• Zalo

Nuốt khó, vướng - khi nào là dấu hiệu của ung thư?

Bệnh và thuốcThứ Bảy, 09/07/2022 14:35:00 +07:00Google News

Theo chuyên gia, rối loạn nuốt có thể gặp ở nhiều căn bệnh khác nhau trong đó có ung thư.

Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM đã và đang điều trị, phẫu thuật cho nhiều người bệnh ung thư vùng đầu cổ. Hầu hết người bệnh sau phẫu thuật ung thư khoang miệng, họng và thanh quản có các mức độ rối loạn nuốt khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào vị trí và giai đoạn của khối u.

Sau phẫu thuật, bác sĩ thực hiện các phương pháp đánh giá chức năng nuốt để phát hiện ra các trường hợp người bệnh bị rối loạn nuốt và có các can thiệp kịp thời, hợp lý.

TS.BS Lý Xuân Quang, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay bệnh lý ung thư ở vùng đầu cổ có thể dẫn đến rối loạn nuốt. Nguyên nhân thứ nhất là do chính khối u gây hẹp hoặc tắc nghẽn vùng họng, thanh quản, thực quản làm cản trở sự vận chuyển thức ăn từ miệng đến dạ dày.

Bên cạnh đó, sau phẫu thuật ung thư vùng đầu cổ, các khuyết hổng ở các cấu trúc liên quan đến quá trình nuốt trong khoang miệng, họng, thực quản đều có khả năng gây rối loạn nuốt.

Ngoài ra, xạ trị vùng đầu cổ - một trong những phương pháp điều trị đối với ung thư đầu cổ - có thể gây giảm tiết nước bọt, viêm niêm mạc và cơ, xơ hóa, chít hẹp ở vùng họng, thực quản và dẫn đến rối loạn nuốt.

Nuốt khó, vướng - khi nào là dấu hiệu của ung thư? - 1

Rối loạn nuốt trong bệnh cảnh ung thư vùng đầu cổ, người bệnh sẽ có biểu hiện của khối u ở vị trí tương ứng, phát hiện qua hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, qua các phương tiện cận lâm sàng như nội soi tai mũi họng, nội soi thực quản, siêu âm cổ, siêu âm tuyến giáp, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ vùng đầu cổ…

Theo TS.BS Quang, một số yếu tố gây ung thư đầu cổ có thể kể tới như hút thuốc lá, uống rượu bia, quan hệ tình dục bằng đường miệng. Các biểu hiện của bệnh là ăn uống kém, sụt cân, suy kiệt ở giai đoạn bệnh tiến triển.

TS.BS Quang cho hay rối loạn nuốt không phải là một bệnh mà là sự than phiền của người bệnh về khó khăn khi nuốt hoặc các bất thường xảy ra trong quá trình nuốt. Rối loạn nuốt có các biểu hiện bao gồm:

- Khó thực hiện động tác nuốt.

- Cảm giác thức ăn hoặc thức uống bị chặn lại khi nuốt.

- Trào ngược thức ăn hoặc thức uống lên mũi khi nuốt.

- Ho khi nuốt.

- Cảm giác thức ăn còn đọng lại ở miệng và hoặc ở họng sau khi nuốt.

- Giọng khàn sau khi nuốt.

- Cảm giác được sự di chuyển của thức ăn hoặc thức uống ở vùng sau xương ức.

"Rối loạn nuốt rất thường gặp. Theo thống kê ở Hoa Kỳ mỗi năm cứ 25 người thì có 1 người bị rối loạn nuốt", TS Quang nói.

Rối loạn nuốt có thể xảy ra khi có rối loạn ở thần kinh điều khiển quá trình nuốt, thường gặp ở những người bệnh bị đột quỵ, bệnh Parkinson, chấn thương sọ não, u não, đa xơ cứng… hoặc bệnh lý cơ gây rối loạn hoạt động của các cơ tham gia vào quá trình nuốt như bệnh nhược cơ, viêm cơ, bệnh lý mô liên kết…

Rối loạn nuốt rất thường gặp ở những trường hợp tắc nghẽn vùng họng, thanh quản, thực quản như áp xe khoang cạnh họng, viêm thực quản, hẹp thực quản, túi thừa vùng họng/thực quản, khối u (bao gồm u lành và u ác) ở họng/thanh quản/thực quản, khối u trung thất chèn ép vào thực quản….

Rối loạn nuốt cũng có thể xảy ra ở người bệnh bị rối loạn nhu động của thực quản, gặp trong bệnh lý co thắt tâm vị và các bệnh lý rối loạn vận động khác của thực quản.

Rối loạn nuốt có thể dẫn đến các hậu quả nguy hiểm bao gồm suy dinh dưỡng, mất nước, hít sặc thức ăn vào đường hô hấp, viêm phổi hít, tắc nghẽn đường hô hấp và nặng hơn nữa là tử vong.

TS Quang tư vấn, khi có các biểu hiện của rối loạn nuốt, người bệnh nên được thăm khám bởi bác sĩ khuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và can thiệp hiệu quả.

Phương pháp điều trị rối loạn nuốt sẽ tùy vào nguyên nhân, cơ chế và độ nặng của bệnh. Đối với rối loạn nuốt trong các bệnh lý thần kinh – cơ, người bệnh sẽ được hội chẩn với các chuyên gia thần kinh để có can thiệp hợp lý. Đối với các khối ung thư vùng đầu cổ, tùy thuộc vào bản chất và giai đoạn lâm sàng của khối u mà người bệnh sẽ được phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hay phối hợp trị liệu đa mô thức.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể được trị liệu rối loạn nuốt bao gồm điều chỉnh lượng thức ăn cũng như độ đặc của thức ăn phù hợp với khả năng nuốt, hướng dẫn các tư thế hỗ trợ trong khi nuốt, và các bài tập vận động các cơ tham gia vào quá trình nuốt để tăng hiệu quả của quá trình nuốt.

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp