Theo đó, liên quan đến hiện tượng thủy hải sản nuôi trên vịnh Mân Quang chết hàng loạt, Sở TNMT TP Đà Nẵng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước tại đây.
Kết quả 4 mẫu nước lấy tại bè cá của các hộ nuôi thủy hải sản tại đây đều vượt Quy chuẩn QCVN 10:2008/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ, giới hạn cho vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh), cụ thể: Thông số oxy hòa tan trong nước (DO) thấp hơn 2 lần so với mức cho phép; hàm lượng chất hữu cơ COD vượt 2-3,5 lần; Amoni (HN4+) vượt 1-3 lần. Đặc biệt chỉ số dầu mỡ khoáng đo được từ 0,3-0,4mg/l (trong khi theo quy định phải bằng 0); hàm lượng kim loại nặng trong nước (Fe, Cd, Cu, Pb) vượt từ 1-33 lần so với quy định cho phép.
Nước tại vịnh Mân Quang bị ô nhiễm kim loại nặng với hàm lượng kim loại nặng trong nước vượt từ 1-33 lần mức cho phép, không đảm bảo nuôi trồng thủy sản |
Ông Huỳnh Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng cho biết: “Với chất lượng nước như trên, việc neo đậu tàu thuyền, thông thủy vẫn đạt yêu cầu cho phép. Tuy nhiên dùng để nuôi trồng thủy sản thì không đảm bảo yêu cầu quy chuẩn cho phép, vì với chất lượng nước như vậy, chất lượng thủy hải sản nuôi tại đây sẽ không đảm bảo. Đặc biệt là chỉ số kim loại nặng và dầu mỡ khoáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hải sản nơi đây.
Về nguyên nhân cá chết, ngoài việc do chất lượng nước không đảm bảo khiến cá yếu hơn, khi có sự thay đổi thời tiết đột ngột, làm ảnh hưởng đến môi sinh của các loài thủy sản tại đây và gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt như thời gian vừa qua”.
“Mặc dù trước đó, các ngành chức năng đã khuyến cáo và cấm nuôi trồng thủy sản, nhưng người dân vẫn tự ý nuôi trồng. Sau sự việc, Sở TNMT đã đề nghị UBND TP, UBND quận Sơn Trà tiến hành tháo dỡ lồng bè không cho phép tiếp tục nuôi trồng thủy sản tại khu vực này”, ông Huỳnh Anh Hoàng nhấn mạnh.
Bửu Lân
Bình luận