Theo dự kiến, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 sau khi hoàn thành, đi vào vận hành thương mại sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia mỗi năm khoảng 7,8 tỷ kWh. Việc sớm hoàn thành Dự án vì thế có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên có một thực tế, từ hơn 1 năm nay, mặc dù các bên liên quan đã có rất nhiều nỗ lực, huy động tối đa nhân lực và vật lực nhưng tiến độ triển khai Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vẫn rất khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 83%. Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của NMNĐ Thái Bình 2 đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện.
Đặc biệt, về công tác chuẩn bị phát điện, Dự án đã hoàn tất các hạng mục công việc liên quan đến công tác đóng điện ngược Sân phân phối (SPP) 220kV và vận hành SPP 220kV ổn định, an toàn. Hoàn thành quy trình phối hợp vận hành giữa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (của EVN) và NMNĐ Thái Bình 2.
Với khối lượng công việc còn lại không nhiều (khoảng 17%), tuy nhiên Dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, trong đó lớn nhất là năng lực tài chính của Tổng thầu PVC ngày càng cạn kiệt đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ về đích của Dự án.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là:
Thứ nhất, do những sai phạm của một số cá nhân trong vụ án tham nhũng tại Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) trong giai đoạn trước đã làm chậm tiến độ của Dự án và hệ quả là một số tổ chức tín dụng đã tạm dừng giải ngân một số khoản vay của Dự án.
Ngoài ra, khoản tiền của Tổng thầu PVC dùng để phục vụ việc triển khai Dự án tại OceanBank hiện vẫn đang bị đóng băng để phục vụ điều tra vụ án nêu trên. Đến nay, vụ án đã khép lại nhưng khoản tiền trên vẫn chưa được giải phong tỏa.
Thứ hai, năng lực tài chính của Tổng thầu yếu, không chủ động được nguồn vốn bù đắp để triển khai Dự án mà chủ yếu dựa vào nguồn thanh toán từ Chủ đầu tư.
Thực tế trên dẫn tới hệ quả là Tổng thầu EPC của Dự án không có dòng tiền để tiếp tục triển khai Dự án cũng như bám sát tiến độ đã được điều chỉnh. Nghiêm trọng hơn, vì cạn kiện dòng tiền nên Tổng thầu EPC đang lâm cảnh “nợ nần”, không thể thanh quyết toán các hợp đồng thi công với các Nhà thầu với những phần việc đã được triển khai trên công trường cũng như triển khai các hợp đồng thi công với phần việc còn lại của Dự án.
Chính vì thực tế này, Tổng thầu EPC của Dự án đang vấp phải sự phản ứng rất mạnh mẽ từ phía các Nhà thầu thi công trên công trường. Nhiều hạng mục theo các hợp đồng thi công được ký kết đã hoàn thành nhưng chưa được thanh quyết toán. Một số Nhà thầu chịu áp lực thanh toán nhân công, nguyên vật liệu… cho các hạng mục đã thi công trên công trường đã có những phản ứng rất gay gắt, mà điển hình là trường hợp của Công ty CP Phát triển Việt Nam, nhà thầu cung cấp cọc và thi công ép cọc tại Dự án.
Mặt khác, các khó khăn về cơ chế triển khai cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Theo Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện cấp bách được hưởng cơ chế đặc biệt, tuy nhiên, tính đến nay, sau gần 5 năm có hiệu lực, một số nội dung còn vướng mắc của Dự án vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, để Dự án NMNĐ Thái Bình 2 có thể tiếp tục triển khai, bám sát tiến độ điều chỉnh, sớm hoàn thành đi vào vận hành, các cấp quản lý cần phải vào cuộc, xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Dự án, đặc biệt đối với vấn đề dòng tiền.
Cụ thể, cần có cơ chế để các tổ chức tín dụng xem xét tiếp tục giải ngân khoản của Dự án. Điều này không chỉ giúp Dự án có dòng tiền, tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại trên công trường mà còn giúp các tổ chức tín dụng sớm thu hồi được khoản vay bởi Dự án có hoàn thành, đi vào vận hành sớm ngày nào thì mới có doanh thu, có dòng tiền để trả nợ vay.
Thứ nữa, các cơ quan tố tụng cũng cần phải xem xét giải phong tỏa khoản tiền của Tổng thầu EPC tại OceanBank bởi tính đến thời điểm hiện tại, vụ án đã được khép lại.
Theo đánh giá gần đây của ngành Điện cũng như của các cơ quan quản lý, hệ thống điện Việt Nam đang có nguy cơ thiếu hụt khi trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng phụ tải lên tới 10%/năm. Việc sớm đưa các dự án nguồn điện mới như Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vì thế càng trở lên cấp bách, sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như nhu cầu của người dân.
Nhưng như đã đề cập ở trên, để làm được điều này thì vấn đề cấp bách hiện nay là dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan quản lý cần phải sớm xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt tài chính cho Dự án. Bởi một điều hiển nhiên là nếu không có tiền thì không thể triển khai Dự án chứ đừng nói đến chuyện hoàn thành, có doanh thu để trả nợ các khoản vay.
Bình luận