• Zalo

Nứt đập thủy điện: 'Nên mời chuyên gia nước ngoài'

Thời sựThứ Tư, 28/03/2012 05:37:00 +07:00Google News

(VTC News)- Ngày 27/3, Tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý sự cố.

(VTC News) – Ngày 27/3, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc thấm nước qua đập chính Thuỷ điện Sông Tranh 2.

Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo báo chí vào ngày 27/3 với nội dung cho rằng đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 không có vết nứt, vẫn an toàn, ngày 27/3, Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam kiêm Chánh văn phòng Ban PCLB Quảng Nam lại cho rằng, kết luận của EVN là vội vàng, thiếu khách quan và không thuyết phục.

Ngày 27/3, sau khi EVN công bố kết luận về sự cố tại Thủy điện Sông Tranh 2, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Chính Phủ chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương sớm vào cuộc và có giải pháp xử lý

Theo ông Tuấn, việc EVN đưa ra nguyên nhân nước rò rỉ, thấm qua thân đập là do nước thấm không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập để dẫn ra hạ lưu và tổng lưu lượng thấm của toàn công trình theo quan trắc vào thời điểm kiểm tra đo được vào khoảng 30 lít/giây là thiếu rõ ràng. EVN cần giải thích rõ đây là lượng nước thấm ở mức nước nào của lòng hồ và đo được vào thời điểm nào.

Cao trình của hồ chứa này là 175m, mực nước trong lòng hồ chứa cao thì lượng nước thấm qua thân đập sẽ cao. EVN không giải thích rõ nước thấm qua thân đập do đâu?

Trong khi đó, nước đã chảy thấm qua hạ lưu, làm ướt cả thân đập, lỗi này có thể do thi công không đảm bảo. EVN còn nói do tắc đường ống cũng không đúng, vì nước chảy qua thân đập rất trong, rất sạch, nước không có bụi bẩn như nước trong lòng hồ. Từ đó, chúng ta phải đặt giả thiết đập có bị nứt hay không?”.

Ngoài ra, EVN cho rằng, thân đập không bị nứt, đập vẫn hoạt động an toàn, bình thường thì do đâu mà xảy ra hiện tượng nước chảy qua thân đập như vậy? Có chăng do chất lượng thi công kém chất lượng, các màng lọc không có khả năng ngăn nước, khe giãn nở hoạt động sai khác với yêu cầu đặt ra?...

Chưa hết, với những hình ảnh nước phun bên trong các đường hầm và chảy ra ướt hết phần thân đập phía hạ lưu thì việc EVN nói rằng đã khắc phục được đến 80% là khó tin.

“Mấy ngày qua EVN đang dùng giải pháp tạm thời là bịt các vị trí chảy nước bằng cách bơm hóa chất vào ở vùng hạ lưu chỉ không cho nước xì ra, chảy đi chỗ khác mà thôi. Ai cũng biết, nếu chúng ta bịt các lỗ chảy nước vùng hạ lưu sẽ làm cho nước ứ đọng lại làm lan tỏa ra ướt hết bê tông, lâu ngày tuổi thọ của bê tông sẽ giảm đi rất nhiều.

Bê tông đã giảm chất lượng thì đương nhiên chất lượng lẫn tuổi thọ của đập cũng giảm xuống. Để bắt đúng bệnh cho đập hiện nay, EVN nên mời các chuyên gia nước ngoài vào, họ làm việc một cách độc lập mới có kết luận chính xác, khách quan”, ông Tuấn khẳng định.

Trước thông cáo báo chí của EVN. Ngày 27/3, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc thấm nước qua đập chính Thuỷ điện Sông Tranh 2.

Đồng thời, khảo sát, kiểm tra tổng thể để phân tích, đánh giá độ an toàn vận hành đập; lắp đặt hệ thống quan sát động đất tại khu vực công trình Thủy điện Sông Tranh 2, tiến hành các nghiên cứu chi tiết về các tai biến địa chất khác liên quan để đưa ra những kiến nghị thích hợp cho việc vận hành nhà máy Thuỷ điện Sông Tranh 2.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam còn đề nghị Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sớm có kết luận chính thức về việc công trình Thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối; xác định rõ nguyên nhân thấm nước qua đập chính hồ thủy điện, giải pháp xử lý và các vấn đề khác có liên quan.

Bửu Lân-Thùy Dương

Bình luận
vtcnews.vn