• Zalo

Ở nơi mỗi năm chết đuối một lớp học

Thời sựThứ Bảy, 01/06/2013 08:06:00 +07:00Google News

Trung bình mỗi năm, ngành GD-ĐT tỉnh Phú Yên mất 1 lớp học vì trình trạng trẻ em chết đuối.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Phú Yên, tính riêng 2012 đã có đến 51 trẻ em dưới 16 tuổi bị chết đuối. Trung bình mỗi năm, ngành GD-ĐT tỉnh Phú Yên mất 1 lớp học vì tình cảnh này.

Nỗi đau xé lòng

Lúc 11 giờ ngày 19/5, tại bãi biển phường 7, TP Tuy Hòa (Phú Yên), em Dương Tiến Thành và Huỳnh Nhật Long học sinh lớp 7B, Trường THCS Nguyễn Thị Định (khu phố 2, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) bị chết đuối.

Bà Nguyễn Thị Bờ, phụ huynh em Thành đau đớn kể lại: “Tôi đang ở chợ. Hôm đó gần trưa, ngồi ráng bán cho hết thịt heo thì nghe tin con chết đuối. Đến nơi tôi chỉ biết nằm dài dưới cát nóng vì quá đau”.

Vợ chồng bà Bờ sinh 2 đứa con 1 trai, 1 gái. Cứ đi ra khỏi nhà thì không sao, còn cứ về nhà, nhìn lên bàn thờ hương khói bà lại nhớ con. Hết ngồi lại nằm, nằm mỏi bà ra ngồi dựa lưng vào cửa thất thần.

chết đuối, bãi biển, phú yên
Bãi biển phường 7, TP Tuy Hòa, 5 năm trở lại đây năm nào cũng có học sinh chết đuối 

Nhà bà Bờ chỉ là một trong những trường hợp. Cách đây 1 năm, nhiều người không quên cảnh đau lòng xảy ra tại phía bờ nam sông Đà Rằng, gần chân cầu Hùng Vương (TP Tuy Hòa).

Em Châu Trần Chí Đại (11 tuổi) và Châu Trần Chí Thiên (9 tuổi), là hai anh em ruột cùng học tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Tuy Hòa) và một số học sinh khác rủ nhau ra sông Đà Rằng để tắm.

Trong lúc nô đùa, Thiên bị sụp hố sâu vẫy vùng. Thấy vậy, Đại nhảy xuống để cứu em và cả hai bị dòng nước cuốn trôi.

Đại và Thiên là con của vợ chồng anh Châu Đình Tiều ở khu phố 2, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), là gia đình thuộc diện nghèo.

Anh Tiều lúc đó đang đi bạn đánh bắt cá ngừ đại dương nên chưa hay biết gì về sự việc đau lòng.

“Khi biết tin, tay tôi run run, khát nước mà không nhấc nổi ly, mong đến ngày quay về bờ. Đến nhà, tôi chỉ còn được nhìn thấy con qua di ảnh” - anh Tiều nói.

Trước đó, em Võ Ngọc Lành (ở xã Xuân Sơn Nam, học sinh trường THPT Lê Lợi, huyện Đồng Xuân) đi tắm sông Kỳ Lộ đoạn chảy qua thị trấn La Hai đã bị nước cuốn trôi. Gia đình và người thân đổ xô tìm kiếm. Một ngày, hai ngày rồi cả tháng cũng không thấy xác.

Gia đình lật tất cả những bụi tre sát mé sông lên mong được tìm xác em Lành, nhưng không thấy đâu.

Dọc bờ sông khói hương nghi ngút, mẹ Lành không còn nước mắt để khóc con. Sốt ruột, gia đình xuống tận miệt biển “rước” đội thợ lặn giỏi lên tìm, nhưng cũng vô vọng.

10 tháng sau, một nhóm người làm nghề đánh bắt cá phát hiện một bộ xương người vùi dưới cát lâu ngày trong lòng sông Kỳ Lộ, lập tức báo về gia đình lên nhận.

