• Zalo

Ở nơi bác sỹ phải tranh thủ từng phút để giành giật sự sống cho bệnh nhân

Sức khỏeThứ Hai, 27/02/2017 06:59:00 +07:00Google News

Vị bác sỹ Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai kể chuyện phải tranh thủ từng phút để giành giật mạng sống của người bệnh.

Cuộc gặp của chúng tôi với GS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai được sắp xếp với mục đích nghe ông giải thích về công trình được trao giải thưởng Nhà nước về KHCN lần thứ 5 (2016) mà ông và các đồng nghiệp tại khoa thực hiện.

Trong chưa tới 40 phút quý giá mà vị bác sĩ ở khoa nặng nhất của một bệnh viện lớn và luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân như Bạch Mai, phần lớn câu chuyện mà GS Bình kể là những trăn trở về nghề y.

GS Bình nói, nghề bác sĩ ở Việt Nam, và nhất là những bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực, nơi tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng, thường là trong tình trạng đã nguy kịch, thậm chí cận kề cái chết vô cùng áp lực.

Mỗi ngày có tới 6.000 xếp hàng tới khám, bệnh viện mở 10 cửa, có ngày 27 cửa khám vẫn không đủ, người bệnh vẫn xếp hàng dài dặng dặc. Giám đốc bệnh viện chỉ yêu cầu là không được để bệnh nhân phải ở lại qua đêm. Vì thế, từ 6 giờ sáng cho tới 8-9 giờ tối, các bác sĩ bệnh viện đều phải căng mình ra làm việc.

20170226120714-nguyen-gia-binh

GS Nguyễn Gia Bình cho biết, công việc tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai rất áp lực và không có nhiều bác sĩ theo được.  

"Người dân đến với chúng tôi là sự tín nhiệm, cũng là uy tín của các bác sĩ và bệnh viện nhưng cũng tạo áp lực khủng khiếp cho chúng tôi" - GS Bình chia sẻ.

Khoa Hồi sức tích cực là một trong những khoa được bệnh viện đặc biệt ưu tiên về nhân lực như vẫn không giảm tải được áp lực.

"Chúng tôi làm luôn chân luôn tay không hết việc và gần như không có khái niệm nghỉ. Trên tủ đồ của khoa có mấy thùng mì tôm, ai đói thì cho nước sôi vào ăn rồi đứng dậy đi tiếp chứ cũng chẳng có gì hơn cả" - GS Bình tâm sự.

"Mọi người cứ chờ ngày lễ, ngày tết để nghỉ ngơi chứ bác sĩ cứ ngày tết ngày nghỉ là sợ lắm, càng nghỉ dài càng sợ vì những ngày ấy, bệnh nhân dồn về bệnh viện rất đông".

"Vợ chúng tôi bao giờ cũng biết rồi, sáng mồng 1 Tết là ông này ông ấy đi vào bệnh viện chứ chẳng bao giờ xông đát ở nhà" - GS Bình nói.

Công việc áp lực, gần như từ sáng tới tối không có giờ nghỉ, với nhiệm vụ là cứu sống những người bệnh nặng, nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp nên rất ít bác sĩ có thể chịu được áp lực công việc tại khoa.

Không chỉ riêng bác sĩ, ngay cả các điều dưỡng ở khoa công việc cũng rất nặng. "Mỗi ca làm việc tại khoa có 10 điều dưỡng mà phải phụ trách tới 40 giường bệnh, đều là những bệnh nhân rất nặng. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, một điều dưỡng chỉ đi kèm một giường, một ngày 3 ca thì 4 kíp làm việc" - GS Bình nói.

"Khoa chúng tôi bác sĩ thì không muốn về còn điều dưỡng thì chỉ muốn ra đi" - GS Bình trải lòng. "Không phải là vấn đề chuyên môn mà công việc cực kỳ áp lực. Nhiều người về được vài tháng rồi lại đi".

Đối với ông, những lúc giành giật sinh mạng của bệnh nhân là những giờ căng thẳng nhưng hạnh phúc.

Video: Xúc phạm bệnh nhân, nữ điều nhận 'trái đắng'

Ông kể, năm 2002, Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận một bệnh nhân suy tim, toàn người căng mọng, nguy cơ tử vong rất lớn. Trong trường hợp này, muốn cứu bệnh nhân buộc phải bỏ lượng nước thừa trong người song dùng thuốc lợi tiểu thì không đáp ứng.

Dùng máy thận nhân tạo thì dòng máu phải đủ, hơn nữa, máy chạy thận chỉ chạy được 3-4 tiếng sau đó phải 2 ngày sau mới làm lại.

Trong tình huống đó, GS Bình và các đồng nghiệp để cứu sống bệnh nhân chỉ có cách là dùng phương pháp lọc máu nhân tạo. Bởi chỉ có phương pháp này thì mới thực hiện tách nước liên tục 24 giờ. Đó cũng là lần đầu tiên GS Bình và các bác sĩ thực hiện kỹ thuật này.

Rất may mắn, sau 24 giờ lọc, bệnh nhân từ chỗ thoi thóp, phải kích thích đau mới mở mắt được thì hôm sau đã có thể mở mắt và bắt tay bác sĩ. 

Đó cũng là ca bệnh đầu tiên thuộc đề tài "Ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm" do GS Bình và các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực thực hiện đã được trao giải thưởng Nhà nước về KHCN. 

Đây cũng là công trình duy nhất được trao giải Nhà nước trong lĩnh vực y tế.

20170226120714-nguyen-gia-binh-2

GS bác sĩ Nguyễn Gia Bình đang thăm một bệnh nhâp được cứu chữa bằng kỹ thuật lọc máu do ông và các bác sĩ tại khoa thực hiện. 

Một ca khác cũng khiến GS Bình nhớ mãi đó là trường hợp của thai phụ Bùi Thị Hương, công nhân nhà máy xi măng Cẩm Phả, Quảng Ninh hồi năm 2014.

GS Bình kể, khi đó, bệnh viện Quảng Ninh báo lên là chị Hương bị cúm A/H1N1, tình trạng đã rất nguy kịch, viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong rất lớn. "Phía Quảng Ninh nói không khéo bệnh nhân sẽ tử vong nhưng tôi đề nghị duy trì cho bệnh nhân và tìm cách chuyển lên Bạch Mai" - GS Bình nhớ lại.

Khi đó, một số các bác sĩ siêu âm còn nói là em bé có thể sẽ không bình thường. Người nhà nghe được chuyện này, thấy người mẹ nguy cơ tử vong rất cao, còn con lại không bình thường nên xin thôi, không đồng ý chuyển lên tuyến trên nữa.

Sau khi thuyết phục, người nhà cũng đồng ý chuyển lên. "Chúng tôi kết hợp với khoa sản hội chẩn rất nhanh, quyết định lấy em bé ra. Sau đó, lắp máy tim phổi nhân tạo vào để cứu người mẹ" - GS Bình kể.

Lúc đó, nồng độ oxy trong máu của chị Hương xuống rất thấp, chỉ số oxy chỉ khoảng 33, chỉ chậm một vài phút nữa là có thể tử vong. Giải pháp cuối cùng lúc này là sử dụng kỹ thuật trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể.

Kỹ thuật này đã được thực hiện để hỗ trợ suy tim cấp tính, không còn khả năng bơm đủ máu đi nuôi cơ thể nhưng kỹ thuật áp dụng với phổi khác với tim và khó hơn.

GS Bình cùng các đồng nghiệp thực hiện điều trị cho chị Hương bằng cách: lấy máu ra qua đường tĩnh mạch lớn bơm qua hệ thống ly tâm (tim nhân tạo) rồi trộn ôxy và thải CO2 ở màng trao đổi (phổi nhân tạo), sau đó đưa dòng máu trở về tĩnh mạch chủ về tim phải, rồi được bơm vào hệ thống tuần hoàn nhờ tim.

Việc này phải thực hiện liên tục 24/24 giờ theo các quy trình kỹ thuật chặt chẽ.

Sau một tuần thì bệnh nhân bắt đầu bỏ được máy tim, phổi nhân tạo và sau 3 tuần điều trị thì hai mẹ con đã bình phục và ra viện. "Đó là một ca kỷ lục vì trên thế giới, ca nặng nhất thì chỉ số oxy chỉ xuống đến mức 43 trong khi bệnh nhân khi đưa tới bệnh viện đã xuống tới 33" - GS Bình nhớ lại.

Kể đến đây, ông nói: "Đấy, các bác sĩ ở khoa chúng tôi chỉ dựa vào những ca như vậy để sống". 

Rồi ông nói đùa: "Chúng tôi nói đùa với nhau rằng, những bác sĩ vào đây thì chỉ số IQ (chỉ số thông minh) chỉ là thứ yếu còn chỉ số hạnh phúc, chỉ số AQ phải cao. Điều quan trọng thứ hai phải là những người có "thân cư thê" (sống nhờ ở vợ)".

Khi viết những dòng này, chúng tôi đã liên lạc lại với GS Bình nhưng có lẽ vì quá bận rộn, ông không bắt máy. Hy vọng, ông và các đồng nghiệp tại Khoa Hồi sức tích cực sẽ cứu chữa thành công cho nhiều người bệnh để ông có đủ niềm vui giúp ông tiếp tục cuộc sống và công việc của mình.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn