Chiều 7/4, ông Ngô Minh Long - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Hậu Giang cho biết, ý tưởng nuôi cá bè cạnh nhà máy giấy Lee&Man ở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành) đã có từ 6 tháng trước với mục đích chính là giám sát ô nhiễm môi trường từ nhà máy giấy thải ra.
Tuy nhiên nhiều người dân không dám nuôi cá vì theo người dân nếu chẳng may cá chết, ai sẽ gánh chịu thiệt hại cho họ.
Nuôi cá để chứng minh nước sạch
Bà Lê Mỹ Ngọc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang cho biết đã được Giám đốc Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thí điểm nuôi cá cạnh nhà máy giấy cách nay ít ngày.
“Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch, nếu được phê duyệt, dự kiến sẽ bắt đầu thả nuôi trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới” - bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, việc nuôi cá này là nhằm chứng minh cho người dân thấy nước thải của nhà máy không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. Dự kiến, sẽ có từ 1đến 2 hộ tham gia nuôi thử nghiệm. Người dân tham gia nuôi thử nghiệm sẽ được tập huấn kỹ thuật, được nhà nước hỗ trợ con giống, thức ăn và có sự giám sát của cơ quan chuyên môn.
Cá nuôi sẽ được lấy mẫu phân tích trước khi thu hoạch. “Trước khi thu hoạch sẽ lấy mẫu đi phân tích dư lượng kháng sinh độc hại, đồng thời nghiên cứu nguồn nước thải của nhà máy xem có độc chất nào thải ra thẩm thấu vào con cá nuôi không. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý kịp thời” - bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, việc nuôi cá cạnh khu vực ống xả thải của nhà máy giấy Lee&Man là nhằm chứng mình rằng cá nuôi cạnh nhà máy vẫn đảm bảo an toàn. Người tiên phong ăn trước là cán bộ.
“Cán bộ ăn trước để dân tin chứ không phải mục đích của việc nuôi để phục vụ cho cán bộ, cũng giống như trường hợp ở miền Trung năm ngoái là để chứng minh cho nguồn nước sạch mà lãnh đạo tỉnh xuống biển tắm và ăn cá”- bà Ngọc giải thích.
Khi được phóng viên hỏi “Bà có sẵn sàng sử dụng cá nuôi tại đây?”, bà Ngọc nói: “Mô hình thành công khi nhà máy vẫn xả thải ra, nếu kiểm tra không phát hiện chất độc hại thì sản phẩm an toàn. Lúc đó, chắc chắn tôi sẽ dùng và tự tin về sản phẩm đó”.
Ông Dương Quốc Hưng - Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường Hậu Giang cho biết, hiện tại tổ công tác giám sát quá trình vận hành nhà máy Lee&Man (gồm đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang) đang trong quá trình giám sát thử nghiệm các hoạt động vận hành của nhà máy, trong đó có quan trắc nguồn nước nên chưa có số liệu hay thông tin chính thức.
Chúng tôi không dám nuôi cá
Trước đây, trên sông Mái Dầm, đoạn sát nhà máy Lee&Man có 7 hộ dân nuôi cá. Kể từ khi nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động, hầu hết người dân đã ngưng nuôi cá.
Ông Huỳnh Minh Thành (55 tuổi) ngụ ấp Phú Xuân cho biết đã nuôi cá điêu hồng cạnh vị trí nhà máy hiện nay được 3 năm. Tuy nhiên, từ sau Tết vừa rồi, ông đã không thả nuôi vì lo ngại nhà máy giấy được đưa vào vận hành thử sẽ ảnh hưởng đến cá nên đã phải “treo” 10 lồng bè với vốn đầu tư gần 300 triệu đồng.
“Tôi lo ngại nguồn nước này bị ô nhiễm nên sợ không dám thả lại. Bây giờ chú thấy đó, mùi hôi cỡ này giờ đổ vốn vào nuôi cá mấy trăm triệu đồng chứ đâu có ít, nếu bị thiệt hại chúng tôi coi như mất trắng”- ông Thành nói.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà (55 tuổi, ngụ ấp Phú Xuân) người có hơn 2 năm với nghề nuôi cá bè buồn rầu nói: “Một lồng bè nuôi cá đầu tư mỗi vụ không dưới 200 triệu đồng. Bây giờ nuôi lỡ cá chết ai thương cho mình?
Nước ở đây bị ô nhiễm kèm với đó là khói bụi, tiếng ồn… nên tôi không dám nuôi. Khi nào nhà nước khắc phục được tình trạng này thì mới mong người nuôi trở lại”.
Cũng theo bà Hà, gia đình của bà chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng bè. Kể từ khi ngưng nuôi cho đến nay bà phải đi làm thuê tại một cửa hàng giầy da gần nhà với số tiền thu nhập 2 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống và lo cho các con đi học.
Người duy nhất hiện còn nuôi cá cạnh nhà máy là ông Mai Hoàng Thông (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm).
Ông Thông cho biết đang nuôi ở mức độ cầm chừng và luôn trong tâm trạng phấp phỏng: “Mấy năm trước tôi nuôi 2 vụ, nhưng hiện tại chỉ nuôi 1 vụ cầm chừng. Chi phí tiền thức ăn và con giống cho 2 bè cá tính đến thời điểm này gần 400 triệu đồng”.
Ông cũng cho biết, lứa cá này được thả cách đây hơn 1 tháng. “Từ lúc thả cá cho đến nay, sáng nào tôi cũng thường xuyên theo dõi nguồn nước nếu có trường hợp cá chết bất thường hay nước bị ô nhiễm là tôi chụp hình lấy mẫu nước đem đi trình báo cơ quan chức năng”- ông Thông nói.
Theo ông Thông, số cá được nuôi như hiện nay nếu không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước hay trường hợp cá có biến chứng lạ thì đến khi thu hoạch vẫn có thể cung cấp bán ra thị trường bên ngoài là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ông Thông không khẳng định là sẽ dám ăn cá do chính mình nuôi tại đây.
Cử tri Cần Thơ lo ngại nhà máy giấy Lee & Man
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ chiều 7/4, ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) quận Cái Răng cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được bà con của quận quan tâm, nhất là nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang (vị trí lân cận với địa bàn quận) thải nước thải ra sông Hậu sẽ ảnh hưởng sức khỏe và nuôi trồng thủy hải sản về sau, cử tri mong muốn sự quan tâm và có hướng khắc phục.
Ông Nguyễn Hùng Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Phong Điền cho biết, cử tri trên địa bàn huyện này bày tỏ lo ngại về việc Nhà máy giấy Lee & Man hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngưng vì bị phản đối mạnh mẽ.
“Chất thải độc hại xả ra môi trường là cái họa diệt mầm sống trước mắt lẫn lâu dài về sau, không chỉ cá tôm trong thiên nhiên mà cá nuôi bè trên sông, tôm nuôi trong ao công nghiệp cũng bị ảnh hưởng” – ông Phước nói.
Video: Ô nhiễm môi trường khiến con người càng ngày ngửi càng kém
Bình luận