“Cả tháng rưỡi nay như vậy rồi. Dịch, trường mầm non đóng cửa, bà nội, bà ngoại đều không thể ra đây trông hộ con. Tôi thiếu ngủ triền miên”, chị Ngọc Linh (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ qua điện thoại.
Ở đầu dây bên kia, tiếng hai đứa trẻ chí chóe. Người mẹ xin thông cảm, ngắt cuộc trò chuyện dang dở để can ngăn hai cậu con trai đang nghịch phá.
Cuộc sống xoay quanh hai đứa con
Trước khi dịch COVID-19 ập đến, buổi sáng, chị Linh chở con qua nhà trẻ rồi lên cơ quan. Chiều, người mẹ tranh thủ về sớm đón con rồi về nhà lo cơm nước.
Nhịp sống đó hoàn toàn đảo lộn khi dịch COVID-19 bùng phát. Lần đầu tiên, cô để con ở lại quê ngoại sau Tết nhưng nhớ đám trẻ. Ở những lần sau, dù vất vả đến đâu, chị vẫn cố gắng cho con ở cùng bố mẹ.
Từ đợt nghỉ lễ 30/4 đến nay, nữ phụ huynh lại rơi vào cảnh tất bật khi xin ở nhà làm việc để trông con. Chưa kể hồi năm 2020, gia đình còn đón con trai thứ hai chào đời.
“Mấy ngày đầu, chồng băn khoăn không biết có nên nhờ bà nội, bà ngoại hỗ trợ chăm cháu không. Tôi còn tự tin bảo không cần vì đây không phải lần đầu. Nhưng hóa ra, mọi chuyện không đơn giản như vậy”, chị Ngọc Linh tâm sự.
Đặc thù công việc, nữ phụ huynh có thể làm việc tại nhà, miễn sao gửi đủ bài vở. Chị tự sắp xếp như sau: Sáng ra, chồng hỗ trợ cho con ăn uống, 3 mẹ con ở nhà trông nhau. Chị Linh sẽ dành thời gian cho con chơi rồi tập cho hai anh em tự chơi với nhau, còn mình tranh thủ làm việc.
Người phụ nữ 29 tuổi tự tin mình hoàn toàn có thể vừa trông con vừa tranh thủ làm việc, nhưng mọi chuyện không như tưởng tượng.
Con trai bé luôn bám lấy mẹ, đòi bế, đòi ăn, đòi ra ngoài chơi. Cậu lớn thì tìm mọi cách thoát khỏi tầm mắt của mẹ, bày bừa, chạy trốn khắp nhà. Mẹ không để ý, cậu lại trêu làm em khóc toáng lên. Ngọc Linh vội bỏ dở công việc để can thiệp.
Chưa kể đến, con trai 4 tuổi đang tò mò với những chuyện xung quanh, không chịu ngồi yên trong phòng, muốn ra ngoài chơi và có muôn vàn câu hỏi “vì sao” cần mẹ giải đáp.
Thỉnh thoảng, vợ chồng chị Linh cũng nghĩ đến việc nhờ bà nội hoặc bà ngoại ra chăm cháu hộ nhưng lại lo bà ra Hà Nội khi dịch còn phức tạp.
Làm việc lúc sáng sớm và đêm khuya
Để đảm bảo công việc, chị Ngọc Linh thức dậy từ 4h. Hôm nào ít việc, cô có thể ngủ thêm đến 5h. Chị Linh làm bài trong khi 3 bố con vẫn còn ngủ. Khoảng 6h30, chồng cô sẽ dậy lo cơm nước. Từ ngày có dịch, gia đình họ không còn ra ngoài ăn sáng.
Hai đứa trẻ ngủ không theo giờ giấc cố định. Hôm nào con dậy trước 7h30, chồng còn hỗ trợ vệ sinh, cho con ăn sáng để vợ tập trung làm việc. Hôm nào, con thức dậy muộn, Ngọc Linh sẽ phải tự xoay xở.
Những lúc con tỉnh giấc, chị Linh phải đặt công việc sang một bên. Đứa bé 1 tuổi thỉnh thoảng chợp mắt nhưng con trai 4 tuổi thì luôn trong trạng thái thừa năng lượng. Nữ phụ huynh phải nghĩ ra đủ trò để con chơi, từ ghép hình, làm đồ thủ công, nặn đất sét đến đánh trận giả, trốn tìm trong phòng.
“Hôm nào công việc gấp quá, tôi đành cho con mượn điện thoại xem hoạt hình. Nhưng đó chỉ là trường hợp bất đắc dĩ. Con đã ở nhà suốt ngày vì dịch, nếu còn cắm mặt vào màn hình chắc con lờ đờ mất”, Linh nói thêm.
Buổi trưa, chồng chị chịu khó về nhà hỗ trợ vợ trông con, cho con ngủ trưa để Linh chợp mắt hoặc thỉnh thoảng chạy lên cơ quan nếu có việc cần thiết.
Buổi chiều, 3 mẹ còn tiếp tục đánh vật với nhau, trong khi chờ bố tan làm, cả nhà cùng đeo khẩu trang, đi dạo loanh quanh khoảng 30 phút cho con đỡ bức bối khi bị nhốt trong nhà quá lâu.
Buổi tối, dù có bố trông, hai con trai nhất quyết bám lấy mẹ chơi cùng. 22h, lũ trẻ đi ngủ, Linh mới có thời gian chăm chút bản thân. 23h, chị lại mở máy làm việc, tranh thủ hoàn tất công việc càng sớm càng tốt vì ngày hôm sau lại là một ngày tất bật.
Đương nhiên, một tháng rưỡi qua với gia đình chị Ngọc Linh không chỉ là khoảng thời gian vất vả. Nó cũng đầy ắp tiếng cười. Cách sống, lối suy nghĩ của hai vợ chồng cũng thay đổi nhiều dù có những lúc nặng lời với nhau vì cả hai stress.
Ngọc Linh bớt lướt mạng Internet. Chồng cô không còn những buổi nhậu với bạn bè mỗi lúc tan làm. Cả hai cùng chăm lo cho con và cầu mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để gửi cậu con lớn đi nhà trẻ và nhờ bà ngoại ra trông hộ con nhỏ. Lúc đó, chị Linh sẽ trở lại với cuộc sống của một nhân viên công sở không còn đầu bù tóc rối, quần áo xuề xòa.
Bình luận