Mới đây tại Cà Mau, Cụm Thi đua số 7 (BHXH Việt Nam) tổ chức Hội nghị chuyên đề "Các giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện".
Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ các mô hình, cách làm hay từ BHXH địa phương mình. Các mô hình xã hội hóa vận động được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện theo hình thức tổ, nhóm nhỏ đến trực tiếp vận động tại hộ gia đình là một trong những giải pháp mang tính hiệu quả cao và phù hợp với tình hình của địa phương…
Tại tỉnh Trà Vinh, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện” của Hội LHPN các cấp phát huy hiệu quả. Hiện nay, mô hình này được triển khai và nhân rộng với 40 tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh.
Tham gia mô hình, mỗi chị em hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hằng ngày bỏ vào heo, đến kỳ sinh hoạt Chi hội Phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện.
Bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi mà rất hiệu quả, mô hình không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm, mà còn yên tâm, tự tin lo cho tương lai khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT. Qua đó, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Chỉ trong năm 2021, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh vận động, phát triển được 1.583 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020), đạt 158,3% chỉ tiêu kế hoạch BHXH tỉnh giao và trong 5 tháng đầu năm 2022 phát triển được 2.215 người, đạt 85,75% kế hoạch BHXH tỉnh giao.
Tại tỉnh An Giang, BHXH tỉnh xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền mới như: Mô hình vinh danh đơn vị sử dụng lao động 3 năm liền thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; mô hình vinh danh gương sáng đại lý thu, vinh danh UBND các xã, phường, thị trấn đạt độ bao phủ BHYT toàn dân nhằm đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt. Hoặc các mô hình tuyên truyền hay từ tỉnh đến đến huyện như: “Tổ tự quản BHYT kiểu mẫu”, “Gia đình BHYT kiểu mẫu”, “Ống heo an sinh"…
Ở BHXH cấp huyện cũng có nhiều mô hình thiết thực. Chẳng hạn: BHXH thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt chỉ tiêu được giao. Theo đó, trước tình hình dịch bệnh, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vận động BHXH tự nguyện, BHXH Thị xã Long Mỹ liên hệ với các Bí thư Chi bộ ấp, khu vực về thời gian tham dự buổi họp Chi bộ, để tham gia tuyên truyền vào cuối buổi họp; tổ chức đối thoại cùng các hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ… Qua đó, tuyên truyền, trao đổi về chính sách BHXH và vận động tham gia BHXH tự nguyện đến những đảng viên của Chi bộ và hội viên của các hội, đoàn thể. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức thông qua mạng xã hội…
Tại BHXH huyện Thới Bình (Cà Mau), phương pháp truyền thông chính sách BHXH, BHYT và quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý thu cũng phát huy hiệu quả, giúp gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện.
Được biết, năm 2022, Cụm Thi đua số 7 được BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển 286.525 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 55,46% so với năm 2021, tương ứng tăng 102.228 người.
Đại diện Cụm Thi đua số 7 cho biết, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng như từ năm 2022, Nhà nước nâng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, dẫn đến mức đóng tối thiểu của người tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 2 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, một số tỉnh trong Cụm Thi đua có đa số lực lượng lao động và người dân sinh sống bằng nghề nông nên thu nhập nhìn chung còn thấp và không ổn định, từ đó điều kiện và khả năng tham gia BHXH tự nguyện cũng bị hạn chế…
Vì vậy, tại Hội nghị, các ý kiến phân tích và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện BHXH tự nguyện tại các địa phương. Trong đó, BHXH các địa phương cần tăng cường công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, làm cơ sở để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện.
Đồng thời, cơ quan BHXH cần phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi đối thoại, tọa đàm trực tiếp tại những địa phương có tỷ lệ người tham gia thấp, nhiều người chưa tham gia đáo hạn, các xã nông thôn mới.
Cùng với đó, phối hợp với Bưu điện tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. BHXH các huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn giao chỉ tiêu cho đội ngũ nhân viên đại lý thu của xã, phường, thị trấn; tăng cường các tổ, nhóm nhỏ đến tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ gia đình theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của tỉnh; tuyên truyền trực tuyến trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…
Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng kiện toàn Ban Chỉ đạo, hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Kiện toàn đội ngũ nhân viên đại lý thu đông về số lượng, mạnh về chất lượng, đảm bảo công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện được hiệu quả.
Bình luận