Sông Kỳ Lộ hiền hòa nhưng cũng gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình. Ba em học sinh Lê Thị Cẩm Hân, Bùi Thị Tâm Hảo và Nguyễn Thanh Tuyền (học cùng lớp 5 Trường tiểu học Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) rủ nhau đến nhà bạn chơi, sau đó cùng ra sông tắm và bị nước cuốn trôi.

30 thợ lặn cùng với 10 chiếc sõng câu (xuồng nhỏ) đã được huy động để tìm kiếm thi thể . Em Nguyễn Thanh Tuyền được tìm thấy trong ngày, còn 2 em Bùi Thị Tâm Hảo, Lê Thị Cẩm Hân đến ngày hôm sau mới tìm thấy xác.

Chị Xinh, mẹ của Hảo nghẹn nghèo kể, hôm đó Hảo xin phép mẹ ra xóm Đồng Hiệu chơi, ở đó gần sông nên con vừa ra khỏi cửa, chị dặn với theo là không được ra sông tắm. Con vâng dạ đâu đó, nhưng ai ngờ...

Nhà nghèo, cha của Hảo hằng ngày đi làm thuê, tranh thủ trưa, tối ra sông đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Cách đây 3 năm cha, ông đã bỏ mạng trong đêm cũng ở khúc sông này. Gần một năm sau, ông nội Hảo lâm bệnh hiểm nghèo qua đời. Mấy bàn thờ đặt cạnh nhau khiến căn  nhà nhỏ thêm lạnh lẽo.

Nguy hiểm rình rập

Trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Yên, nơi nào cũng có biển và sông suối. Chỉ tính riêng thành phố Tuy Hòa, phía Đông có biển án ngữ lại còn có sông Đà Rằng chảy xuyên qua.

sông kỳ lộ, chết đuối, phú yên, học sinh
Nỗi đau của một gia đình có con học trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) chết đuối ở sông Kỳ Lộ 

Nhiều người dân sống lâu đời ở đây cho hay, biển Tuy Hòa có một hiện tượng “lạ” là trên mặt nước sóng nhỏ dập duềnh nhưng dưới đáy lúc “trở trời” xuất hiện một dòng nước chảy xiết.

Tắm biển thời điểm đó nếu sơ hở bị nước cuốn, đã có nhiều người lớn tuổi, bơi giỏi đã bị “chết hụt”.

Còn sông ở Phú Yên có đặc điểm ngắn và dốc, lại nhiều thác ghềnh. Chỉ một đoạn chảy ngắn trên sông Kỳ Lộ (sông lớn thứ 2 ở Phú Yên sau sông Đà Rằng) nào là thác Rọ Heo, thác Dài, thác Lỗ Cá, thác Bằng Lăng….

Sông này còn chảy xuyên qua các vách núi đá cao dựng đứng. Vì thế trẻ con đi tắm “nhảy ùm” xuống sông là không thấy ngoi lên.

Tình trạng trẻ em chết đuối đã đến mức báo động. Ông Nguyễn Văn Thành, ở huyện miền núi Đồng Xuân giãi bày: “Đi ra đường gặp đám tang kèn trống cất lên réo rắt đến não nuột. Người đưa tang ngất lên ngất xuống trong vòng tay của người thân, hỏi ra mới biết toàn là trẻ em chết đuối”.

Trước sự việc trẻ em chết đuối gia tăng, đầu năm 2012, Tỉnh đoàn Phú Yên xây dựng đề án “Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống đuối nước và hướng dẫn kỹ năng bơi cho thiếu nhi Phú Yên giai đoạn 2011-2015".

Đề án thí điểm cho khoảng 8.000 học sinh ở 11 xã, thị trấn huyện Đồng Xuân, sau đó sẽ nhân rộng toàn tỉnh.

Đề án được ngân sách tỉnh đầu tư 150 triệu đồng để mua 2 hồ bơi mini di động đưa về từng xã tập bơi cho học sinh và tập huấn cho cán bộ tổng phụ trách đội.

“Chúng tôi đã triển khai ở 11 xã, thị trấn của huyện Đồng Xuân. Tuy nhiên, năm nay, vốn không có nên chương trình phải tạm dừng” - bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên, cho biết.


Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn