập vào năm 2014: "Nhìn khắp châu Âu, Nam Mỹ là nơi duy nhất làm ra các trung phong. Những năm 1960 và 1970 ở Anh, thậm chí khi tôi tới Arsenal năm 1996, các CLB đều có nhiều tiền đạo. Ý tôi là những mũi nhọn đích thực, có thể chơi đầu và luôn có mặt để đón các đường tạt bóng. Giờ chúng ta hiếm khi thấy những cầu thủ như thế. Đức đến World Cup chỉ có Miroslav Klose, tiền đạo đã 36 tuổi!".

Một năm sau, Wenger lại nhắc lại điều này sau khi Tây Ban Nha sử dụng Cesc Fabregas như một số 9 ảo, Đức với Mario Goetze và các đội bóng châu Âu khác cũng bắt đầu xa dần những tiền đạo thực thụ. HLV người Pháp phải chấp nhận một điều: các học viện cần thích nghi với sự thay đổi của bóng đá hiện đại.

dt phap croatia

 Dù bị chê là "chân gỗ" nhưng Giroud luôn là một quân bài quan trọng của Arsene Wenger khi ông còn tại vị ở Arsenal.

Tại giải đấu năm nay, ta chưa thấy Wenger đề cập đến câu chuyện của những tiền đạo. Bởi cuối cùng, các tiền đạo cổ điển cũng cho thấy được giá trị của mình.

Tại Luzhniki tới đây sẽ là cuộc đối đầu giữa hai tiền đạo điển hình cho phong cách chơi truyền thống: Giroud, một siêu dự bị ở trận gặp Australia nhưng đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng lên lối chơi của Pháp và Mandzukic, một tiền đạo đơn giản nhưng đã ghi những bàn thắng quan trọng giúp Croatia vượt qua Đan Mạch và Anh, thẳng tiến tới trận chung kết.

Thực tế, cả hai đều không có đất "dụng võ" tại các học viện và bị các CLB lớn ngó lơ trong những năm đầu sự nghiệp . Ở tuổi 19, trong khi Giroud bắt đầu sự nghiệp ở đội bóng Grenoble, thậm chí về sau còn rơi xuống hạng ba thì Mandzukic phải lựa chọn Marsonia là nơi khởi đầu chuyến hành trình của mình.

Nhìn chung, những gã cao to với thân hình kềnh càng không phải là điều các CLB lớn tìm kiếm. Bởi vậy, sự nghiệp của 2 cầu thủ này phát triển rất chậm. Mãi tới năm 2010, Giroud ở tuổi 24 mới có lần đầu tiên được hít thở không khí Ligue 1. Mandzukic khá khẩm hơn đôi chút khi đã tỏa sáng ở giải vô địch Croatia và chuyển tới thi đấu cho Wolfsburg.

Sau 2 năm gắn bó với Montpellier, vô địch Ligue 1 mùa giải 2011/2012 và giành Vua phá lưới, Giroud chuyển đến Arsenal. Còn Mandzukic có 2 năm khoác áo Wolfsburg, giành Chiếc giày Vàng ở Euro 2012 và chuyển sang khoác áo Bayern Munich.

dt phap croatia 3

 Cả Giroud và Mandzukic đều có những bước tiến rất chậm trong những năm đầu sự nghiệp.

Từ đó, trớ trêu thay khi họ không còn được chú ý nhiều dù vẫn duy trì phong độ ổn định. Arsenal muốn thay thế Giroud bằng những tiền đạo nhanh nhẹn và linh hoạt hơn. Dù đã nỗ lực để chứng tỏ giá trị, số 9 của ĐT Pháp vẫn bị hắt hủi và phải chuyển đến Chelsea ở kỳ chuyển nhượng mùa đông. Mỉa mai ở chỗ chính quyết định này đã giúp anh giành một suất đến World Cup 2018.

Tương tự, Mandzukic cũng bị "bơ" sau khi Bayern Munich đưa về Robert Lewandowski, buộc tiền đạo này phải chuyển tới Atletico Madrid và sau đó là Juventus. Tuy nhiên, Chelsea và Juventus có vẻ rất phù hợp cho Giroud và Mandzukic bởi họ quan tâm đến kết quả nhiều hơn là phong cách.

Cũ kỹ nhưng chưa hề mất đi giá trị

Trong khi các CLB lớn đòi hỏi tốc độ và sự cơ động, bóng đá ở cấp độ ĐTQG đơn giản hơn rất nhiều. Các đội bóng chơi chậm hơn và phòng ngự sâu hơn. Bởi vậy, các tiền đạo sở hữu tốc độ, kỹ thuật thường xuyên lọt thỏm và dễ dàng bị "bóp nghẹt" trong hàng thủ đông người của đối phương. 

Đơn cử như trước  Australia, Pháp sử dụng bộ ba tấn công giàu tốc độ Mbappe, Dembele và Griezmann nhưng bế tắc. Ngay khi Giroud xuất hiện, anh lập tức cho thấy sự hiệu quả. Tiền đạo của Chelsea có thể chơi quay lưng với khung thành, hút hậu vệ đối phương để tạo khoảng trống cho đồng đội và mang đến những phương án tấn công đa dạng hơn.

Tương tự, nhiệm vụ của Mandzukic tại ĐT Croatia cũng là một tiền đạo mục tiêu, "chiến đấu" với những trung vệ cao to bên phía đối phương nhằm tạo ra khoảng trống cho những cầu thủ tốc độ như Perisic hay Rebic thoát xuống dứt điểm. 

Điểm khác biệt là việc Mandzukic đã ghi được 2 bàn thắng để vượt qua đối thủ trên sân cỏ quốc tế, 32 bàn cho Croatia so với 31 bàn của Giroud cho "Les Bleus".

dt phap croatia 4

 Mandzukic là một cái tên không thể thay thế trong đội hình của HLV Zlatko Dalic.

Sự giống nhau giữa Giroud và Mandzukic không chỉ có vậy. Họ đều là những tiền đạo cần mẫn và chịu khó di chuyển dù không sở hữu nền tảng thể lực sung mãn. Giroud thường tỏ ra mệt mỏi trong những thế trận đội nhà buộc phải chơi pressing, còn Mandzukic đã rất nhiều lần phải gắng gượng thi đấu với cái chân phải bị chuột rút ở giải đấu lần này.

Hơn nữa, bất chấp thể hình cao to, hai tiền đạo này lại có những pha xử lý kỹ thuật gây sững sờ cho hàng phòng ngự đối phương. Nhắc đến Giroud, người ta sẽ nhắc ngay đến pha ghi bàn theo kiểu bọ cạp trong trận đấu với Crystal Palace. Còn khi nói về Mandzukic, CĐV sẽ ngay lập tức liên tưởng đến cú ngả bàn đèn tuyệt đẹp vào lưới Real Madrid ở trận chung kết Champions League mùa giải 2016/2017.

Sau kì World Cup này, tương lai của cả Giroud lẫn Mandzukic đều sẽ là những dấu hỏi lớn đối với người hâm mộ. Trong khi tân HLV trưởng Chelsea, Maurizio Sarri ưa thích sử dụng những tiền đạo trẻ trung và nhanh nhẹn thì cuộc cạnh tranh trên hàng công của Juventus mùa giải tới sẽ vô cùng khốc liệt. Higuain vẫn còn đó, Ronaldo đã xuất hiện, và tương lai của Mandzukic chắc chắn đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng.

Tuy vậy, thắng lợi tại giải đấu lần này sẽ là sự ghi nhận cho đóng góp của họ Ở một giải đấu mà những tiền đạo hiện đại hơn như Jesus, Kane hay Lukaku… đều đã dừng bước thì Giroud và Mandzukic bỗng được nhắc đến như hai gã cận vệ già cần mẫn và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn