Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu 5.164 xe ô tô nguyên chiếc các loại. Phân chia theo khu vực, xe nhập từ Thái Lan vẫn chiếm ưu thế với 2.291 chiếc; đứng thứ 2 là Trung Quốc với 1.391 chiếc; Hàn Quốc xếp thứ 3 với 523 chiếc.
Cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước nhập khẩu 77.336 xe, giảm hơn 10% về lượng và hơn 13% về trị giá cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xe con dưới 9 chỗ đạt 34.430 chiếc, giảm hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm gần 6%.
Thống kê cho thấy, lượng xe nhập về Việt Nam càng về cuối năm càng giảm nhiều so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá xe nhập về Việt Nam lại có xu hướng tăng nhanh lên. Tháng 10, giá xe nhập về (chưa bao gồm các loại thuế và phí) trung bình hơn 620 triệu đồng/chiếc, tháng 9 hơn 640 triệu đồng. So với các tháng trước, giá xe nhập trong 2 tháng gần đây có xu hướng tăng từ 100 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/chiếc.
Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), càng về những tháng cuối năm, tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Hải quan càng trở nên khó khăn.
Nguyên nhân do thực hiện các cam kết quốc tế và những tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã dẫn đến có sự chuyển luồng nhập khẩu hàng hóa từ các nước trong khu vực không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt sang các nước, khu vực được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới số thu NSNN của ngành Hải quan.
Theo tính toán của Cục thuế Xuất nhập khẩu, ảnh hưởng rõ nét nhất là mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, giảm gần 5.200 tỷ đồng so với dự toán từ mặt hàng này.
Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) cho biết, cơ hội mua xe nhập giá rẻ tại Việt Nam sẽ khó do một loạt chính sách siết chặt nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam được đề xuất, xây dựng bởi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thời gian qua.
Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là Nghị định 116/2017/NĐ-CP tác động tới toàn bộ các DN nhập khẩu ô tô cũ và mới. Ô tô đã qua sử dụng dường như không còn “cửa” để nhập vào Việt Nam. Còn ô tô mới sẽ bị siết chặt bởi các yêu cầu về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu; Mỗi lô xe phải chọn 1 mẫu kiểm tra; Đường thử xe dài tối thiểu 800m, tối thiểu 400m đường thẳng…
Do đó, mặc dù năm 2018 thuế nhập khẩu ASEAN về 0% nhưng kỳ vọng có đợt giảm giá xe mạnh nhờ thuế giảm được cho là khó có thể xảy ra.
Nhiều mẫu xe lắp ráp bất ngờ giảm giá
Theo chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ Đức, kỳ vọng mua xe giá rẻ cho người dân trong năm 2018 sẽ khó xảy ra bởi thực tế chỉ có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mẫu xe đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối (40%) và có đủ sản lượng để được hưởng thuế suất ưu đãi theo những điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô của Việt Nam không nhiều.
Video: Từ năm 2018, Hà Nội thu hồi toàn bộ xe cũ nát
Hơn nữa, các mẫu xe cao cấp được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN không nhiều, chủ yếu đến từ khu vực châu Âu, Mỹ, khu vực không có ưu đãi thuế nhập khẩu.
Đơn cử, do ảnh hưởng của Nghị định 116, Toyota Việt Nam (TMV) cho biết sẽ tạm hoãn bán 2 mẫu xe Wigo và Fortuner mới ở thị trường trong nước vào đầu 2018. Thay vào đó, hãng này tiên phong công bố giảm giá bán lẻ với 3 mẫu xe lắp ráp trong nước là Vios, Corolla Altis, Camry và Innova. Mức giảm cao nhất lên tới 50 triệu đồng cho mẫu xe Innova E và V. Tính trung bình, mức giá mới của các mẫu xe trong nước của TMV giảm từ 3-9%, áp dụng cho cả năm 2018.
Ford Việt Nam cũng không thể nằm ngoài cuộc khi giảm giá 3 mẫu xe lắp ráp trong nước là EcoSport, Fiesta và Focus. Trong đó, mẫu xe Fiesta giảm từ 35-50 triệu đồng tùy phiên bản; EcoSport và Focus giảm từ 20-30 triệu đồng.
Trước đó, Hyundai Thành Công cũng giảm giá sốc cho mẫu Crossover lắp ráp trong nước – Santafe với mức giảm lên tới 230 triệu đồng. Nhờ đó, trong vòng chưa đầy 1 tháng, doanh nghiệp này cho biết đã có 1.200 chiếc được đặt mua.
Bình luận