• Zalo

Ói ra máu liên tục trong 2 tuần, bé trai chỉ còn 20% dung tích hồng cầu

Sức khỏeThứ Sáu, 05/10/2018 19:46:00 +07:00Google News

Ói ra máu liên tục với lượng rất nhiều trong 2 tuần, đến khi nhập viện, bác sĩ kiểm tra bệnh nhi thì phát hiện chỉ còn 20% dung tích hồng cầu.

Ngày 5/10, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, lần đầu tiên bệnh viện thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp bắc tĩnh mạch cửa để chuyển hướng lượng máu cho 1 bé trai.

Theo đó, 1 bé trai (7 tuổi, sống ở Đồng Tháp) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng chỉ còn 20% dung tích hồng cầu.

Người nhà bé trai cho biết, lúc 5 tuổi bé từng ói ra máu và được truyền máu 1 lần. Một tháng nay, bé lại tái phát hiện tượng ói ra máu, đau bụng âm ỉ. Cách đây 2 tuần, lượng máu bé ói ra trở nên nhiều bất thường (khoảng 1 chén cơm) và liên tục nên bé được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương.

Tại bệnh viện, sau khi xác định dung tích hồng cầu còn lại, bé nhanh chóng được truyền máu, ổn định huyết động và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

oiramau1 3

 Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật. (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) 

Kết quả siêu âm và CT tại bệnh viện cho thấy, bệnh nhi bị teo tĩnh mạch cửa nên máu không về gan được. Bệnh nhi bị ói ra máu, xuất huyết tiêu hóa nên phải can thiệp điều trị sớm.

Sau khi được hội chẩn ráo riết, các bác sĩ quyết định phải phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch cửa để chuyển hướng lượng máu từ tĩnh mạch cửa vào các tĩnh mạch khác. 

Theo Bác sĩ Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, trưởng kíp mổ, đoạn teo tĩnh mạch ngoằn ngoèo và áp lực cao nên đòi hỏi tính toán mạch máu đủ dài để bắc cầu. Cái khó của ca này là xác định và phẫu thuật tìm nhánh trái tĩnh mạch cửa nằm trong gan và đánh giá sự thông thương của nó với nhánh phải.

Sau đó là phẫu thuật bắc cầu mạch máu, đoạn tĩnh mạch cảnh trong vùng cổ bên phải dài 7 cm được chọn để làm cầu vượt. Tĩnh mạch cực kỳ mỏng và nhỏ, chỉ dưới 0,1 mm, lại thao tác tạng sâu, đòi hỏi êkíp phẫu thuật phải hiểu ý nhau, tinh tế. Chỉ cần đi lệch hoặc thao tác thiếu chính xác sẽ làm rách mạch máu và phải nối lại, chắc chắn kết quả không tốt và gây hẹp ảnh hưởng đường máu đi.

oiramau

 Bệnh nhi được bác sĩ thăm khám. (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)

Sau 5 tiếng phẫu thuật, ca mổ đã thành công khi giảm được áp cửa, ngăn được xuất huyết tiêu hoá, cường lách. Máu đã có thể về gan và máu từ ruột về gan cũng được lọc các chất độc. Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhi dần ổn định và sẽ được xuất viện trong thời gian tới.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên thuộc kíp mổ cho biết, nếu tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa kéo dài, bệnh nhi sẽ bị xuất huyết nặng và ồ ạt, đe dọa đến tính mạng. Đây là ca bắc cầu nối mạch máu vô cùng khó, số ca trong nước thành công đếm trên đầu ngón tay.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn