Hình ảnh người phụ nữ luống tuổi lom khom, hì hục vá đường đã trở nên quen thuộc với người dân ở TP Sa Đéc, Đồng Tháp từ vài năm nay. Bà làm chỉ với tâm nguyện “góp chút sức giúp đời” và mong để bớt phần ám ảnh về những cái chết thương tâm của người đi đường chỉ vì bị sụp “ổ gà”, “ổ voi”.
Bà là Nguyễn Thị Phượng Thu (54 tuổi, ngụ khóm 1, phường 4, TP Sa Đéc).
Gom sạch tiền dành cất nhà mua vật liệu vá đường
Những ngày cuối năm 2018, dưới cái nắng gay gắt, chúng tôi theo chân bà Thu đi vá từng “ổ gà”, “ổ voi” trên những con đường ở TP Sa Đéc, Đồng Tháp.
Bà cứ vá đường như thế được gần chục năm nay. Lúc đầu, bà vá đường bằng cát, đá và xi-măng. Sau đó, thấy hiệu quả sử dụng không được lâu nên từ năm ngoái đến nay bà chuyển sang vá bằng nhựa đường. Bà làm việc hăng say đến mức có nhiều khúc đường xe qua lại rất đông, việc vá đường rất nguy hiểm nhưng bà vẫn không quản ngại.
Một ngày của bà Thu bắt đầu bằng công việc phụ rửa chén cho một quán ăn. Sau đó vừa đưa cháu đi học bà vừa đi hái thuốc Nam dọc đường để về biếu cho các nhà chùa. Đến khoảng trưa thì bà bắt đầu đi vá đường, công việc mà mọi người đều cho là “lo chuyện bao đồng”.
Về lý do đến với việc vá đường, bà Thu chia sẻ: “Có lần tôi tận mắt chứng kiến người ta vấp ổ gà té chết tại chỗ. Lần khác tôi thấy người ta té bị thương nặng rồi cũng tử vong. Điều đó khiến tôi bị ám ảnh nên tôi muốn làm gì đó giúp mọi người khi đi trên những con đường xuống cấp. Từ nhỏ tôi đã được dạy sống phải giúp ích cho đời. Mình không giúp được việc lớn thì làm việc nhỏ phù hợp với khả năng của bản thân”.
Nói về công việc vá đường, bà say sưa: “Lúc đầu tôi vá đường bằng cát, đá, xi-măng nhưng tôi thấy xe chạy vài ba ngày là đường bị hư trở lại. Rồi có chú đi đường bảo: “Đường làm bằng nhựa mà bà vá bằng xi-măng thì đâu có bền được”. Nghe vậy tôi thấy có lý và bắt đầu đi tìm mua nhựa đường cũ rồi về nấu chảy ra mà vá đường” - bà Thu nói.
Vừa rồi, bà Thu được chính quyền bán cho nền nhà trả chậm. Bà cũng chỉ mong cất lên căn nhà lành lặn để khỏi cảnh thuê trọ. Đến khi thấy những người đi đường gặp nguy hiểm từ những “ổ gà”, “ổ voi”, bà đem tiền dành để cất nhà ra vá đường hết sạch. Số tiền hơn 1,2 triệu đồng kèm theo bằng khen của chủ tịch tỉnh Đồng Tháp tặng, bà cũng lấy mua vật liệu vá đường.
“Còn ổ gà thì tôi còn đi vá”
Khi được hỏi về gia đình, bà Thu đượm buồn và kể bằng giọng nghẹn ngào. Theo đó, bà sinh ra trong một gia đình nghèo. Lớn lên, bà kết hôn với người chồng thường xuyên say xỉn, rồi ly hôn. Mấy chục năm trước, một mình bà bươn chải làm đủ nghề để nuôi bốn người con. Các con dần lớn, lập gia đình riêng và cũng chẳng khấm khá gì.
Chẳng những vậy, người con gái đầu của bà cũng đã ly hôn, để lại bà nuôi đứa cháu ngoại 12 tuổi. Bây giờ, trong căn nhà trọ chỉ có hai bà cháu, ngày ngày rau cháo đùm bọc nhau.
17 năm nay, để duy trì cuộc sống, hằng ngày bà Thu đi phụ rửa chén ở quán ăn, giặt áo quần thuê, chạy xe ôm, lượm ve chai... Hễ làm ra được bao nhiêu tiền thì bà chi tiêu ăn uống chút đỉnh, còn lại bà đều vét túi đi mua nhựa để vá đường.
“Tôi đi vá đường vậy chứ gặp vỏ chai nước suối, bọc nylon, cơm nguội hay thứ gì bán có tiền là tôi nhặt đem bán kiếm tiền. Nói chung tôi làm quần quật, gom lại kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Có khi gặp những vỏ chai dầu gội đầu bồ kết thì thu nhập ngày đó cao hơn bởi loại này bán được 7.000 đồng/kg” - bà Thu chia sẻ.
Nhiều người chạy xe ngang nơi bà Thu vá đường và những người ở xa nghe được việc làm ý nghĩa của bà, họ muốn đóng góp tiền thì bà lại không nhận. Bà nói: “Lỡ nhận tiền mà làm không đẹp thì lại mang tiếng”.
Ông Tư, ngụ cùng phường 4 với bà, chia sẻ: “Cũng nhờ bà Thu làm mà đường lộ thuận tiện hơn. Có nhiều người trước đó bị té, giờ thấy bà làm lại đường bằng phẳng họ mừng lắm”. Còn ông Huỳnh Minh Đức, cán bộ UBND phường 4, cho biết: “Hiếm có ai làm được như bà Thu. Mỗi lần thấy đường hư là bà đến vá. Việc làm của bà rất tốt, thật đáng quý. Càng có nhiều người như bà thì xã hội này càng tốt đẹp hơn”.
Còn bà Thu, khi được hỏi, bà cho hay: “Thiệt lòng tôi chẳng nhớ đã vá được bao nhiêu “ổ gà”, “ổ voi”. Chỉ biết việc này có ích, cứu được mạng người thì mình gắng sức làm. Còn “ổ gà”, “ổ voi” trên đường thì tôi còn vác đồ đi vá”.
Thấy đường hư mà không vá, tối về không ngủ được
Theo UBND phường 4, TP Sa Đéc, việc làm vá đường của bà Thu được địa phương ủng hộ và khuyến khích nhưng địa phương chưa có kế hoạch thành lập đội từ thiện vá đường theo gương của bà Thu. Đồng thời, từ trước đến giờ địa phương cũng chưa hỗ trợ tiền để bà làm. Đến khi có cơ quan báo chí đến đưa tin thì UBND tỉnh tặng cho bà bằng khen kèm theo số tiền 1.210.000 đồng.
Để có tiền vá được nhiều tuyến đường, bà Thu chọn cách nhịn ăn và đóng hụi. “Cứ mỗi tuần tôi đóng 200.000 đồng, sau 29 lần đóng tôi sẽ hốt ra được 5,5 triệu đồng. Sau mỗi lần hốt là tôi chạy ra tiệm mua nguyên liệu để vá đường, về đến nhà cháu xin tiền mua bịch sữa cũng không có. Giờ tôi nghiện vá đường như người nghiện… ma túy, bởi hôm nào đi ngang thấy “ổ gà” hoặc thuốc Nam mà không ghé lại vá hay hái là về không ngủ được” - bà Thu tâm tình.
Bình luận