• Zalo

'Ở Lào, nghe thấy còi đích thị là người VN'

Thời sựThứ Năm, 10/05/2012 11:34:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đến ngay cả ở Lào, khi nghe tiếng còi xe người ta biết đích xác đó là của người Việt Nam.

(VTC News) - Đến ngay cả ở Lào, khi nghe tiếng còi xe người ta biết đích xác đó là của người Việt Nam.

Sau khi đăng tải video Xem những kiểu giao thông thiếu văn hóa điển hình nhất, và bài viết Văn hóa giao thông: Không thể trông chờ tự giácRa đường biết đời sống xã hội phát triển thế nàotòa soạn tiếp tục nhận được rất nhiều bình luận của độc giả bày tỏ nỗi bức xúc trước thực trạng giao thông ở Hà Nội - điển hình của văn hóa giao thông Việt Nam hiện nay.

PV VTC News tiếp tục có những phản ánh về thực trạng tham gia giao thông của người Việt cũng như những ý kiến về văn hóa giao thông qua cái nhìn của các chuyên gia gửi tới quý độc giả.

Phân làn...coi như không

Đã hơn nửa năm kể từ ngày Hà Nội chính thức tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố khu vực nội đô (gồm phố Bà Triệu, Phố Huế, Xã Đàn, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng).

Tuy nhiên, có một thực tế mà ai đi qua các con phố này đều chứng kiến, là tình trạng phương tiện giao thông đi sai làn đường vẫn tràn lan, đặc biệt là xe máy đi vào làn đường giành cho ô tô.

Chiều 9/5/2012, chúng tôi có mặt trên tuyến đường Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, đây có thể xem là tuyến phố rộng nhất trong 5 tuyến được Hà Nội tổ chức phân làn. Vào thời điểm chúng tôi có mặt ở đây (khoảng 17h) tuy giao thông có đông nhưng không xảy ra ùn ứ, và chỉ đông ở những nút giao với các tuyến phố khác.

Dù làn đường giành cho xe máy vẫn rất thông thoáng nhưng nhiều người vẫn cố tình lấn sang làn đường giành cho ô tô. Ảnh chụp trên đường Trần Khát Chân, chiều 9/5. 
Tuy vậy, vẫn có không ít xe máy chạy sang làn đường của ô tô, mặc dù làn đường giành cho xe máy chưa phải là quá đông hoặc ùn tắc không đi được. Có thời điểm làn xe máy còn thoáng hơn làn của ô tô, nhưng nhiều xe máy vẫn không ngần ngại đi sang làn ô tô, bỏ qua các quy định phân làn ở đây.

Đặc biệt với đoạn đường Trần Khát Chân, dù đường rất thông thoáng, nhiều xe máy vẫn thi nhau chen lấn với ô tô để giành đường. Đôi lúc cũng có một số ô tô chạy sang làn đường giành cho xe máy.

Nếu nói rằng những người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn đường do không biết hoặc không để ý, nên vô tình đi sang làn đường của phương tiện khác có lẽ sẽ chẳng ai chấp nhận được cách lý giải đó.

Vì để người dân thấy và chấp hành việc phân làn, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chọn phương án cắm biển báo, lắp đặt dải phân cách cứng ngay giữa đường để phân chia làn đường dành cho ô tô và làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ, nên không thể nói là không thấy gì.

Trong hơn nửa năm thực hiện phân làn vừa qua, báo chí đã tốn không ít giấy mực để đưa tin về việc phân làn này, nên cũng khó chấp nhận cách giải thích rằng không biết các tuyến phố này đang được thực hiện phân làn nên vô tình vi phạm.

Xe máy đi sang làn ô tô, không ít ô tô cũng đi sang làn xe máy. Ảnh chụp đường Trần Khát Chân. 
Lý giải về tình trạng vi phạm trên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho rằng: “Tại 5 tuyến đã phân làn, sau một thời gian lực lượng chức năng kiên trì hướng dẫn thì người và phương tiện tham gia giao thông đã tương đối chấp hành. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm do mật độ phương tiện lớn nên một số người chưa ý thức được việc đi đúng làn đường sẽ giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nên vẫn vi phạm, chủ yếu là xe máy lấn sang làn đường ô tô”.

Trước vấn đề ý thức chấp hành các quy định của người dân chưa tốt, dẫn đến kết quả việc phân làn chưa như mong muốn, theo ông Cường: “Chúng tôi hy vọng cùng với việc lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm và việc kiên trì tuyên truyền tới người dân thì mọi người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy sẽ chấp hành đúng quy định”.

Câu chuyện cái còi xe

Không chỉ đi xe sai làn, người tham gia giao thông hiện nay còn vô số “chứng tật” khác, như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu…

Ngay như câu chuyện dùng còi xe tùy tiện cũng được nói rất nhiều, nhưng nhiều người cứ ra đường là bấm còi, đèn đỏ chuyển sang đèn xanh cũng bấm còi, thấy người đi bộ sang đường là còi, đường tắc không nhích nổi nhưng tiếng còi vẫn liên tục vang…

Với biển báo và giải phân cách phân làn, tách dòng phương tiện thế này thì không thể nói là không thấy nên vô tình vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng từng phải đem văn hóa giao thông của người Lào ra để so sánh với Việt Nam, “câu chuyện cấm còi trong đô thị ta đã nói rất nhiều, nhưng vẫn không làm được. Khi tôi đi công tác ở Lào, ra đường họ rất lịch sự, không bao giờ nghe tiếng còi xe như ở ta, còn nếu trên đường mà có tiếng còi xe thì đó là của người Việt sinh sống bên đấy. Còn ở ta thì đâu đâu cũng nghe thấy tiếng còi xe”, Bộ trưởng Thăng nói.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm cho rằng: “Hành động đi đường theo sự tiện lợi của mình là hành động rất thiếu ý thức, nhà nước đã bỏ tiền xây dựng cầu, đường cho dân đi lại đường tiện lợi, an toàn rồi, nhưng đúng đường không đi mà cứ vi phạm đấy là sự yếu kém trong văn hóa giao thông”.

Theo TS. Thủy, khi tham gia giao thông ý thức người dân rất quan trọng, vì công an không thể chỗ nào cũng đứng để xử lý sai phạm được. Còn ở ta hiện nay dường như đang tồn tại suy nghĩ coi đường như của riêng minh, đi theo ý mình, thiếu tôn trọng người khác.

“Giờ phương tiện thông tin tốt hơn xưa rất nhiều, luật giao thông được tuyên truyền hàng ngày, hàng giờ, người dân ai cũng biết, nhưng vẫn đi theo ý thích của mình, thiếu ý thức thì không thể chấp nhận được”, TS. Thủy bức xúc.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn